Nghiên cứu do các chuyên gia tại Đại học Semmelweis ở Budapest thực hiện, đăng trên tạp chí Sinh học Sinh sản và Nội tiết, ngày 1/5. Kết quả nghiên cứu đi ngược lại những lầm tưởng thường thấy, rằng vấn đề sinh sản phần nhiều do phụ nữ.
Phó giáo sư Zsolt Kopa, người đứng đầu nghiên cứu cho biết 5 yếu tố kể trên có thể gây ra phân mảnh DNA trong tế bào tinh trùng, ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh, mang thai và sức khỏe phôi thai. Ngay cả khi xảy ra quá trình thụ tinh, nếu vật liệu di truyền được truyền cho phôi thai bị tổn thương, người phụ nữ có thể sảy thai.
“Mức phân mảnh tối ưu của DNA thường là dưới 25%. Trên mức này, cơ hội thụ thai giảm. Vượt quá 50%, tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm cũng giảm”, phó giáo sư Kopa nói thêm.
Theo nghiên cứu, thói quen hút thuốc làm tăng 9,19% sự phân mảnh DNA của tinh trùng. Ô nhiễm không khí tạo ra tình trạng stress oxy hóa và viêm nhiễm, dẫn đến giãn tĩnh mạch thừng tinh – các tĩnh mạch mở rộng có thể ảnh hưởng quá trình sản xuất tinh trùng. Giãn tĩnh mạch thừng tinh do ô nhiễm làm tăng phân mảnh 13%.
Thay đổi lối sống hoặc can thiệp y tế có thể giảm thiểu các rủi ro này, nhưng tuổi tác là yếu tố cố định. Phó giáo sư Kopa cho biết sự phân mảnh DNA tăng mạnh (12%) sau khi nam giới 50 tuổi. Vì vậy, các nhà khoa học nhận định chất lượng tinh trùng sẽ bắt đầu suy giảm nhanh hơn ở độ tuổi này.
Giáo sư Anett Szabó, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết ảnh hưởng của những thói quen xấu trong lối sống tích tụ theo thời gian. Khi nam giới đã cao tuổi, các thói quen này ăn sâu, gây nhiều thiệt hại.
Với xu hướng lập gia đình muộn hiện nay, các cặp vợ chồng cần cân nhắc đến yếu tố cản trở khả năng thụ thai khác như bệnh tiểu đường, thường không xuất hiện ở người trẻ.
Tiến sĩ Andrew Yip, khoa Tiết niệu (Đại học Hong Kong), nhận định vấn đề trở nên phức tạp hơn vì ít đàn ông cân nhắc đến việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Họ thường không nghĩ vấn đề chức năng sinh dục nằm ở bản thân.
“Hầu hết bệnh nhân của tôi phàn nàn về thời gian làm việc dài, nghỉ ngơi ít, vận động kém. Nhiều người hút thuốc, uống rượu và có lối sống không lành mạnh. Đây là vấn đề ở các thành phố lớn”, tiến sĩ Yip nói.
Theo giáo sư Kopa, nam giới cần nhận thức rõ hơn những nguy cơ gây vô sinh. Các trường học có thể cân nhắc bổ sung những thông tin này vào chương trình giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên. Bác sĩ có thể nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi lối sống, giảm thiểu tối đa các yếu tố rủi ro trong mỗi lần khám bệnh, bất kể chuyên môn, về sức khỏe sinh sản có mối tương quan chặt chẽ với sức khỏe nói chung.
Giáo sư Szabó cho biết nếu nam giới có thể giảm nguy cơ tổn thương DNA bằng lối sống lành mạnh, họ sẽ tiết kiệm được chi phí cho kế hoạch sinh con về lâu dài.
Theo VnExpress