Thought Leadership Kỳ #3: Giữ màu đỏ trong tim và kể những câu chuyện chạm đến con người - Doctor247

Thought Leadership Kỳ #3: Giữ màu đỏ trong tim và kể những câu chuyện chạm đến con người

By: Nguyễn Ngọc Thiên Kim – Client Lead, Redcomms

Truyền thông không chỉ là việc tạo ra nội dung, mà còn là quá trình chọn cách kể – sao cho đúng lúc, đúng người, và đủ để mở ra một sự thay đổi dù là nhỏ nhất. Giữa những yêu cầu chiến lược và áp lực kết quả, vẫn có chỗ cho sự thấu cảm, cho những câu chuyện được kể một cách cẩn trọng và có trách nhiệm. Bài viết này chia sẻ một vài lát cắt từ hành trình làm nghề – không phải để đúc kết, mà để cùng suy nghĩ về cách truyền thông có thể chạm đến con người một cách bền bỉ hơn.

Truyền thông – không chỉ để nói, mà để hiểu

Tôi không chủ đích chọn truyền thông ngay từ đầu. Nhưng chính thói quen quan sát con người – cách họ phản ứng, lo lắng, im lặng hay thay đổi – đã dần đưa tôi đến với công việc này một cách rất tự nhiên. Ban đầu chỉ là sở thích ghi lại những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày. Nhưng càng quan sát, càng làm nghề, tôi càng nhận ra: Giữa rất nhiều dữ liệu và chiến lược, điều thật sự chạm đến người khác thường bắt đầu từ một ánh nhìn đủ lâu, một câu hỏi được đặt đúng lúc.

red-communitcations

Trên hành trình đó, tôi đã bắt gặp không ít những khoảnh khắc tưởng chừng rất nhỏ. Một người mẹ dừng lại lâu hơn trước bài viết về sốt xuất huyết, hay một nhân viên trẻ chia sẻ một video nói về sức khỏe tâm thần, hoặc một người từng im lặng với bảo hiểm nay bắt đầu đặt câu hỏi.

Những hành động ấy lặng lẽ như hơi thở, chẳng cần hiện diện trong các bản báo cáo hay thống kê đo lường tương tác. Nhưng chúng để lại một chỉ dấu không thể phủ nhận: Truyền thông có mặt trong những khoảnh khắc rất đỗi bình dị – và nếu đủ chân thành, đôi khi có thể xoay chuyển cả một dòng suy nghĩ, thậm chí là dẫn dắt lại một lối đi.

Người làm truyền thông có thể hoạt động trong nhiều ngành – từ FMCG, giáo dục, bảo hiểm đến y tế. Mỗi lĩnh vực có một “logic” riêng. Nhưng dù ở đâu, điểm chạm cuối cùng vẫn là con người – với những nỗi sợ, kỳ vọng, rào cản và hy vọng rất thật, rất “người”.

Làm đủ lâu trong nghề, sẽ đến lúc mỗi người tự hỏi: Những nội dung mình làm ra đã để lại điều gì cho người xem? Không phải chiến dịch truyền thông nào cũng thay đổi được hành vi trong đời sống. Nhưng nếu một chiến dịch được thực hiện bằng sự tử tế, thì ít nhất, nó cũng không đánh đổi niềm tin chỉ để lấy sự chú ý. Nó có thể không tạo tác động tức thì, nhưng đủ để khiến người ta dừng lại lâu hơn một chút – để nghĩ, để hiểu, hoặc để đặt ra tiếp một câu hỏi neo lại trong lòng về sau.

Y tế – nơi truyền thông buộc phải thận trọng hơn, chậm rãi hơn

Truyền thông trong ngành y tế không phải là chuyện dễ kể. Không phải vì nó thiếu những câu chuyện dễ tiệm cận đời sống, mà vì từng câu nói, từng con số, từng hình ảnh đều phải được cân nhắc kỹ càng, minh xác. Giữa “nói đúng” và “nói trúng” là một khoảng cách lớn. Giữa kiến thức khoa học và sự tiếp nhận cảm xúc là một vùng giao thoa phức tạp.

chi-nguyen-ngoc-thien-kim-red-communitcations

Khi kể về những bệnh không triệu chứng, về các rủi ro sức khỏe dài hạn hay một loại vaccine mới, điều quan trọng không chỉ là “đúng”, mà là đủ thấu cảm để người nghe muốn tiếp tục lắng nghe – dù chỉ là thêm một phút nữa.

Trong nhiều chiến dịch sức khỏe cộng đồng mà tôi có cơ hội tham gia, phần việc của đội ngũ truyền thông có thể không lớn – không phải là nơi ra quyết định cuối cùng, cũng không phải tuyến đầu điều trị. Nhưng đôi khi, chính những nội dung được kể bằng sự thấu cảm và chính xác lại trở thành chiếc cầu đầu tiên giúp công chúng bước ra khỏi sự do dự: từ không biết sang muốn hiểu, từ né tránh sang bắt đầu quan tâm, từ ngần ngại sang hành động…

Lãnh đạo – không phải để giành phần đúng, mà để nhìn thấy điều chưa ai thấy

Không chỉ với công chúng, người làm truyền thông cũng cần học cách lắng nghe chính đội ngũ mình – nhất là khi sự khác biệt bắt đầu xuất hiện.Truyền thông là ngành của đối thoại, không chỉ với công chúng – mà trước hết, là với những người cùng ngồi bên bàn làm việc. Bởi vì ý tưởng không đến từ một cá nhân, mà đến từ hàng loạt góp ý, tranh luận, phản biện của cả đội ngũ tham gia.

Có những cuộc họp nặng trĩu vì chồng chéo ý tưởng. Có những khoảnh khắc ai đó cảm thấy mình bị gạt ra ngoài lề. Nhưng nếu đủ kiên nhẫn để lắng nghe, đủ rộng lượng để mở lòng, thì chính từ những lần ‘lạc đường nhẹ’ ấy lại có thể mở ra một lối đi đúng đắn và đến đích sớm hơn cả mong đợi. Bởi một chiến dịch thành công không phải là kết quả của sự đồng thuận tuyệt đối, mà là hành trình đồng cam cộng khổ để liên tục vượt qua thử thách và đồng lòng soi chiếu lại mọi giả định cá nhân ban đầu.

Đó là lý do “leadership” trong ngành truyền thông y tế không nên được định nghĩa bằng việc “ai nói nhiều hơn ai”, mà bằng khả năng bao dung để kiến tạo nên những không gian chia sẻ an toàn và rộng mở cho những ý niệm ban sơ được lắng nghe, được thầm thì bộc lộ. Không phải mọi phản biện đều đúng, nhưng cũng không phải mọi chân lý đều hiện hình ngay trong câu nói đầu tiên. Nhưng đôi khi, những ý tưởng mới mẻ, sâu sắc thường chưa kịp thành hình ở lần đầu tiên chúng ta cất lời.

chi-nguyen-ngoc-thien-kim-client-lead

Một người leader không cần giỏi chịu đựng sự khác biệt. Người đó cần biết cách đặt câu hỏi, điều tiết bối cảnh và giữ lại tinh thần phản biện – đủ lâu – để sự khác biệt có thời gian chứng minh giá trị của nó.

Làm truyền thông là câu chuyện của kỹ năng và chiến lược. Làm leadership lại là câu chuyện của sự lắng nghe và thấu cảm. Giữa hai vai trò tưởng chừng khác biệt ấy, vẫn có một điểm chung: phải đủ kiên nhẫn để lắng nghe trọn vẹn trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào.

Tựu trung, dù làm truyền thông hay làm bất kỳ công việc, lĩnh vực gì trong một tập thể, có lẽ điều cần nhất vẫn là sự tử tế và một tâm thế tỉnh táo để lắng nghe, chọn lọc, và kiên tâm đi đường dài. Có thể sau tất cả dự án ngổn ngang và rất nhiều dự án tiếp nối, sẽ không ai nhớ chính xác ai đã viết một câu headline hay, hay ai là người góp ý đúng vào phút cuối. Nhưng cảm giác được tôn trọng, được hiểu, được lắng nghe – dù là trong một bài viết hay trong một cuộc họp, ngay tại khoảnh khắc “chung tay, chung lòng, chung niềm sáng tạo” – là điều tất cả sẽ đồng lòng ghi nhớ.

Truyền thông không phải lúc nào cũng cần những thông điệp vĩ mô. Leadership không phải nhất thiết luôn cần hào quang túc trực. Chỉ cần giữ màu đỏ trong tim – màu của sự nỗ lực, của năng lượng chính trực – là đủ để tiếp tục làm nghề, một cách bình tĩnh và bền bỉ. Trong vai trò của người dẫn dắt, có lẽ điều quan trọng không nằm ở việc định hướng mọi thứ, mà là tạo ra không gian đủ tin cậy để mỗi người trong đội ngũ tìm ra niềm tin nghề nghiệp và màu sắc riêng của mình. Khi ai cũng được là chính họ – một cách có trách nhiệm và gắn kết – thì tập thể sẽ vận hành không chỉ bằng kỹ năng, mà bằng nội lực. Và khi đó, giá trị chung không còn là một đích đến xa vời, mà đã cộng sinh trong mỗi cá nhân, cộng hưởng trong từng công việc và dẫn đường cho cả tập thể đi xa, như một lẽ thường hằng tự nhiên.

nguyen-ngoc-thien-kim-thought-leadership

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận