Thought Leadership Kỳ #1: Khi con gái bác sĩ chọn nghề "kể chuyện" y tế - Doctor247

Thought Leadership Kỳ #1: Khi con gái bác sĩ chọn nghề “kể chuyện” y tế

Nhi (Lynn) Lê là cử nhân ngành Truyền thông Marketing tại Đại học Kinh tế Quốc dân và thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Western Sydney. Cùng nghe chia sẻ của chị với vai trò Quản lý truyền thông cấp cao, Red Communications Agency về truyền thông ngành y tế và sức khoẻ. 

Truyền thông về sức khoẻ: Cơ duyên hay lựa chọn?

“Một thập kỷ làm Marketing và là một người thích kể những câu chuyện cảm hứng” – Đó là cách chị Nhi Lê giới thiệu bản thân với độc giả. Vậy điều gì dẫn lối chị đến với ngành truyền thông sức khoẻ? 

Mình sinh ra trong một gia đình có bố là bác sĩ, mẹ là giáo viên dạy văn, nên từ nhỏ đã quen với hai thứ: những câu chuyện và những kiến thức về sức khỏe. Mình thích kể chuyện, thích truyền đạt thông tin, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó, mình sẽ gắn bó với ngành truyền thông y tế. 

Tuổi thơ hay ốm vặt giúp mình hiểu rõ hơn tầm quan trọng của thông tin sức khỏe – đôi khi chỉ một thông điệp đúng lúc cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Nhưng phải đến khi làm marketing, rồi trải qua một biến cố lớn khiến mình tạm dừng mọi thứ, mình mới có cơ hội nhìn lại. Đúng lúc đó, Red Communications Agency (RedComms) gửi lời mời hợp tác – và mình nhận ra đây chính là cơ hội để kết hợp đam mê kể chuyện với lĩnh vực sức khỏe.

Điều gì khiến chị lựa chọn RedComms? 

Mình chọn RedComms vì đây không chỉ là agency với thế mạnh nhiều năm cung cấp dịch vụ truyền thông cho các tập đoàn lớn, mà còn là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực truyền thông y tế và sức khỏe. Đứng sau RedComms là chị Sue Le – một người có hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành, đặc biệt hơn 10 năm gắn bó với tiếp thị dược phẩm, y tế và lối sống. 

Điều mình thích nhất ở RedComms là cách làm truyền thông “may đo” – mỗi dự án đều được thiết kế riêng, phù hợp với đặc thù của ngành và nhu cầu của khách hàng. Từ quan hệ công chúng trong dược phẩm, truyền thông bệnh học, huấn luyện người phát ngôn, đến quản trị danh tiếng và xử lý khủng hoảng y tế, RedComms đều có giải pháp chuyên sâu. Cùng với đó, Doctor247 cũng vừa ra mắt với sứ mệnh kết nối thông tin y tế chính xác, gần gũi hơn với công chúng.

Ảnh: chị Nhi Lê tham gia giải chạy địa hình Laan Ultra Trail 2024 - cự ly 20km 
Ảnh: chị Nhi Lê tham gia giải chạy địa hình Laan Ultra Trail 2024 – cự ly 20km

Những thử thách và trách nhiệm lớn hơn một chiến dịch truyền thông về sức khoẻ 

Có những thông tin nào đáng chú ý về vấn đề truyền thông cho sức khoẻ hiện nay theo chị cần đáng quan tâm? 

Truyền thông sức khỏe không chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin, mà còn liên quan chặt chẽ đến yếu tố văn hóa, xã hội và cách con người kết nối với nhau. Theo Healthy People 2030 – một chương trình của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, số người trưởng thành chia sẻ thông tin sức khỏe với gia đình, bạn bè đang giảm đáng kể, từ 86,9% (2017) xuống còn 79,6% (2022).(1) 

Xu hướng này đặt ra một thách thức lớn: khi mọi người ít chia sẻ với nhau, họ có xu hướng tìm kiếm thông tin trên mạng – nơi không phải lúc nào cũng có những nguồn đáng tin cậy. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Meta và Gallup – công ty tư vấn toàn cầu cho biết hơn ¼ thế giới đang cảm thấy cô đơn (2). Tạp chí khoa học Wired (2024) (3) cũng nhấn mạnh rằng sự cô đơn không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể.   

Điều này càng khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông sức khỏe trong việc không chỉ cung cấp thông tin, mà còn giúp mọi người kết nối với những nguồn tin cậy và cộng đồng hỗ trợ. 

Công thức đứng sau một chiến dịch truyền thông sức khỏe hiệu quả theo chị là gì? 

Một chiến dịch truyền thông sức khỏe hiệu quả cần đảm bảo rằng thông điệp phù hợp với từng nhóm đối tượng mà nó hướng đến. Một mô hình tham khảo cho người làm truyền thông là RESPECT Framework for Healthcare Communication – Khung Truyền thông Y tế theo Đối tượng, giúp tối ưu cách tiếp cận và ưu tiên thông tin theo từng nhóm công chúng. 

Nguồn: Ths. Nhi Lê, Senior Communication Manager, Red Communications 
Nguồn: Ths. Nhi Lê, Senior Communication Manager, Red Communications

Mỗi nhóm có nhu cầu khác nhau: công chúng cần nội dung dễ hiểu, dễ tiếp cận; nhà hoạch định chính sách quan tâm đến dữ liệu súc tích; bác sĩ, chuyên gia y tế đòi hỏi thông tin có căn cứ khoa học; cộng đồng mong muốn thông điệp gắn với hành động cụ thể; truyền thông & báo chí cần góc nhìn phù hợp bối cảnh; nhân viên doanh nghiệp cần thông tin thực tiễn; và doanh nghiệp muốn đảm bảo tính tin cậy, trách nhiệm xã hội.      

Khi truyền thông đúng cách, đúng người, thông điệp không chỉ lan tỏa mà còn tạo ra tác động thực sự. 

Những thách thức chị gặp phải trong truyền thông về sức khoẻ, giáo dục cộng đồng? 

Một trong những thách thức lớn nhất trong truyền thông y tế là đảm bảo tính đạo đức – làm sao để thông tin lan tỏa mà không gây hiểu lầm rằng chúng ta đang “làm kinh doanh trên nỗi đau của người bệnh.” 

Bên cạnh đó, cách sử dụng dữ liệu và sự thật trong truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng. Không phải con số nào cũng chỉ mang tính thống kê khô khan, mà nếu được diễn đạt khéo léo, chúng có thể trở thành biểu tượng giàu cảm xúc và dễ ghi nhớ hơn. Ví dụ, trong chiến dịch tuyên truyền phòng bệnh viêm não mô cầu năm 2024, thông điệp “Một lá cờ, triệu hy vọng” không chỉ mang ý nghĩa kêu gọi hành động, mà còn được xây dựng dựa trên nguyên tắc truyền thông: “một” nhấn mạnh trọng tâm, tạo điểm neo trong nhận thức, còn “triệu” thể hiện sự lan tỏa mạnh mẽ, khuyến khích cộng đồng cùng chung tay vì sức khỏe. 

Một thách thức khác là làm sao biến những kiến thức y khoa đôi khi phức tạp và khô cứng thành nội dung gần gũi, dễ tiếp nhận. Chẳng hạn, hình ảnh dải ruy băng hồng đã trở thành biểu tượng toàn cầu cho nhận thức về ung thư vú, không chỉ đơn thuần là một thông điệp mà còn xuất hiện trên hàng triệu sản phẩm, sự kiện gây quỹ và chiến dịch truyền thông. Những biểu tượng như vậy giúp thông tin y tế không chỉ dừng lại ở lời nói mà còn trở thành hình ảnh gợi nhắc mạnh mẽ, truyền cảm hứng hành động và kết nối cộng đồng trên quy mô lớn. 

Truyền thông sức khỏe cũng phải tiếp cận nhiều nhóm đối tượng khác nhau – từ chuyên gia y tế, bệnh nhân, gia đình bệnh nhân cho đến cộng đồng nói chung. Một chiến dịch có thể phải điều chỉnh thông điệp để phù hợp với từng nhóm này. 

Cuối cùng, việc sử dụng nỗi sợ hãi trong truyền thông y tế luôn là một bài toán cần cân bằng. Chúng ta cần cảnh báo về nguy cơ bệnh tật nhưng cũng phải truyền tải thông điệp tích cực, giúp mọi người chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe, thay vì chỉ cảm thấy lo lắng hoặc hoang mang. 

Trong những khó khăn và thách thức đó, có trải nghiệm nào đáng nhớ với chị cùng team (nhóm)? 

Kỷ niệm thì có rất nhiều. Có lần tụi mình thực hiện một dự án về bệnh học, tình cờ có hai bạn trong nhóm “dính” đúng bệnh đó. Sau này nhìn lại, cả team hay trêu nhau rằng chắc phải có “trải nghiệm thực tế” với vai trò bệnh nhân thì mới tìm ra được insight trúng đích! 

Một chiến dịch khác lại rất đặc biệt với mình, vì nó liên quan đến chính chuyên môn của bố mình và cũng là căn bệnh mà người thân của một bạn trong nhóm đã sống chung nhiều năm. Khi lên ý tưởng, tụi mình quyết định thực hiện phỏng vấn chuyên sâu với cả hai – một người là bác sĩ, một người là bệnh nhân – để khai thác trọn vẹn góc nhìn từ hai phía. Dù khi đó dự án mới chỉ trong giai đoạn đề xuất, nhưng team vẫn đầu tư rất nhiều tâm huyết vào một clip phóng sự thật chỉn chu. Cuối cùng, tụi mình đã giành được cơ hội thực hiện dự án. Điều đó càng khẳng định rằng, khi làm truyền thông bằng cả trái tim, thông điệp sẽ chạm đến trái tim. 

Ảnh: chị Nhi Lê (thứ 3 từ trái sang) cùng chị Sue Le - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Red Communications và Công ty TNHH Doctor247 (thứ 4 từ trái sang) và đồng nghiệp khi nhận giải thưởng Chương trình Đột phá của năm 2024 cho Vodcast Doctor247 
Ảnh: chị Nhi Lê (thứ 3 từ trái sang) cùng chị Sue Le – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Red Communications và Công ty TNHH Doctor247 (thứ 4 từ trái sang) và đồng nghiệp khi nhận giải thưởng Chương trình Đột phá của năm 2024 cho Vodcast Doctor247

Có những quả ngọt nào khiến chị cảm thấy hạnh phúc với nghề? 

Hạnh phúc đối với mình là khi thấy những thông điệp truyền thông không chỉ lan tỏa, mà còn thực sự chạm đến mọi người, giúp họ hiểu và thay đổi nhận thức về sức khỏe. Đó có thể là một người mẹ bắt đầu đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, một người trẻ ý thức hơn về việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, hay một bệnh nhân tìm được nguồn thông tin chính xác giữa vô vàn luồng tin trái chiều. 

Mình cũng thấy may mắn khi có cơ hội làm cầu nối để các bác sĩ, điều dưỡng – những người giỏi chuyên môn nhưng thường ít xuất hiện trước công chúng – có thể lên tiếng, chia sẻ kiến thức và góp phần mang đến những thông tin y khoa hữu ích, chính xác hơn cho cộng đồng. 

Và điều ý nghĩa nhất là dù chọn ngành truyền thông, mình vẫn đang tiếp nối di sản của ba mẹ – một người cha làm bác sĩ, một người mẹ là giáo viên dạy văn. Một người chữa lành bằng y học, một người chữa lành bằng con chữ, và mình thì may mắn đứng ở giao điểm của cả hai. 

Lời giải cho mảnh ghép trong phương thức truyền thông sức khoẻ mới  

Từ góc độ người làm truyền thông, làm thế nào có thể nâng cao hiệu quả trong truyền thông y tế, sức khoẻ và lối sống? 

Để nâng cao hiệu quả truyền thông y tế, điều cốt lõi là phải hiểu sâu sắc cách thông điệp được xây dựng và truyền tải đến đúng đối tượng. Một mô hình tiêu biểu mà người làm truyền thông có thể tham khảo là RESPECT Healthcare Communication Messaging Checklist – Bộ Tiêu chí về Thông điệp Truyền thông Y tế, gồm 7 yếu tố: Rapport (gắn kết), Empathy (đồng cảm), Support (hỗ trợ), Partnership (hợp tác), Explanations (giải thích), Cultural Competence (hiểu biết văn hóa) và Trust (niềm tin). 

Nguồn: Ths. Nhi Lê, Senior Communication Manager, Red Communications 
Nguồn: Ths. Nhi Lê, Senior Communication Manager, Red Communications

Khác với RESPECT Framework for Healthcare Communication, vốn tập trung vào cách giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân, mô hình này nhấn mạnh việc xây dựng thông điệp trong truyền thông y tế. Trong đó, Trust (niềm tin)yếu tố then chốt. Khi thông tin về sức khỏe tràn lan với nhiều luồng sai lệch, việc tạo dựng lòng tin giữa thương hiệu, đơn vị truyền thông và khán giả chính là chìa khóa quyết định thành công của một chiến dịch. 

Chị có thể chia sẻ một ví dụ về phương thức truyền thông sức khoẻ mới? 

Một chương trình truyền thông về lối sống gần đây chuỗi video podcast “Well-being – Hành trình vui khỏe”, do Doctor247 phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thực hiện. Dự án này mang đến nội dung y khoa chính xác, gần gũi và có tính ứng dụng cao, giúp công chúng dễ dàng tiếp cận và áp dụng kiến thức sức khỏe vào cuộc sống.

Cảm ơn chị đã chia sẻ, chúc chị cùng RedComms tiếp tục có nhiều dự án truyền thông ý nghĩa trong thời gian tới!

Viết bài: Linh Lan

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận