Chủ đề
Thói quen ‘nóng hổi vừa thổi vừa ăn’ có thể dẫn đến ung thư thực quản
Chẳng ai trong chúng ta thích những món ăn đã nguội lạnh, nhưng trái lại, ăn hay uống những thực phẩm còn quá nóng có thể dẫn đến nguy cơ ung thư thực quản.
Thực phẩm có nhiệt độ quá cao có thể gây tổn thương thực quản
Theo thông tin từ Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV News) được Kênh 14 chia sẻ lại mới đây, một cặp vợ chồng già sống ở Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã cùng lúc nhận được chẩn đoán mắc ung thư thực quản như nhau. Trong đó, người vợ được chẩn đoán đã ở giai đoạn cuối.
Các bác sĩ cho biết, sau khi khai thác tiền sử bệnh cũng như thói quen sinh hoạt, té ra, nguyên nhân đến từ một thói quen mà tất cả chúng ta đều mắc phải: thường xuyên ăn canh nóng trong hầu hết các bữa, đơn cử, người vợ còn hay có thói quen uống trà nóng.
Khoan! Liệu đơn thuần chỉ là đồ nóng?
Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, niêm mạc thực quản của chúng ta vốn chỉ có thể chịu được nhiệt độ của thực phẩm dao động từ 40 – 60 độ C.
Việc liên tục tiêu thụ đồ ăn, thức uống ở nhiệt độ quá cao sẽ khiến niêm mạc thực quản bị tổn thương: Từ phù nề, thay đổi cấu trúc mô tế bào cho đến tăng sinh bất thường. Đây đều là yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, sử dụng thường xuyên các loại đồ uống trên 65 độ C có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư thực quản so với dùng thực phẩm ở nhiệt độ thông thường.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã phân loại thực phẩm được làm nóng trên 65 độ C là tác nhân tiềm ẩn dẫn đến căn bệnh chết người này.
Bên cạnh đó, các món ăn phổ biến như trà vừa pha có thể đạt đến 80-90 độ C, trong khi cháo, lẩu, canh thường ở mức 70-80°C, đều vượt ngưỡng an toàn đối với thực quản.
Ung thư thực quản là gì?
Ung thư thực quản là loại ung thư phát sinh từ thực quản – ống dẫn thức ăn nối giữa cổ họng và dạ dày.
Các triệu chứng thường gặp bao gồm khó nuốt và sụt cân. Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy đau khi nuốt, khàn tiếng, hạch bạch huyết to quanh xương đòn, ho khan kéo dài, hoặc ho/nôn ra máu.
Có hai dạng chính của bệnh:
-
Ung thư biểu mô vảy thực quản (ESCC): thường gặp hơn ở các nước đang phát triển.
-
Ung thư tuyến thực quản (EAC): phổ biến hơn ở các nước phát triển.
Nguyên nhân phổ biến của ESCC bao gồm hút thuốc, uống rượu, uống đồ quá nóng, chế độ ăn kém, và nhai trầu.
Trong khi đó, EAC thường liên quan đến hút thuốc lá, béo phì và trào ngược dạ dày – thực quản (GERD). Với những người mắc chứng achalasia (rối loạn nhu động thực quản), nhiễm nấm candida quá mức cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng.
Tính đến năm 2018, ung thư thực quản là loại ung thư phổ biến thứ 8 trên toàn cầu, với 572.000 ca mắc mới và 509.000 ca tử vong chỉ trong một năm – tăng đáng kể so với 345.000 ca tử vong vào năm 1990.
Khoảng một nửa số ca bệnh trên thế giới xảy ra ở Trung Quốc, và tỷ lệ mắc ở nam cao gấp 3 lần nữ. Tiên lượng bệnh thường không tốt do phần lớn được phát hiện ở giai đoạn muộn. Tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ khoảng 13%–18%.
Nguồn tổng hợp