Chủ đề
Tăng huyết áp: ‘Kẻ giết người thầm lặng’
Tăng huyết áp hiện là vấn đề sức khỏe quan trọng trong cộng đồng. Đáng lo ngại, tăng huyết áp ngày càng phổ biến và trẻ hóa. Theo đó, cứ 4 – 5 người thì có 1 người bị tăng huyết áp. Thế nhưng, nhiều người dân còn chủ quan trong việc tầm soát huyết áp và không tuân thủ điều trị.
50% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp
Theo các chuyên gia y tế, tăng huyết áp là một bệnh mạn tính gây ra nhiều biến chứng và có tỷ lệ tử vong cao. Không chỉ vậy, tăng huyết áp còn được ví là “kẻ giết người thầm lặng” bởi triệu chứng bệnh rất khó nhận biết, thường chỉ thoáng qua.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm khoảng 1,28 tỷ người trưởng thành trên toàn cầu được ghi nhận mắc bệnh tăng huyết áp, con số này dự báo sẽ tăng đến 1,56 tỷ người năm 2025. Trong tổng số 17 triệu ca tử vong do các bệnh lý liên quan tim mạch, 9,4 triệu ca được xác định do biến chứng tăng huyết áp. Ngoài ra, tăng huyết áp còn là nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy thận… Còn tại Việt Nam, hiện có khoảng 12 triệu người trưởng thành bị tăng huyết áp.
Đáng lo ngại, tăng huyết áp là 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Không chỉ đối với người trưởng thành, trẻ em thừa cân, béo phì cũng có nguy cơ bị cao huyết áp với tỷ lệ lên đến 50% ở nhóm trẻ dưới 7 tuổi, 85-95% nhóm tuổi thanh thiếu niên, gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và cộng đồng.
TS BS. Trần Hòa, Phó trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, tuy chẩn đoán tăng huyết áp rất đơn giản, mỗi người có thể chủ động phát hiện tăng huyết áp bằng cách tự đo huyết áp tại nhà hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất. Thế nhưng, các số liệu cho thấy có khoảng 50% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp. Người dân còn chủ quan, chưa chú trọng việc đo huyết áp và chủ động tầm soát khiến số người bệnh được chẩn đoán vẫn chiếm tỉ lệ thấp.
Theo ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, phần lớn trường hợp tăng huyết áp thường được vô tình phát hiện khi đi tiêm chủng hay thăm khám tổng quát hoặc bệnh khác. Nhiều người đến khám khi phát hiện bệnh liên quan tim, thận, mắt… (do biến chứng của tăng huyết áp) lên cơ quan đích.
Một vấn đề đáng lo ngại, người được chẩn đoán mắc tăng huyết áp nhưng chưa tuân thủ điều trị cũng chiếm đến 50%. Theo TS. BS. Trần Hòa, phần lớn người bệnh không tuân thủ điều trị vì bệnh hầu như không gây triệu chứng điển hình. Đặc biệt, trong việc điều trị bằng thuốc, người bệnh thường quên uống thuốc, chưa phối hợp thuốc để kiểm soát các yếu tố nguy cơ hoặc uống thuốc không đủ liều theo chỉ định của bác sĩ; có lối sống không phù hợp như thói quen ăn mặn, thiếu vận động, thừa cân, béo phì…
Theo các bác sĩ, phần lớn các nguyên dân dẫn đến biến chứng nghiêm trọng của tăng huyết áp xuất phát từ sự chủ quan, lầm tưởng của người bệnh. Hậu quả không chẩn đoán sớm, không được điều trị kịp thời hoặc điều trị nhưng không đạt mục tiêu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, biến chứng trên tim mạch như: nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, đột quỵ, mất thị lực (bệnh lý về mắt) do tăng huyết áp kéo dài, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Chủ động tầm soát và tuân thủ điều trị
Theo TS.BS.Trần Hoà, người bệnh tăng huyết áp có kèm đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn, thừa cân, béo phì… có thể là đối tượng có nguy cơ cao bị biến cố tim mạch. Theo đó, để kiểm soát huyết áp hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, những người tăng huyết áp có kèm các bệnh đồng mắc hoặc đã xảy ra các biến chứng cần phải tái khám định kỳ các chuyên khoa liên quan đến bệnh lý của mình.
“Hiện nay, người bệnh có thể chỉ cần dùng thuốc 1 lần mỗi ngày, trong cùng 1 viên thuốc có kết hợp nhiều công dụng giúp kiểm soát huyết áp và giảm các yếu tố nguy cơ gây biến cố tim mạch. Đối với người tăng huyết áp có bệnh đồng mắc, bác sĩ sẽ phối hợp điều trị bằng cách chỉ định các loại thuốc mới kết hợp kiểm soát các yếu tố nguy cơ và các bệnh đồng mắc”, bác sĩ Trần Hòa thông tin thêm.
Bên cạnh đó, khuyến cáo mới nhất của Phân hội Tăng huyết áp – Hội tim mạch quốc gia Việt Nam về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp, người bệnh cần chủ động đo huyết áp đúng cách tại nhà. Đây là một phương pháp đơn giản và thuận tiện để theo dõi sức khỏe, góp phần kiểm soát huyết áp tốt hơn.
Theo đó, trước khi đo huyết áp người dân cần kiểm tra máy để đảm bảo máy luôn hoạt động tốt, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của loại máy đang dùng, nhất là phần hướng dẫn về vị trí đặt, mức độ đóng chặt của dải quấn. Cần chọn băng quấn thích hợp và bao quanh cánh tay, băng quấn đặt ở vị trí ngang tim. Máy đo huyết áp phải được hiệu chỉnh mỗi 6 – 12 tháng một lần để duy trì độ chính xác. Cần giữ cơ thể cố định, ngồi xuống và thở đều đặn, bàn chân chạm hoàn toàn xuống đất và hai chân không bắt chéo nhau. Nên nghỉ ngơi ít nhất 15 phút, không uống cà phê, rượu bia, chất kích thích, hút thuốc lá trước đo.
TS. BS Trần Hòa nhấn mạnh thêm, để phát hiện sớm tăng huyết áp trong cộng đồng, mỗi người dân nên nhớ đến việc đo huyết áp như nhớ tuổi của mình. Người bình thường trên 18 tuổi cần đo huyết áp mỗi năm một lần. Đối với người đã được chẩn đoán tăng huyết áp, cần tuân thủ điều trị lâu dài theo chỉ định của bác sĩ và chủ động đo huyết áp đúng cách. Bên cạnh đó, việc thay đổi lối sống có thể giúp bạn kiểm soát tốt huyết áp như chế độ ăn uống lành mạnh, ít muối; giảm cân; hoạt động thể chất; không hút thuốc lá…
My Châu
Theo baotintuc