Suy thận cấp vì uống cỏ mực chữa bệnh, uống thuốc trắng da không rõ nguồn gốc - Doctor247

Suy thận cấp vì uống cỏ mực chữa bệnh, uống thuốc trắng da không rõ nguồn gốc

Gần đây, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) tiếp nhận nhiều bệnh nhân suy thận cấp, phải lọc máu để cứu tính mạng sau thời gian uống cỏ mực hoặc dùng viên uống làm trắng da được rao bán trôi nổi trên mạng internet.

suy-than-man-tinh
Bệnh nhân suy thận mạn tính đang được lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.

Theo báo Sức khoẻ & Đời sống của Bộ Y tế, suy thận mạn là một bệnh lý thường được phát hiện muộn do những tổn thương tiến triển âm thầm, hầu hết người bệnh không tự phát hiện được khi suy thận ở mức độ nhẹ.

Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, suy thận mạn có thể dẫn đến những biến chứng không hồi phục, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng.

Đa số trường hợp người bệnh được phát hiện suy thận ở giai đoạn 3, 3B (giai đoạn trung bình trở lên) khi cơ thể đã có các triệu chứng như phù chân, phù tay, phù toàn thân, thường xuyên mệt mỏi, sắc da nhợt nhạt, tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu ít hơn bình thường, giấc ngủ không sâu, huyết áp tăng cao, đau lưng…

Bệnh nhân cần tuân thủ chế độ điều trị để giữ tốt chức năng thận còn lại, tránh tự ý dùng các chất có thể làm suy thận cấp nguy hiểm tính mạng, tổn thương không hồi phục chức năng thận phải lọc máu suốt đời.

Suy thận mức độ 5 sau 3 tháng uống cỏ mực và đậu đen xanh lòng

Anh P.V.H. (47 tuổi, Vĩnh Long), vốn là bệnh nhân suy thận độ 3 thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Bình Dân. Các bác sĩ có hướng dẫn anh dùng thuốc để bảo tồn chức năng thận giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh thận mạn. Tuy nhiên, bệnh nhân sau đó đã không tái khám theo lịch hẹn.

Đầu tháng 10/2023, anh H. quay lại bệnh viện khám vì ăn uống kém, da xanh xao, chân đau nhức không rõ nguyên do và cơ thể mệt mỏi.

Tại đây, bác sĩ chỉ định anh thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng thận. Kết quả cho thấy anh đã rơi vào suy thận cấp trên nền suy thận mạn, độ lọc cầu thận (glomerular filtration rate-GFR) của anh H. chỉ còn 4 ml/phút/1,73m2. Trong khi đó, chỉ số GFR < 15 ml/phút/1,73m2 đã là suy thận giai đoạn 5, là giai đoạn nghiêm trọng nhất và tính mạng của bệnh nhân đang rất nguy hiểm.

Bệnh nhân được tư vấn nhập viện để lọc máu nhằm tránh nguy cơ hôn mê, tử vong do các biến chứng suy thận cấp gây ra.

Anh H. cho biết, do thấy người không đau mệt, nghĩ không có bệnh nữa nên không uống thuốc khi đã điều trị một thời gian. Anh làm theo lời mách bảo uống cỏ mực và đậu đen xanh lòng để trị bệnh thận, mỗi ngày uống khoảng một nắm tay cỏ mực và 2,3 muỗng đậu đen. Anh H. uống liên tục trong hơn 3 tháng thì rơi vào suy thận mức độ nặng. Anh H. không biết rằng những cơn đau chân có thể do tình trạng gout trên người suy thận.

Tại thời điểm nhập viện, anh vẫn cho rằng sức khỏe của mình không có gì nghiêm trọng và muốn về nhà đi làm kiếm tiền nuôi con.

Sau khi được các bác sĩ giải thích kỹ, anh mới hiểu rõ là mình đang trong tình trạng nguy hiểm tính mạng và nguy cơ phải chạy thận suốt đời.

Sau 2 ngày điều trị, tình trạng đau nhức chân cùng các triệu chứng suy thận khác của anh H. đã giảm, chức năng thận được cải thiện.

“Tuy nhiên, nếu đáp ứng điều trị bằng thuốc kém, chức năng thận không phục hồi tốt hơn, anh H. sẽ phải lọc máu định kỳ suốt đời”, BS.CKII Lê Thị Đan Thùy, Trưởng khoa Nội thận-Lọc máu Bệnh viện Bình Dân cho biết.

Anh H. là một trường hợp điển hình trong 7 ca phải nhập viện điều trị chỉ trong quý 2 và đầu quý 3 năm 2023 tại Bệnh viện Bình Dân vì suy thận mức độ nặng, tổn thương thận cấp trên nền bệnh thận mạn có liên quan tới việc uống cỏ mực.

Cỏ mực có nhiều tên gọi như nhọ nồi, hạn liên thảo, bạch hoa thảo, thủy hạn liên… Trong Đông y, cỏ mực không độc, có vị chua, ngọt, tính hàn, thường dùng chữa sốt cao, chảy máu cam, mề đay, chảy máu cam, viêm họng, suy nhược… Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ rõ tác dụng chữa suy thận bằng cỏ mực. Đặc biệt trên người bệnh thận mạn, chức năng thận vốn đã kém nên việc dùng các hoạt chất từ cây cỏ, thuốc, ngay cả ăn uống thường ngày đều cần phải cẩn trọng để tránh tiến triển suy thận nặng hơn.

Bên cạnh đó, bệnh nhân suy thận mạn cần phải được thăm khám, điều trị bằng thuốc, kiểm soát thường xuyên các chỉ số như protein niệu, các xét nghiệm đánh giá chức năng thận.

Bác sĩ Lê Thị Đan Thùy cho biết thêm: “Người suy thận cần tuân thủ điều trị và có chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý thì mới kiểm soát tốt biến chứng trên thận. Những bệnh nhân tuân thủ điều trị có thể bảo tồn chức năng thận ổn định dù phát hiện suy thận nhiều năm”.

Thế nhưng, thực tế có những bệnh nhân tự ngưng điều trị, tự thay thế hoặc uống kèm thêm các loại lá cây không rõ nguồn gốc theo lời mách bảo trên internet. Điều này dẫn tới hậu quả đáng tiếc là bệnh nhân rơi vào suy thận không thể hồi phục, phải lọc máu suốt đời.

Ngoài cỏ mực thì hiện nay trên mạng internet còn lan truyền nhiều “bài thuốc” lợi tiểu, “tốt cho thận” như cây rễ gió, cây mộc thông, cây nhạc ngựa, mộc phòng kỷ… Tất cả các cây này đều có chứa chất độc acid aristolochic gây tổn thương thận, suy thận nhưng đáng ngại là những loại cây này đang được một số người lấy ngâm rượu uống với mục đích chữa bệnh, “tẩm bổ”.

dieu-tri-suy-than-cap
Thuốc điều trị suy thận cấp cần được sử dụng đúng chỉ định của bác sĩ.

Suy thận cấp phải cấp cứu do uống thuốc trắng da không rõ nguồn gốc

Tại phòng khám chuyên khoa nội thận của Bệnh viện Bình Dân, chị L.T.T. (45 tuổi, Đồng Nai) đến tái khám để đánh giá lại chức năng thận sau đợt phải lọc máu cấp cứu vì rơi vào suy thận cấp, tổn thương thận mức độ 5. Rất may mắn, kết quả xét nghiệm chức năng thận của chị trong hai tháng gần đây nhất đều đã ổn định. Tuy chức năng thận hồi phục tốt, chị T. đã trở lại với công việc bình thường nhưng chị vẫn phải uống thuốc và theo dõi chức năng thận.

Cách đây gần một năm, trong một lần xem kênh bán hàng online, chị T. thấy người bán giới thiệu loại thuốc làm trắng da, đẹp da nên đặt hàng về uống. Cho đến giờ chị không còn nhớ tên loại thuốc mình mua, chỉ nhớ thuốc dạng viên uống, một lọ 60 viên có giá 600.000 đồng. Với liều uống 6 viên mỗi ngày, khi uống đến lọ thứ 7 thì chị T. thấy đau bụng dữ dội, mệt, khó thở, nôn ói liên tục phải đi cấp cứu tại một bệnh viện địa phương. Bác sĩ cho biết chị bị suy thận cấp mức độ 5.

Các biểu hiện đau, nôn ói của chị T. là vì lúc này thận đã mất chức năng lọc nên ứ đọng các chất chuyển hóa. Nếu không kịp thời lọc máu, người bệnh có thể tử vong.

Sau khi lọc máu cấp cứu tại địa phương, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bình Dân để tiếp tục thăm khám và điều trị lâu dài.

Chị T. cho biết đến giờ chị vẫn còn bàng hoàng vì phải lọc máu cấp cứu, chị không dám uống bất kỳ loại chất nào bán trôi nổi không rõ nguồn gốc nữa.

BS.CKI Lê Thị Thùy Dương, Khoa Nội thận-Lọc máu Bệnh viện Bình Dân cho biết: “Đa số người bệnh khi được hỏi về loại chất mình đã uống thì không biết về thành phần và nguồn gốc xuất xứ. Đối với các nhóm viên uống làm trắng da, thường quảng cáo là có chứa glutathione, một chất chống oxy hóa giúp làm sáng da bằng cách ức chế sản xuất melanin. Tuy nhiên, nếu sử dụng glutathione với liều cao, không có kiểm soát của bác sĩ có thể gây suy thận cấp, đặc biệt trên người bệnh đã có nền suy thận mạn”.

Vì vậy, khi muốn sử dụng các viên uống trắng da, cần phải chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và nên có sự tư vấn của các bác sĩ để chọn sản phẩm phù hợp cho thể trạng của mỗi người.

Cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ

Mỗi giai đoạn của suy thận mạn tùy thuộc vào mức lọc cầu thận mà lựa chọn thuốc điều trị phù hợp. Chính vì vậy, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ; không tự ý sử dụng các thuốc điều trị suy thận, cũng như các bệnh lý khác khi chưa có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa… để tránh tăng thêm gánh nặng cho thận hoặc ngộ độc thuốc do quá liều.

Bệnh nhân khi bị suy thận mạn cần tuân thủ chế độ ăn uống sinh hoạt, phác đồ điều trị thuốc đồng thời thường xuyên tái khám định kỳ để theo dõi xét nghiệm, điều chỉnh thuốc và lập kế hoạch điều trị phù hợp với từng giai đoạn. Trường hợp người bệnh muốn thay đổi phác đồ điều trị hoặc sử dụng thêm các phương pháp điều trị khác nên tham khảo ý kiến tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện.

Tổng hợp theo SK&ĐS

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Xem nhiều

Nổi bật