Sức nóng của thị trường tiêm chủng tại Việt Nam

Bắt nhịp thị trường 17/02/2025: Sức nóng của thị trường tiêm chủng tại Việt Nam

Cuộc đua chuỗi phòng khám tiêm chủng tại Việt Nam đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết với sự tăng trưởng của ba “ông lớn” VNVC, Long Châu và Nhi Đồng 315.

Không còn là “sân chơi” của các cơ sở y tế công lập, thị trường tiêm chủng nay có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp mới. Điều này là do nhu cầu phòng bệnh của người dân ngày càng tăng cao, đi cùng tình trạng thiếu hụt vaccine tại cơ sở công. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VDSC (tháng 5/2024), mức tăng trưởng trung bình của thị trường vaccine Việt Nam là 3,1% một năm(1). Trong giai đoạn từ 2024-2030, con số này dự kiến sẽ là 6,9% do thu nhập và ý thức phòng bệnh đang tăng cao. Theo đó, các cơ sở tiêm chủng sẽ ngày một cạnh tranh, điển hình là ba doanh nghiệp tư nhân – VNVC với 210 cơ sở, Long Châu với 110 cơ sở và Nhi Đồng 315 với 60 cơ sở.

Trung tâm tiêm chủng VNVC

Thành lập năm 2017, VNVC nhanh chóng trở thành chuỗi trung tâm tiêm chủng lớn nhất khi cán mốc 100 cơ sở trên toàn quốc chỉ trong 5 năm. Riêng chỉ trong năm 2024, công ty đã phát triển hơn 50 trung tâm mới, nâng tổng số lên hơn 210 cơ sở trên toàn quốc, phục vụ hàng chục triệu lượt khách hàng mỗi năm. Không chỉ nỗ lực xây dựng và định vị dịch vụ tiêm chủng chất lượng cao, an toàn và chuyên nghiệp với chi phí hợp lý, VNVC còn được tin tưởng khi thiết lập mối quan hệ chiến lược với các hãng vaccine hàng đầu thế giới như GlaxoSmithKline, Sanofi Pasteur, Pfizer hay Merck.

trung tâm tiêm chủng VNVC
VNVC hiện là trung tâm tiêm chủng lớn nhất Việt Nam với 210 cơ sở. Ảnh: VNVC.

Long Châu

Một trong những trung tâm tiêm chủng mới thành lập nhưng có tốc độ tăng trưởng nổi bật nhất chính là Long Châu, với lợi thế là mạng lưới với hơn 1.700 nhà thuốc(2). Bắt đầu gia nhập thị trường vaccine từ tháng tháng 7/2023 với chỉ 2 trung tâm đầu tiên, đến nay Long Châu đã phát triển lên tới 110 cơ sở, tương đương khoảng 8 cơ sở mới mỗi tháng.

trung tâm tiêm chủng Long Châu
Chỉ từ 2 trung tâm đầu tiên, Long Châu nhanh chóng trở thành đối thủ nặng kí trong thị trường vaccine với 110 cơ sở. Ảnh: Báo Thanh Niên.

Bên cạnh đó, công ty cũng áp dụng chiến lược tăng độ nhận diện thương hiệu và tiết kiệm chi phí vận hành hiệu quả. Theo đó, khoảng 80% cơ sở tiêm chủng được mở theo mô hình shop-in-shop với điểm tiêm chủng đặt bên trong cửa hàng bán lẻ dược phẩm, và 12% theo mô hình side-by-side tiêm chủng đặt kế bên chuỗi bán lẻ dược phẩm. Chỉ có khoảng 8% trung tâm tiêm chủng được đặt tại các vị trí độc lập.

Nhi Đồng 315

Không “sinh sau đẻ muộn” như Long Châu, Nhi Đồng 315 được thành lập vào năm 2019 nhưng chỉ sở hữu khoảng 60 cơ sở tiêm chủng. Đây là con số có phần khiêm tốn so với hai đối thủ còn lại trên thị trường. Tuy nhiên, tương lai của Nhi Đồng 315 cũng đầy hứa hẹn khi thành công huy động tổng cộng 193,7 triệu USD từ GIC trong 3 đợt từ 2022-2024(3), tạo bước đệm cho doanh nghiệp tăng tốc mở rộng trong thời gian tới ở mảng chăm sóc sức khỏe nói chung và vaccine nói riêng.

trung tâm tiêm chủng Nhi Đồng 315
Với sự đầu tư của GIC, Nhi Đồng 315 dự kiến sẽ mở rộng quy mô phòng khám, trung tâm tiêm chủng trên cả nước trong thời gian tới. Ảnh: Nhi Đồng 315.

Với nguồn vốn mới, Nhi Đồng 315 dự kiến sẽ mở rộng quy mô phòng khám, trung tâm tiêm chủng trên cả nước, cũng như đặt mục tiêu xây dựng thêm các bệnh viện chuyên khoa chăm sóc sức khỏe của phụ nữ, bà mẹ và trẻ em tại Việt Nam.

Nguồn: Tổng hợp

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận