Chủ đề
Sô cô la đen giúp giảm nguy cơ tiểu đường type 2, sô cô la sữa thì ngược lại
Theo một nghiên cứu mới, việc ăn ít nhất 5 khẩu phần nhỏ sô cô la đen mỗi tuần có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 lên đến 21%.
Tác động khác nhau của 2 loại sô cô la
Thực tế, nghiên cứu cho biết, khi mức tiêu thụ sô cô la đen tăng từ 0 đến 5 khẩu phần, lợi ích cũng tăng theo. Tuy nhiên, trước khi bạn nghĩ đến việc ăn cả một thanh sô cô la, hãy nhớ rằng một khẩu phần chỉ tương đương 28 gram và phải là sô cô la đen mới mang lại hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy việc ăn sô cô la sữa liên quan đến tăng cân quá mức theo thời gian, yếu tố chính góp phần dẫn đến tiểu đường type 2.
Tác giả chính Binkai Liu, nghiên cứu sinh tại Khoa Dinh dưỡng, Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, giải thích: “Sô cô la đen và sô cô la sữa có lượng đường, chất béo và calo tương tự nhau, nhưng sự khác biệt quan trọng nhất là sô cô la đen chứa nhiều cacao hơn”.
Cacao là dạng nguyên liệu thô, ít qua chế biến của sô cô la, được thu hoạch từ cây Theobroma cacao. Cacao chứa lượng flavanol cao nhất – chất chống oxy hóa giúp giảm viêm, yếu tố có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính như bệnh tim và tiểu đường. Vì vậy, thanh sô cô la đen có hàm lượng cacao càng cao, lượng flavanol càng lớn.
Dù nghiên cứu không chứng minh được mối quan hệ nhân quả, nhưng Liu cho rằng hàm lượng flavanol cao trong cacao có thể là lý do giải thích sự khác biệt giữa hai loại sô cô la. Tiến sĩ Nestoras Mathioudakis, đồng giám đốc chương trình Phòng ngừa và Giáo dục Tiểu đường tại Johns Hopkins Medicine, cho biết: “Các hợp chất sinh học trong cacao, gọi là flavanol, đã được chứng minh qua các nghiên cứu trên động vật và quy mô nhỏ trên người có khả năng cải thiện độ nhạy insulin, giảm căng thẳng oxy hóa và viêm – tất cả đều là yếu tố trong cơ chế bệnh sinh của tiểu đường”.
Tiểu đường – Vấn đề sức khỏe ngày càng gia tăng
Trên toàn cầu, một nghiên cứu vào tháng 7/2023 ước tính số ca mắc tiểu đường có thể đạt ít nhất 1,31 tỷ vào năm 2050, tăng từ 529 triệu vào năm 2021. Nguyên nhân của xu hướng này bao gồm mức độ hoạt động thể chất thấp, việc sử dụng rượu và thuốc lá, cũng như chế độ ăn uống không lành mạnh, trong đó có sự phụ thuộc quá nhiều vào thực phẩm siêu chế biến.
Một nghiên cứu quan sát công bố vào tháng 9 chỉ ra rằng, cứ mỗi 10% lượng thực phẩm siêu chế biến tiêu thụ tăng thêm đồng nghĩa nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cũng tăng thêm 17%.
Sô cô la rơi vào nhóm thực phẩm siêu chế biến – vậy liệu bác sĩ có thực sự khuyên người có nguy cơ tiểu đường type 2 nên ăn sô cô la, ngay cả khi đó là sô cô la đen?
Nên ưu tiên trái cây và rau củ
Các tác giả nghiên cứu thừa nhận những hạn chế. Người tham gia nghiên cứu chủ yếu là người da trắng lớn tuổi và mức tiêu thụ sô cô la tương đối thấp. Ngoài ra, kết quả này mâu thuẫn với một nghiên cứu vào tháng 12/2023, không tìm thấy lợi ích của cacao đối với bệnh tiểu đường.
Mathioudakis thừa nhận: “Chính các tác giả cũng nhắc đến một thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát lớn, với 21.000 người được cung cấp 500mg flavanol cacao, và kết quả là giảm nguy cơ tử vong, nhưng không giảm nguy cơ mắc tiểu đường… Chúng ta cần thêm các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có kiểm soát”.
Một mối lo ngại khác là một số nghiên cứu gần đây phát hiện sô cô la đen và các sản phẩm cacao tương tự bị nhiễm chì và cadmium – hai kim loại thần kinh độc hại liên quan đến ung thư, bệnh mãn tính hoặc vấn đề phát triển, đặc biệt ở trẻ em. Các sản phẩm hữu cơ thậm chí có nồng độ cao hơn, có thể do ô nhiễm công nghiệp tại các nước đang phát triển nơi trồng cacao.
Nếu bạn không phải là người yêu thích sô cô la, tốt nhất nên chọn nguồn flavonoid từ trái cây và rau củ, thay vì ăn kẹo. Tuy nhiên, nếu không thể từ bỏ sô cô la, hãy giới hạn ở mức 28 gram sô cô la đen vài lần mỗi tuần.
Theo CNN