Chủ đề
Số ca ung thư liên quan đến chụp CT tăng gấp 3 lần so với dự báo
Chụp CT (CT scan) là một phần thiết yếu của y học hiện đại, nhưng sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào công nghệ này có thể kéo theo hậu quả đáng lo ngại – ung thư.
Chụp CT có đang âm thầm làm gia tăng nguy cơ ung thư trong tương lai?
Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí JAMA Internal Medicine đã cảnh báo rằng, sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào công nghệ chụp CT có thể dẫn đến nguy cơ mắc ung thư.
Chụp CT (CT scan) là một phần thiết yếu của y học hiện đại. Có mặt tại hầu hết các bệnh viện và nhiều phòng khám, công nghệ này giúp bác sĩ quan sát chi tiết bên trong cơ thể một cách nhanh chóng – từ việc chẩn đoán ung thư, đột quỵ đến chấn thương nội tạng.
Nghiên cứu ước tính rằng chỉ riêng trong năm 2023, số lượng ca chụp CT ở Mỹ có thể dẫn đến hơn 100.000 ca ung thư phát sinh trong tương lai. Nếu xu hướng sử dụng hiện tại không thay đổi, chụp CT có thể là nguyên nhân gây ra khoảng 5% tổng số ca ung thư mới mỗi năm.
Điều này càng gây lo ngại khi số lượt chụp CT ở Mỹ đã tăng 30% chỉ trong hơn một thập kỷ. Riêng năm 2023, có khoảng 93 triệu lượt chụp được thực hiện trên 62 triệu người.
Mỗi lần chụp CT riêng lẻ có nguy cơ rất thấp, nhưng không phải bằng không. Rủi ro cao hơn ở những bệnh nhân trẻ tuổi vì cơ thể đang phát triển và các tổn thương do bức xạ ion hóa có thể xuất hiện sau nhiều năm.
Mặc dù hơn 90% các ca chụp CT là ở người lớn, chính nhóm này lại chịu tác động tổng thể lớn nhất. Những loại ung thư thường liên quan đến bức xạ từ CT gồm ung thư phổi, đại tràng, bàng quang, bạch cầu và ở nữ giới còn có cả ung thư vú.
Một điều khiến con số mới này đáng chú ý là mức tăng so với ước tính trước đó. Năm 2009, một phân tích tương tự dự đoán khoảng 29.000 ca ung thư liên quan đến chụp CT. Nay, con số này đã gấp 3 lần – không chỉ do số lượt chụp tăng, mà còn vì nghiên cứu hiện tại đã phân tích cụ thể hơn mức độ bức xạ theo từng cơ quan nội tạng.
Nghiên cứu còn đưa ra một so sánh đáng giật mình: nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, số ca ung thư liên quan đến CT có thể ngang ngửa với số ca do rượu hoặc béo phì – hai yếu tố nguy cơ đã được công nhận.
Không phải mọi loại chụp CT đều có mức độ rủi ro như nhau. Ở người lớn, chụp vùng bụng và xương chậu là đáng lo ngại nhất. Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, chụp CT đầu gây nhiều lo ngại nhất.
Công nghệ vừa cứu người vừa tiềm ẩn rủi ro
Dù vậy, các bác sĩ vẫn nhấn mạnh rằng chụp CT có thể cứu sống và rất cần thiết trong nhiều trường hợp. Nó giúp phát hiện bệnh sớm, định hướng điều trị và đặc biệt quan trọng trong cấp cứu. Vấn đề nằm ở việc sử dụng đúng lúc, đúng nhu cầu.
Các công nghệ mới hơn có thể giúp giảm rủi ro. Ví dụ, máy chụp CT photon (photon-counting CT) cung cấp liều bức xạ thấp hơn, trong khi chụp MRI hoàn toàn không sử dụng bức xạ.
Việc sử dụng danh sách kiểm tra chẩn đoán cũng được đề xuất để giúp bác sĩ quyết định khi nào nên chụp CT và khi nào nên chọn các phương pháp an toàn hơn như MRI hoặc siêu âm.
Nghiên cứu này không chứng minh rằng, chụp CT gây ung thư cho từng cá nhân cụ thể. Các con số được xây dựng dựa trên mô hình ước tính rủi ro, không phải bằng chứng trực tiếp.
Hiệp hội X-quang Hoa Kỳ cũng khẳng định rằng cho đến nay chưa có nghiên cứu nào xác nhận mối liên hệ trực tiếp giữa CT và ung thư ở người, ngay cả với nhiều lần chụp.
Tuy nhiên, việc bức xạ có thể gây ung thư là điều đã được khoa học khẳng định. Và với hàng triệu lượt chụp mỗi năm, ngay cả rủi ro nhỏ cũng có thể cộng dồn thành vấn đề lớn.
Chụp CT là một công cụ cứu người, nhưng không phải không có rủi ro. Khi y học tiến bộ, cách sử dụng công nghệ cũng cần phải tiến hóa.
Giảm số lần chụp không cần thiết, ưu tiên phương pháp thay thế an toàn và kiểm soát liều bức xạ là những bước cần thiết để công nghệ này tiếp tục mang lại lợi ích thay vì gây hại.