Sau 100 năm ô nhiễm, người dân Paris một lần nữa được bơi dưới sông Seine
Sau hơn một thế kỷ bị cấm do ô nhiễm nghiêm trọng, sông Seine - biểu tượng thơ mộng của Paris - chính thức mở cửa trở lại cho người dân và du khách bơi lội.

Cú huých từ Olympic
Sông Seine từng là nơi người dân Paris thoải mái bơi lội vào những ngày hè đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, kể từ năm 1923, thành phố đã ban hành lệnh cấm bơi sau khi nước sông bị đánh giá là quá ô nhiễm, chứa nhiều rác thải và vi khuẩn gây bệnh.
Mặc dù những đề xuất làm sạch sông đã được thảo luận từ những năm 1990, phải đến năm 2015, khi Paris nộp hồ sơ đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2024, chiến dịch làm sạch sông mới thực sự được khởi động mạnh mẽ. Với mục tiêu tổ chức các môn thi đấu bơi ngoài trời giữa lòng thủ đô, Paris đã phải chứng minh rằng dòng sông nổi tiếng của họ không chỉ mang giá trị văn hóa, mà còn đủ sạch để trở thành sân chơi thể thao đẳng cấp quốc tế.
Và sau 9 năm nỗ lực, điều tưởng chừng không tưởng đã trở thành hiện thực.

1,5 tỷ USD để hồi sinh dòng nước giữa Paris
Để thực hiện tham vọng đó, thành phố đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào “Kế hoạch Bơi lội” - một dự án quy mô lớn cải tạo toàn bộ hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và làm sạch dòng chảy.
Một trong những thành tựu quan trọng nhất của kế hoạch là kết nối hơn 20.000 hộ gia đình - vốn từng xả nước thải trực tiếp ra sông - vào hệ thống cống ngầm thành phố. Nhờ đó, lượng chất ô nhiễm đổ ra sông đã giảm đáng kể.

Thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo, không chỉ là người ủng hộ kế hoạch, mà còn trực tiếp xuống bơi trong sông Seine vào mùa hè năm ngoái để chứng minh chất lượng nước đã được cải thiện.
Tuy nhiên, việc bơi trong sông Seine vẫn sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Thành phố đặt hệ thống cờ xanh - đỏ tại ba điểm bơi chính để báo hiệu điều kiện nước có an toàn hay không. Cờ xanh nghĩa là có thể bơi, cờ đỏ là cấm hoàn toàn.

Thực tế cho thấy môi trường vẫn rất nhạy cảm: chỉ một ngày sau lễ mở cửa hoành tráng, mưa lớn đã khiến mức vi khuẩn trong nước vượt ngưỡng an toàn, buộc thành phố phải cắm cờ đỏ và tạm dừng bơi lội.
Lý do là hệ thống bể chứa mới dù có thể giữ đến 13 triệu gallon nước thải vẫn có thể bị quá tải sau các trận mưa lớn, khiến nước bẩn tràn ra sông. Đây là bài toán môi trường mà thành phố vẫn đang tiếp tục theo dõi và tối ưu.

Việc “hồi sinh” sông Seine là minh chứng sống động cho sự kết hợp giữa ý chí chính trị, đầu tư nghiêm túc và khoa học môi trường. Trong thời đại mà biến đổi khí hậu và ô nhiễm đô thị đang trở thành thách thức toàn cầu, câu chuyện của Paris là lời nhắc rằng việc làm sạch những dòng sông từng bị lãng quên là hoàn toàn khả thi, nếu có quyết tâm.