Chủ đề
Hàng nghìn sản phẩm tẩy rửa tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe
Việc vệ sinh nhà cửa thường được thực hiện để tạo ra một môi trường an toàn, lành mạnh hơn cho gia đình. Tuy nhiên, một số sản phẩm bạn đang sử dụng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.
Theo Tasha Stoiber, nhà khoa học cao cấp tại tổ chức Environmental Working Group (EWG) – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và đề xuất cho các sản phẩm an toàn hơn, cho rằng các sản phẩm tẩy rửa bày bán trên kệ hàng dù rõ ràng về thành phần nhưng không đảm bảo hoàn toàn an toàn cho sức khỏe. Trên thị trường tại Mỹ, EWG đã tìm thấy hơn 2.000 sản phẩm tẩy rửa có chứa các chất liên quan đến các vấn đề sức khỏe, bao gồm nguy cơ gây hen suyễn, bỏng hóa chất và ung thư.
Thực trạng của “Greenwashing” trong sản phẩm tẩy rửa
Rất khó để xác định sản phẩm nào an toàn khi mua sắm. Hiện nay, nhiều công ty sử dụng các chiến lược marketing để làm sản phẩm trông tự nhiên và an toàn cho môi trường, còn gọi là “greenwashing.” Jennie Romer, Phó Trợ lý Quản lý Ngăn ngừa Ô nhiễm của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), cho biết người tiêu dùng ngày càng ý thức hơn về tác động của các sản phẩm lên sức khỏe, nhưng tính minh bạch trong các sản phẩm này vẫn còn kém.
Sản phẩm tẩy rửa có thể chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs), gồm hàng trăm loại hóa chất khác nhau. VOCs là những khí có thể phát ra từ các sản phẩm rắn hoặc lỏng, gây kích ứng mắt, mũi và họng, và có thể gây hại cho gan, thận, và hệ thần kinh trung ương. Theo EPA, nồng độ VOC trong không gian trong nhà thường cao hơn rất nhiều.
Hơn nữa, danh sách các hóa chất có khả năng gây hại là rất dài và không phải lúc nào cũng dễ dàng để biết được các hóa chất này qua danh sách thành phần. Bản thân EPA có nhãn Safer Choice để xác định các sản phẩm không chứa hóa chất liên quan đến ung thư, vấn đề sinh sản và các nguy cơ sức khỏe khác. Các sản phẩm này đã được giới hạn mức VOCs trong vài thập kỷ qua và các nhà sản xuất cũng đã thực hiện các bước để giảm thiểu lượng VOCs.
Không chỉ là sản phẩm, mà còn là cách sử dụng
Nguy cơ khi sử dụng sản phẩm tẩy rửa không chỉ đến từ bản thân sản phẩm mà còn từ cách bạn sử dụng chúng. Theo Romer, một số nguy cơ từ việc sử dụng sai cách như trộn chất tẩy rửa với các sản phẩm chứa amoniac, có thể tạo ra khí độc hại.
Thêm vào đó, tần suất sử dụng sản phẩm cũng ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của các hóa chất này. “Liều lượng tạo ra độc tính” là một nguyên lý cơ bản trong độc học. Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý đến những người nhạy cảm hơn với hóa chất, như phụ nữ mang thai, người bị hen suyễn và trẻ em.
Việc loại bỏ hoàn toàn tất cả các sản phẩm tẩy rửa trong nhà không phải là giải pháp toàn diện. Stoiber cho rằng thay đổi từng bước nhỏ có thể giúp giảm thiểu phơi nhiễm các hóa chất nguy hiểm. Hãy kiểm tra các sản phẩm hiện có, nếu chúng không nằm trong danh sách khuyến nghị của EPA hoặc EWG, bạn có thể thay thế bằng lựa chọn an toàn hơn khi hết sản phẩm.
Ngoài ra, các sản phẩm tự nhiên như giấm, baking soda và nước cốt chanh cũng có thể giúp làm sạch hiệu quả. Một cách khác để giảm phơi nhiễm là thường xuyên hút bụi và lau chùi bề mặt bằng khăn ẩm. Bụi có thể chứa các hóa chất từ sản phẩm tẩy rửa, và khi chúng ta khuấy động bụi hoặc tiếp xúc trực tiếp, các hóa chất này có thể xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc hệ hô hấp.
Một ví dụ khác là ở chén đĩa, nếu như chúng không quá bẩn như dính phải dầu mở hoặc các chất khó tẩy rửa, bạn hoàn toàn có thể rửa kỹ bằng nước sạch thông thường ngay sau khi sử dụng. Nếu bắt buộc phải sử dụng các chất tẩy rửa, hãy đảm bảo rửa kỹ qua nhiều nước.