TIPS SỨC

Rơi xuống biển: Làm sao để sống sót đến 10 tiếng?

Charon Nguyễn 21/07/2025 15:35

Nghe như một cảnh trong phim sinh tồn, nhưng đây chính là trải nghiệm có thật của Kay Longstaff, một phụ nữ người Anh 46 tuổi, đã sống sót sau 10 tiếng đồng hồ trôi dạt trên biển Adriatic sau khi rơi khỏi du thuyền ở Croatia.

nguoi-phu-nu-tra-loi-phong-van-ve-trai-nghiem-roi-xuong-bien.jpg
Kay Longstaff - người đã lênh đênh trên biển suốt 10 tiếng (Nguồn: BBC)

Nhiệt độ nước - Yếu tố quyết định sự sống còn

Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất chính là nhiệt độ nước. Bạn có thể là một người bơi giỏi, nhưng nếu nước quá lạnh, cơ thể bạn sẽ không chịu được lâu.

Thời gian sống sót trung bình theo nhiệt độ nước:

  • 5°C: ~1 giờ
  • 10°C: ~2 giờ
  • 15°C: ~6 giờ
  • 28-30°C: có thể lên tới 25 giờ

Người phụ nữ trong câu chuyện đã may mắn rơi vào vùng biển ấm khoảng 28–29°C, tương đương nhiệt độ hồ bơi. Nếu rơi ở vùng biển Anh (~12–15°C), cô có thể đã bị sốc nhiệt và mất ý thức chỉ sau vài phút.

Tuy nhiên, nước biển hiếm khi dễ chịu như vậy. Với vùng biển lạnh hơn, cú sốc ban đầu do nhiệt độ thấp có thể khiến bạn không kiểm soát được nhịp thở, thậm chí hít phải nước và chìm chỉ sau vài phút. Việc đầu tiên bạn phải làm là thở đều và làm mọi cách để giữ thân nhiệt.

Đừng cố gắng bơi mà hãy tập nổi trên mặt nước

Theo tài liệu kỹ thuật sinh tồn cá nhân của Hội đồng Thủy sản Biển Ireland, cách hiệu quả nhất để làm chậm quá trình mất nhiệt là đừng cố bơi mà hãy cố gắng nổi. Việc nổi đúng cách sẽ giúp bạn bảo toàn sức lực và giữ đầu trên mặt nước.

hoc-cach-noi-tren-mat-nuoc-bien.jpg

Hãy nằm ngửa, tay chân dang rộng để tạo sự cân bằng. Nếu cảm thấy lạnh, hãy cố gắng thu gọn chân về phía ngực để giảm thoát nhiệt. Hơi thở cần được giữ ổn định, chậm rãi. Việc cố gắng bơi trong vô định chỉ khiến bạn kiệt sức nhanh hơn.

5-buoc-de-noi-tren-mat-nuoc.jpg
5 bước cần ghi nhớ về kĩ năng nổi trên mặt nước (đứng nước) (Nguồn: Lifeboats)

Trôi theo dòng nước, giữ bình tĩnh và cố gắng nổi là chiến lược tốt nhất cho đến khi có người phát hiện.

Theo Tổ chức Cứu hộ Hoàng gia Anh (RNLI), quần áo và giày dép ban đầu giúp cải thiện lực nổi nhờ lớp không khí bị giữ lại. Việc nằm im thay vì liên tục cử động cũng giúp lớp không khí đó không bị thoát ra, kéo dài thời gian nổi của bạn.

Tận dụng mọi thứ để giúp bạn nổi lâu hơn

Nghe có vẻ ngược đời, nhưng quần áo bạn mặc trên người khi mới rơi xuống nước lại có thể giúp bạn nổi lâu hơn nhờ không khí còn đọng trong các lớp vải. Vì vậy, đừng vội vàng cởi bỏ quần áo ngay cả khi chúng ướt.

Nếu bạn mặc quần dài, có thể buộc hai ống lại và dùng tay vung lên mặt nước để bẫy không khí, tạo thành một phao tạm thời. Cách làm rất đơn giản: bạn tháo quần ra, buộc chặt hai ống quần lại với nhau bằng nút chắc chắn. Sau đó, cầm phần lưng quần, vung mạnh qua đầu để gom không khí vào bên trong.

Ngay khi quần phồng lên, nhanh tay nhúng phần lưng xuống nước để giữ khí không thoát ra. Nhờ lớp vải ướt và nút buộc chặt, chiếc quần sẽ giữ được không khí như một chiếc phao thô sơ, giúp bạn nổi lên và tiết kiệm sức chờ được cứu.

cach-bien-quan-thanh-phao-cuu-sinh.jpg
Tham khảo cách biến quần dài thành chiếc phao cứu sinh.

Cách này đã được hải quân và nhiều tổ chức cứu hộ hướng dẫn như một kỹ năng sinh tồn cần biết

Những chiếc áo khoác rộng, giày thể thao nhẹ, thậm chí túi xách nhựa đều có thể biến thành cứu tinh nếu bạn biết cách tận dụng. Đừng bỏ qua bất kỳ vật nổi nào quanh bạn, từ thùng nhựa, can nước, mảnh gỗ, cho đến vali hành lý. Hãy bám lấy nó như thể sinh mạng của bạn phụ thuộc vào nó.

Tâm lý - Vấn đề xuất hiện sau giờ thứ năm

Trôi nổi một vài phút trong nước biển lạnh đã là thử thách. Nhưng khi thời gian kéo dài qua 5, 6, rồi 8 giờ - tâm lý bắt đầu trở thành chiến trường quan trọng nhất. Rất nhiều nạn nhân may mắn sống sót sau một vụ chìm tàu nhưng lại không đủ nghị lực để chiến thắng hàng tiếng đồng hồ vô vọng trên biển.

Người phụ nữ sống sót trong câu chuyện đã kể lại rằng cô hát suốt đêm để giữ tinh thần và ngăn bản thân rơi vào hoảng loạn.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong các tình huống thảm họa, chỉ khoảng 10% con người có thể giữ bình tĩnh và hành động hiệu quả. Phần lớn hoặc bị tê liệt vì sợ hãi, hoặc hành động theo bản năng mà không có chiến lược rõ ràng. Trong biển đêm vô tận, điều duy nhất giữ cho bạn tỉnh táo và sống sót có thể là một câu nói lặp đi lặp lại trong đầu: “Mình sẽ không chết hôm nay.”

roi-xuong-bien.jpg

Việc giữ đầu óc hoạt động bằng những thói quen đơn giản như đếm nhịp thở, hát, hoặc tự nói chuyện với bản thân giúp tránh rơi vào trạng thái mất kiểm soát. Khi cơ thể kiệt sức, ý chí sinh tồn chính là chiếc phao cuối cùng của bạn.

Làm sao để được phát hiện giữa biển khơi?

Bạn có thể nổi suốt 10 tiếng, nhưng điều đó là vô nghĩa nếu không ai biết bạn ở đâu. Trong câu chuyện trên, camera giám sát trên tàu đã giúp xác định được thời điểm và vị trí người phụ nữ rơi xuống biển, nhờ đó đội cứu hộ có thể khoanh vùng và tìm thấy cô trước khi quá muộn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy. Nếu bạn có cơ hội, hãy làm mọi cách để phát tín hiệu. Dùng vật phản chiếu ánh sáng như đồng hồ, điện thoại, nắp chai kim loại. Tạo sóng bằng tay hoặc hét thật lớn khi thấy tàu gần đó. Nhưng hãy tiết kiệm sức, vì gào thét liên tục cũng có thể khiến bạn kiệt sức nhanh hơn.

tai-nan-chim-thuyen-ngoai-bien.jpg

Nghiên cứu chỉ ra: Phụ nữ có lợi thế tốt hơn về mặt sinh học

Điều thú vị là về mặt sinh học, phụ nữ có một lợi thế nhất định trong môi trường sinh tồn khắc nghiệt như trên biển. Lượng mỡ dưới da cao hơn giúp họ giữ ấm tốt hơn, đồng thời tăng độ nổi tự nhiên cho cơ thể.

Đây là lý do tại sao trong một số vụ tai nạn hàng hải, tỷ lệ sống sót của phụ nữ không hề thua kém, thậm chí cao hơn so với nam giới.

Lời kết

Không một ai mong rằng mình sẽ rơi vào tình huống lênh đênh giữa biển cả. Nhưng nếu điều không may xảy ra, hãy nhớ: sống sót không phải là may mắn, đó là kỹ năng có thể chuẩn bị, học và luyện tập.

Theo BBC
https://www.bbc.com/news/uk-45244269
Copy Link
https://www.bbc.com/news/uk-45244269
    Nổi bật
        Mới nhất
        Rơi xuống biển: Làm sao để sống sót đến 10 tiếng?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO