Rối loạn nhịp tim và những điều nên biết
Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim đập bất thường, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây ra cảm giác hồi hộp, đau tức ngực, khó thở… là nguyên nhân của 80% trường hợp đột tử nếu không phát hiện sớm, theo dõi sát sao và điều trị kịp thời.
Rối loạn nhịp tim nguyên nhân, triệu chứng và cách phát hiện
Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim đập bất thường, quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Theo các bác sĩ, đây là một bệnh lý tim mạch mà người bệnh không nên chủ quan vì nó có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong như đột quỵ, suy tim. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt nguy hiểm với các bệnh nhân có nhiều bệnh nền.
Theo các chuyên gia, rối loạn nhịp tim đang là nguyên nhân của rất nhiều trường hợp đột tử hiện nay.
Tình trạng rối loạn nhịp tim có thể xảy ra từng lúc thoáng qua chỉ vài phút hoặc ngắn hơn, xuất hiện thành từng đợt mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào trước đó.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, rối loạn nhịp tim lại kéo dài nhiều giờ, thậm chí liên tục trong nhiều năm.
Th.S-BS Nguyễn Quốc Khoa, Phó Trưởng khoa tim mạch Bệnh viện 30.4 (Bộ Công an) cho biết: “Mức độ nguy hiểm tùy theo dạng rối loạn, mức độ rối loạn và cơ địa bệnh nhân. Ví dụ một thanh niên trẻ, khỏe, không có bệnh lý gì trước đó nếu có một số triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực thoáng qua thì mức độ rối loạn nhịp tim không nguy hiểm. Tuy nhiên với bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh lý nền mà sử dụng rượu bia nhiều mà có triệu chứng đánh trống ngực kéo dài hoặc rung nhĩ thì tình trạng này nguy hiểm cần đến khám và điều trị sớm”.
Bác sĩ cũng chỉ ra việc lạm dụng bia, rượu cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nồng độ cồn trong rượu bia trực tiếp tác động lên tim và gây ra tình trạng bất thường nhịp tim. Sự rối loạn điện giải của những người uống rượu bia nhiều cũng gián tiếp góp phần gây ra bệnh rối loạn nhịp tim.
Theo chia sẻ từ bác sĩ, các triệu chứng thường xuất hiện của bệnh lý rối loạn nhịp tim là hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác thở hụt hơi. Người bệnh có thể choáng váng, đau ngực, thậm chí bị ngất. Ở người lớn tuổi có nhiều bệnh lý, các triệu chứng này có thể xảy ra không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Rối loạn nhịp tim có thể là biến chứng của các bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, chế độ sinh hoạt không điều độ, sử dụng nhiều bia rượu cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Những lợi ích của việc tập luyện đối với người bị rối loạn nhịp tim
Tập luyện đúng cách và khoa học đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch. Bệnh rối loạn nhịp tim có chữa khỏi được không cũng phụ thuộc vào chế độ sinh hoạt và tập luyện của người bệnh. Vì vậy, người bệnh rối loạn nhịp tim cần thiết lập một chế độ sinh hoạt và tập luyện lành mạnh giúp kiểm soát nhịp tim hiệu quả. Đặc biệt là đối với những người mắc bệnh rối loạn nhịp tim kèm theo rối loạn thần kinh thực vật, thường cảm thấy lo lắng, bất an dẫn đến căng thẳng và mất ngủ.
Các khuyến cáo cho thấy, việc tập luyện thể dục thường xuyên đều đặn qua các bộ môn như đi bộ, đạp xe, yoga hay ngồi thiền tối thiểu 30 phút hằng ngày; những bài tập hít thở sâu có hiệu quả tốt cho việc điều hòa nhịp tim. Tập luyện vừa phải giúp tăng cường máu đến tim và các cơ quan trong cơ thể.
Người hay tập thể dục đều đặn thường xuyên nguy cơ tử vong đột ngột do rối loạn nhịp tim thấp hơn hẳn so với những người không tập. Tập thể dục cũng là cách khắc phục tim đập nhanh, đập chậm, không đều. Ngoài ra, tập luyện cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác như cao huyết áp hay đái tháo đường, tăng cường đề kháng cho cơ thể…
Đối với người bệnh rối loạn nhịp tim, tập luyện là cần thiết và là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh. Hầu hết những người có rối loạn nhịp tim không nên “kiêng” tập thể dục. Chỉ có một số ít loại rối loạn nhịp tim di truyền cần cân nhắc, tham khảo ý kiến của bác sĩ. Còn lại, đối với đại đa số những người bị rối loạn nhịp tim, bao gồm cả rung nhĩ, thì tập thể dục luôn được khuyến khích.
Những lưu ý khi tập luyện
Trên thực tế, việc bắt đầu luyện tập như thế nào, tập ra sao, bao nhiêu tiếng/ngày, tập môn nào là hiệu quả nhất sẽ rất khác nhau ở mỗi người. Do đó, mỗi lần đi khám bệnh, người bị rối loạn nhịp tim cần trao đổi thêm với bác sĩ để được hướng dẫn. Ngoài ra, cũng cần biết những lưu ý luyện tập an toàn dưới đây để hạn chế rủi ro.
– Cần tập luyện từ từ với cường độ thấp đến cao: Người bệnh mới tập luyện chỉ nên bắt đầu tập trong 5-10 phút, sau đó tăng dần thời gian tập và cường độ mỗi ngày. Nếu có triệu chứng đánh trống ngực, chóng mặt, đau ngực, có nghĩa là phải giảm cường độ.
– Cần chú ý theo dõi nhịp tim: Cần theo dõi nhịp tim, nếu nhịp tim có biểu hiện rối loạn (đau ngực, khó thở, hồi hộp) có nghĩa là cường độ bài tập quá nặng, khi đó nên giảm tốc độ bài tập. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, nên chuyển sang các bài tập nhẹ nhàng hơn hoặc đi khám lại vì có thể diễn tiến của bệnh đang nặng lên.
– Nên tập thường xuyên và điều độ: Quan trọng nhất khi luyện tập cần có lịch trình tập thường xuyên và điều độ. Trước khi bắt đầu, người bệnh tham vấn bác sĩ và sắp xếp lịch tập cố định vào khoảng thời gian trong ngày và duy trì tối thiểu 3 buổi/tuần.
– Chú ý theo dõi sức khỏe: Mỗi một cơ thể, mắc các bệnh rối loạn nhịp tim khác nhau (chẳng hạn như rung nhĩ, rung thất, nhịp xoang nhanh, rối loạn thần kinh tim) sẽ có nhiều lựa chọn về các bài tập và mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nên chọn các bài tập vừa phải, tăng cường sử dụng nhiều nhóm cơ và hạn chế các động tác mang vác quá nặng. Cần hiểu rằng, tập luyện chỉ là một trong rất nhiều cách để giúp ổn định nhịp tim bên cạnh việc dùng thuốc đúng chỉ định, tái khám sức khỏe thường xuyên, kiểm soát chế độ ăn mỗi ngày…
Tóm lại, với những người có vấn đề về tim mạch, cần đến khám bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể về một chế độ tập luyện với cường độ phù hợp. Tốt nhất là chỉ chọn những môn thể thao không đòi hỏi nhiều thể lực như đi bộ, thể dục nhẹ nhàng, tập thở… Đặc biệt, cần khởi động kỹ tối thiểu 15 phút để các hệ cơ-xương-khớp, hệ tuần hoàn và hô hấp có thể thích nghi với nhịp độ vận động.
Nguồn: Tổng hợp
Sơ cứu bệnh nhân rối loạn nhịp tim ra sao?
Bác sĩ Quốc Cường cho biết khi người bệnh có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu, người xung quanh nên hồi sức tim phổi, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, hà hơi nhằm mục đích tránh thiếu máu não phòng ngừa chết não, sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần tầm soát sức khỏe định kỳ, đặc biệt là tim mạch, để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân dùng thuốc mạn tính trong thời gian dài, khi dùng thuốc cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để tránh tác dụng phụ và hỏi kỹ bác sĩ khi chưa rõ cách sử dụng.