i-HEALTH

Rối loạn giấc ngủ vì hóa chất từ đồ nhựa!

Hai Binh 03/06/2025 13:05

Hóa chất từ đồ nhựa có thể làm rối loạn nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể – tương tự tác động kích thích của cà phê – và làm lệch đồng hồ sinh học đến 17 phút.

“Đồng hồ sinh học” – một cơ chế sống còn

Cơ thể con người được điều khiển bởi một hệ thống “đồng hồ sinh học” cực kỳ nhạy cảm gọi là circadian rhythm.

Nó quyết định khi nào chúng ta cảm thấy tỉnh táo, buồn ngủ, ăn uống, sản sinh hormone và thậm chí ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch.

Bất kỳ sự chệch hướng nào – dù là vài phút – cũng có thể phá vỡ nhịp điệu sinh học, kéo theo loạt hệ lụy như rối loạn giấc ngủ, tiểu đường, bệnh tim mạch, béo phì và suy giảm trí nhớ.

Trong khi caffeine – hoạt chất quen thuộc trong cà phê – làm gián đoạn thụ thể adenosine trong não (khiến chúng ta tỉnh táo hơn), thì hóa chất nhựa trong các sản phẩm từ PVC và polyurethane lại kích hoạt thụ thể này, nhưng lại dẫn đến hiệu ứng tương tự: cơ thể bị “lỡ nhịp” và khó bước vào trạng thái nghỉ ngơi.

“Thụ thể này giống như bộ phát tín hiệu nói với cơ thể: 'Bình minh tới rồi, hãy thức dậy!'. Nhưng khi bị kích hoạt bất thường, nó ngăn cản tín hiệu đó, làm trì hoãn toàn bộ chuỗi phản ứng sinh học của cơ thể,” tiến sĩ Martin Wagner giải thích.

Tác động tuy nhỏ nhưng không thể xem thường

Nghiên cứu cho thấy thời gian đồng hồ sinh học bị trễ khoảng 15–17 phút – con số nghe qua tưởng không đáng kể. Nhưng theo Wagner, đây là một thay đổi đáng lưu ý, vì hệ thống này hoạt động với độ chính xác gần như tuyệt đối, và sự sai lệch nhỏ cũng có thể cộng dồn thành ảnh hưởng lâu dài.

Đáng nói hơn, trong khi những tác động đến nội tiết tố thường cần nhiều năm mới biểu hiện, thì những thay đổi ở mức tế bào – như với thụ thể adenosine – lại xảy ra rất nhanh, khiến nguy cơ gián đoạn giấc ngủ và mệt mỏi mãn tính có thể tiềm ẩn ngay cả ở người khỏe mạnh.

Nhựa: Chất liệu “đa dụng” nhưng cũng “đa rủi ro”

PVC (polyvinyl chloride) và polyurethane là hai loại nhựa phổ biến nhất hiện nay. Chúng có mặt trong mọi thứ từ thiết bị y tế, ống hút nước, bình sữa trẻ em cho đến gối nệm, thảm trải sàn, và cả bao bì thực phẩm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, PVC có thể chứa tới 8.000 hợp chất khác nhau – bao gồm cả các phụ gia không được kiểm soát phát sinh trong quá trình sản xuất – khiến việc truy nguyên tác nhân độc hại trở nên rất phức tạp.

Nghiên cứu hiện tại được thực hiện trên tế bào người trong phòng thí nghiệm. Giai đoạn tiếp theo sẽ là thử nghiệm trên cá ngựa vằn – loài có nhiều cơ chế thần kinh tương tự với người – để đánh giá tác động sinh lý thực tế.

Lời kêu gọi thay đổi toàn hệ thống sản xuất nhựa

“Chúng ta đang dần hiểu rằng nhựa không chỉ là vấn đề môi trường, mà còn là vấn đề sức khỏe toàn cầu,” nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Họ kêu gọi một cuộc cải cách sâu rộng trong thiết kế và sản xuất vật liệu nhựa – không chỉ để giảm rác thải mà còn để bảo vệ hệ sinh học con người.

Trong khi chờ đợi những thay đổi chính sách, người tiêu dùng có thể chủ động giảm thiểu nguy cơ bằng cách:

  • Tránh dùng đồ nhựa đựng thực phẩm nóng
  • Không hâm nóng thức ăn trong hộp nhựa
  • Ưu tiên dùng thủy tinh, gốm, inox trong nhà bếp
  • Hạn chế tiếp xúc với các sản phẩm nhựa PVC, nhất là với trẻ em
Theo The Guardian
https://www.theguardian.com/environment/2025/may/09/plastic-chemicals-sleep
Copy Link
https://www.theguardian.com/environment/2025/may/09/plastic-chemicals-sleep
    Nổi bật
        Mới nhất
        Rối loạn giấc ngủ vì hóa chất từ đồ nhựa!
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO