Rau ngót chứa nguồn đạm thực vật quý, nhưng ai nên hạn chế ăn?
Theo các bác sĩ, rau ngót chứa một lượng đạm thực vật lớn có thể thay thế cho đạm động vật để hạn chế rối loạn chuyển hóa canxi và sỏi thận.
Rau ngót chứa nhiều giá trị dinh dưỡng
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ – giảng viên khoa y học cổ truyền, Trường ĐH Y Dược (TP.HCM) – cho biết rau ngót hay còn gọi là bồ ngót, bù ngót, hắc diện thần, mọc hoang và được trồng khắp nơi ở Việt Nam để lấy lá nấu canh. Khi làm thuốc thường chọn những cây rau ngót đã sống 2 năm trở lên, hái lá tươi về dùng ngay.
Một số nghiên cứu cho thấy trong 100g rau ngót có chứa 6,5g đạm, 0,08g chất béo, 9g đường, 503mg kali, 15,7mg sắt, 85mg sinh tố C…
Do vậy, rau ngót (so với các rau lá khác) chứa nhiều đạm, chất sắt, mangan và tiền sinh tố A.
Với chất lượng đạm thực vật cao như vậy, nên rau ngót được khuyên dùng thay thế đạm động vật để hạn chế những rối loạn chuyển hóa canxi gây loãng xương và sỏi thận.
Thường rau ngót được khuyên dùng cho người giảm cân và người bị bệnh đường huyết cao. Ngoài ra rau ngót là một trong giới thực vật hiếm có chứa vitamin K.
Khi ăn rau có vitamin K thiên nhiên làm giảm nguy cơ gãy xương ở người già, do nó bảo vệ cấu trúc khung sụn chống lại sự bào mòn…
Hiện nay đối với y học hiện đại, rau ngót có công dụng khơi thông nguồn sữa: Ăn rau ngót có thể giúp bà mẹ tăng lượng sữa, điều này là do bắt nguồn từ những tác động nội tiết của các hợp chất hóa học sterols có tính chất estrogen.
Giảm nguy cơ viêm nhiễm: Rau ngót cũng chứa chất ephedrin rất tốt cho những người bị cúm. Nguồn vitamin C trong lá rau ngót thậm chí cao hơn nhiều so với cam hoặc ổi, do đó rau ngót được các nhà khoa học biết đến như là một nguồn cung cấp vitamin C rất cao.
Vitamin C được biết đến như hợp chất chính cơ thể cần thiết trong một loạt quy trình quan trọng giúp nướu răng siêu khỏe mạnh, điều chỉnh nồng độ cholesterol, và miễn dịch.
Ngoài ra, vitamin C trong cơ thể là yếu tố cần thiết để chữa lành vết thương và cải thiện chức năng não để chúng ta đạt được cường độ làm việc tối ưu.
Tăng cường hệ miễn dịch: Lá rau ngót cũng là một nguồn vitamin A là tương đối cao. Vitamin A cần thiết cho cơ thể để ngăn ngừa các bệnh về mắt, tăng trưởng tế bào, hệ miễn dịch, sinh sản, và duy trì làn da khỏe mạnh.
Nguồn cung cấp canxi: Lá rau ngót có một mức canxi rất tốt. Tiêu thụ canxi ít hơn nhu cầu có thể khiến bộ xương kém vững chắc và hoàn thiện, đặc biệt là bệnh loãng xương ở tuổi trẻ, thường xảy ra ở phụ nữ. Cao huyết áp cũng có thể do mức canxi trong máu thấp.
Khơi dậy ham muốn: Lá rau ngót cũng rất giàu các hợp chất có thể tăng chất lượng và số lượng tinh trùng, bao gồm cả khơi dậy tiềm năng và khả năng tình dục.
Theo y học cổ truyền, rau ngót có công năng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, hoạt huyết hóa ứ, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ.
Rau ngót là thang thuốc vừa tăng sức đề kháng của cơ thể, vừa chống lại nguyên nhân bệnh từ bên ngoài xâm hại cơ thể.
Lá rau ngót ngoài công dụng nấu canh, còn là một vị thuốc nhân dân dùng làm chữa sót nhau và chữa tưa lưỡi, chữa chậm kinh (giã nhỏ vắt lấy nước uống, bả đắp vào gan bàn chân).
Sót nhau sau đẻ, nạo hút thai: Cho sản phụ uống một bát nước rau ngót tươi bồi dưỡng sau đẻ hoặc rau ngót nấu canh với thịt lợn nạc hoặc giò sống. Có nơi hay nấu canh rau ngót với trứng tôm, trứng cáy, cá rô, cá quả… nhưng với thịt lợn nạc thì yên tâm hơn đối với sức khỏe của sản phụ đang cho con bú.
Canh giải nhiệt mùa hè: Rau ngót nấu canh với hến, mát và ngọt đậm đà. Phối hợp này lạnh nên cho thêm lát gừng hoặc nên kiêng với người hư hàn.
Giải độc rượu, rượu có thuốc trừ sâu, rượu ngâm mã tiền, dị ứng cá biển: Uống nước rau ngót sống.
Lưu ý gì khi ăn rau ngót?
Bác sĩ Vũ cho hay trong rau ngót tươi có chứa hàm lượng papaverin cao gây hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung, khiến dễ sẩy thai.
Chính vì vậy thai phụ, đặc biệt là với những thai phụ có tiền sử sẩy thai liên tiếp, đẻ non, thụ tinh trong ống nghiệm nên hạn chế ăn rau ngót, đặc biệt là uống nước rau ngót sống, liều cao.
Ngoài ra việc tiêu thụ quá nhiều rau ngót trong thời gian dài cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như gây mất ngủ, cản trở quá trình hấp thu canxi, chán ăn…
Bên cạnh đó, nên ăn kết hợp nhiểu loại rau xanh khác nhau để có một chế độ ăn uống cân bằng.
Theo Tuổi Trẻ
Cẩn trọng nước ép rau ngót
Bác sĩ Vũ cho hay tại Đài Loan, đã có báo cáo rằng trong những người ăn nước ép lá rau ngót (150g) trong 2 tuần đến 7 tháng đã xảy ra tác dụng phụ như có triệu chứng khó ngủ, ăn uống kém đi và khó thở.
Tuy nhiên, những triệu chứng này biến mất sau một ngày ngừng tiêu thụ nước ép lá rau ngót. Quá trình đun sôi cũng có thể làm giảm những tác động tiêu cực của lá rau ngót. Rau ngót nên được ăn ngay sau khi nấu.