Bạn có nên đun đi đun lại nước trong ấm siêu tốc nhiều lần?
Nhiều người cho rằng, đun đi đun lại nước nhiều lần trong ấm siêu tốc sẽ khiến các chất độc hại trong nước tích tụ. Nhưng liệu nó có đúng là như vậy hay không?
Câu trả lời là: Không. Nhưng, bạn sẽ phải lưu ý ở một số điểm như sau.

Trong nước máy có gì?
- Độ pH hoàn toàn trong chuẩn an toàn.
- Lượng chất rắn hòa tan thấp, không gây đóng cặn.
- Fluoride vừa đủ bảo vệ răng miệng.
- Độ cứng thấp, thuộc loại “nước mềm”.
Kim loại như chì, sắt chỉ tồn tại vi lượng, natri thấp hơn nhiều so với nước ngọt đóng chai. Tất cả đều đạt tiêu chuẩn nước uống an toàn. Nếu nguồn nước mà bạn đang sử dụng có những tiêu chí như thế này, dù bạn đun đi đun lại, sẽ không tạo ra rủi ro nào đáng kể.
Đun lại nhiều lần có làm tích tụ chất độc?
Muốn các chất tăng nồng độ trong nước, cần làm bay hơi một phần nước, để các chất còn lại cô đặc. Nhưng hầu hết ấm siêu tốc đều tự ngắt khi nước sôi, hạn chế tối đa lượng nước bay hơi.
Dù có đun lâu, khả năng tăng nồng độ các chất như fluoride cũng rất nhỏ. Ví dụ, với 1 lít nước chứa 1mg fluoride, nếu bạn pha ly trà 200ml sáng, chiều đun lại phần còn lại, lượng fluoride trong mỗi ly gần như không đổi. Kể cả bạn đun cạn mất 100ml nước, chênh lệch cũng chỉ vài phần trăm - hoàn toàn an toàn.
Câu chuyện tương tự với chì. Nước máy như với tiêu chí bên trên chứa chì dưới 0,0001mg/lít. Để tăng lên ngưỡng nguy hại (0,01mg/lít), bạn phải đun cô đặc 20 lít nước xuống còn… 1 ly nước. Điều này không thể xảy ra với ấm đun bình thường.
Một số người cũng cho rằng, nước đun lại sẽ khiến trà hay cà phê nhạt vị hơn. Điều này đúng phần nào, do nước mất bớt oxy hòa tan sau mỗi lần đun. Tuy nhiên, đây là yếu tố nhỏ và phụ thuộc nhiều hơn vào chất lượng nguồn nước địa phương.
Sự thay đổi hương vị nếu có cũng chỉ liên quan đến cảm nhận cá nhân, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đun lại nước sẽ an toàn nếu nước bạn uống an toàn
Khoa học khẳng định: Nếu nguồn nước máy bạn đang dùng đạt tiêu chuẩn nước uống an toàn, thì dù đun đi đun lại, nước đó vẫn sạch, an toàn để sử dụng. Không có chất độc nào "tích tụ" theo kiểu đun sôi nhiều lần như lời đồn.
Điều duy nhất bạn cần lưu ý, nếu không thích mùi vị của nước cũ đun lại, bạn hoàn toàn có thể đổ đi để dùng nước mới. Nhưng nếu mục đích là vì lo ngại “nước độc”, thì bạn có thể yên tâm: ấm siêu tốc của bạn không hề biến nước sạch thành nước hại sức khỏe.