Nghiên cứu: Động lực nào khiến nam giới lái xe sau khi uống rượu?
"Tôi chưa say, tôi còn tỉnh lắm". "Tôi chạy xe được, chuyện nhỏ ấy mà." Dẫu biết nguy hiểm nhưng vì sao nhiều nam giới vẫn lái xe sau khi uống rượu?
Một nghiên cứu khoa học được thực hiện tại Québec, Canada đã đi sâu phân tích những yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến quyết định này, từ đó gợi mở các hướng phòng ngừa hiệu quả hơn.

Khi sự tự tin có thể trở thành mối đe dọa
Nghiên cứu được tiến hành trên 115 nam giới từ 18 đến 24 tuổi, sử dụng bảng khảo sát xây dựng dựa trên "Thuyết hành vi có kế hoạch" của nhà tâm lý học Icek Ajzen.
Kết quả cho thấy ba yếu tố chính dự đoán khả năng một người sẽ lái xe sau khi uống rượu gồm: thái độ cá nhân, cảm nhận về khả năng kiểm soát hành vi và cảm nhận về sự đồng thuận của xã hội.
Thái độ cá nhân phản ánh cách một người đánh giá hành vi đó là đúng hay sai, có hại hay không. Ví dụ, một số người trẻ có thể nghĩ rằng “uống 1-2 ly không sao cả, mình vẫn kiểm soát được”. Họ không cho rằng việc uống rượu rồi lái xe là nguy hiểm, hoặc đơn giản là không nhìn thấy hậu quả trước mắt. Thái độ này khiến họ dễ dàng đưa ra quyết định sai lầm.
Khả năng kiểm soát hành vi là cảm nhận chủ quan về việc mình có làm chủ được tình huống hay không. Một người từng lái xe về an toàn sau vài lần uống rượu có thể tin rằng mình “quen rồi”, "mình là cao thủ lái xe", “lái còn tỉnh hơn lúc chưa uống”, "mình chưa say nên kiểm soát được".

Đây là một ảo giác nguy hiểm. Thực tế, phản xạ và khả năng xử lý tình huống sau khi uống rượu đã giảm đáng kể, nhưng người trong cuộc thường không nhận ra điều đó.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Harm Reduction Journal, do nhóm chuyên gia từ Đại học Witten/Herdecke (Đức) và Đại học Cambridge (Anh) thực hiện. 90 sinh viên có độ tuổi trung bình 24 được chia làm hai nhóm, tham gia một thí nghiệm kéo dài hai ngày.
Họ được uống bia, rượu vang, hoặc cả hai, cho đến khi nồng độ cồn trong hơi thở đạt mức tối đa 0,11% - cao hơn gấp đôi giới hạn hợp pháp tại Đức là 0,05%.
Trong suốt quá trình, người tham gia liên tục được đo nồng độ cồn trong hơi thở bằng máy kiểm tra và được yêu cầu tự ước lượng mức độ cồn của mình. Họ cũng phải tự xác định thời điểm mà mình tin rằng đã chạm đến ngưỡng “an toàn để lái xe”.
Kết quả cho thấy:
- Vào ngày đầu tiên, 39% người cho rằng mình đang ở mức cho phép thực ra đã vượt giới hạn.
- Sang ngày thứ hai, con số này tăng lên 53%.
Nói cách khác, cứ hai người thì có một người tin rằng mình chưa say, trong khi thực tế là đã vượt quá mức cho phép để lái xe.
Chuẩn mực xã hội liên quan đến cách người trẻ nghĩ rằng bạn bè, người thân hoặc cộng đồng nhìn nhận hành vi này. Chẳng hạn, nếu trong nhóm bạn bè có người thường xuyên lái xe sau khi nhậu và không bị nhắc nhở hay chỉ trích, thì cá nhân đó dễ cho rằng đây là việc “ai cũng làm” và không đáng lo ngại.

Thậm chí trong một số trường hợp, nếu người say gọi xe về sẽ bị mọi người trêu đùa, dèm pha vì "quá cẩn thận", "khả năng nhậu kém", "thiếu kỹ năng", "không nể trọng anh" khiến họ cảm thấy ngại ngùng và muốn chứng tỏ bản thân.
Ngược lại, nếu người xung quanh thể hiện rõ sự phản đối hoặc chủ động đề nghị gọi xe giúp, cá nhân đó có thể do dự hoặc từ chối hành vi lái xe sau khi uống rượu.
Nam giới trẻ là nhóm đối tượng nổi cộm
Dữ liệu thống kê cho thấy dù chỉ chiếm khoảng 12% trong tổng số người có bằng lái, nam giới từ 18 đến 24 tuổi lại có liên quan đến gần một phần tư các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Québec.
Năm 1996, tại Canada, có tới 52% vụ tai nạn giao thông chết người ở nhóm tuổi từ 18 đến 25 có liên quan đến rượu. Trong phần lớn các vụ này, nồng độ cồn trong máu của người điều khiển vượt quá ngưỡng cho phép. Điều đáng chú ý là khi nồng độ cồn tăng lên, nguy cơ tai nạn ở nhóm tuổi này cũng tăng nhanh hơn so với các nhóm tuổi khác.

Nhiều nghiên cứu ở các quốc gia khác cũng cho thấy nam giới trẻ thường là người thừa nhận từng lái xe sau khi uống rượu nhiều hơn so với phụ nữ cùng độ tuổi. Một nghiên cứu tại Úc phát hiện rằng trong các vụ tai nạn có thương tích, nam giới từ 16 đến 35 tuổi thường có kết quả xét nghiệm nồng độ cồn dương tính cao hơn so với nữ giới.
Hiểu tâm lý để ngăn chặn hành vi nguy hiểm
Nghiên cứu cho thấy thái độ cá nhân là yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến ý định uống rượu và lái xe.
Thay vì chỉ tập trung vào việc nhấn mạnh hậu quả pháp lý hay tai nạn, nghiên cứu cho thấy chúng ta cần tiếp cận bằng cách làm thay đổi cách người trẻ nhìn nhận về chính hành vi đó.

Ví dụ, thay vì khuyên "Đừng lái xe khi uống rượu", có thể chuyển thành các câu hỏi mang tính gợi mở như: "Bạn có thực sự kiểm soát được tay lái sau khi uống vài ly không?" hoặc "Bạn sẽ nghĩ sao nếu một người bạn của mình lái xe trong tình trạng say xỉn?"
Một số gợi ý cụ thể hơn:
- Truyền tải các câu chuyện thật từ những người từng mất người thân vì tai nạn do rượu bia
- Tổ chức trải nghiệm mô phỏng mất kiểm soát sau khi uống rượu bằng công nghệ thực tế ảo
- Lan tỏa hình ảnh người từ chối lái xe sau khi uống rượu như một biểu tượng của trách nhiệm và bản lĩnh
- Kêu gọi cộng đồng lên tiếng phản đối hành vi nguy hiểm này để tạo ra áp lực xã hội
Tóm lại thì
Việc lái xe sau khi uống rượu không chỉ là hành vi thiếu trách nhiệm mà còn là kết quả của nhiều yếu tố tâm lý tiềm ẩn. Đặc biệt với nam giới trẻ, sự tự tin quá mức và suy nghĩ chủ quan về khả năng kiểm soát hành vi có thể đẩy họ vào tình huống nguy hiểm.

Muốn giải quyết tận gốc, chúng ta cần tiếp cận bằng tâm lý học hành vi và hiểu được những gì đang diễn ra trong suy nghĩ của họ. Chỉ khi người trẻ thực sự tin rằng "mình không đủ an toàn để lái xe khi đã uống rượu", thì hành vi mới có thể thay đổi một cách bền vững.