8 em bé ở Anh chào đời nhờ ADN từ 3 người khác nhau
Bước tiến lớn trong y học sinh sản tại Anh khi 8 em bé ra đời nhờ kỹ thuật đặc biệt, đó là kết hợp ADN từ 3 người khác nhau để tránh những đột biến di truyền.

Kỹ thuật "đổi ti thể" - đứa trẻ có ADN từ 3 người
Trong mỗi tế bào, phần lớn ADN nằm ở phần nhân, được thừa hưởng từ cả cha lẫn mẹ. Nhưng còn một phần rất nhỏ ADN khác cư trú trong bộ phận gọi là ti thể - "nhà máy năng lượng" của tế bào.
Phần ADN bên trong ti thể được truyền gần như toàn bộ từ người mẹ. Đột biến tại đây có thể gây ra những căn bệnh khủng khiếp: từ yếu cơ, co giật, chậm phát triển, đến suy đa cơ quan và tử vong khi còn rất nhỏ.
Hiện nay, sàng lọc di truyền khi làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) giúp phát hiện phần lớn các bất thường ti thể. Tuy nhiên, trong số ít trường hợp, kết quả không rõ ràng, khiến nguy cơ bệnh tật vẫn còn treo lơ lửng.
Để khắc phục rủi ro, các nhà khoa học đã phát triển kỹ thuật thay thế ti thể từ trứng hiến tặng.

Quy trình này hiểu nôm na chính là lấy ADN từ người mẹ chuyển sang trứng của người hiến, vốn có ti thể khỏe mạnh (đã loại bỏ phần nhân ADN của người hiến).
Kết quả là phôi thai mang ADN nhân từ mẹ, tinh trùng từ cha và ti thể từ người hiến. ADN từ người hiến chiếm chưa đến 1% và không ảnh hưởng đến tính cách, ngoại hình hay di truyền đặc trưng. Nếu so sánh, một ca ghép tủy còn mang nhiều ADN người khác hơn thế.
Năm 2016, Anh sửa đổi luật để cho phép áp dụng kỹ thuật này trong những trường hợp đặc biệt. Úc cũng đồng thuận, nhưng Mỹ và phần lớn các nước khác vẫn cấm, lo ngại về hệ quả di truyền cho thế hệ sau.

8 em bé khỏe mạnh, hy vọng cho những ai từng tuyệt vọng
Nghiên cứu công bố trên New England Journal of Medicine cho biết, nhóm chuyên gia tại Đại học Newcastle (Anh) phối hợp cùng Đại học Monash (Úc) thực hiện kỹ thuật trên 22 phụ nữ, kết quả có 8 bé chào đời khỏe mạnh và 1 người hiện vẫn đang mang thai.
Một em bé có mức ti thể bất thường hơi cao, nhưng chưa đủ gây bệnh. Tất cả đều được theo dõi lâu dài để đảm bảo an toàn.
Đây là đột phá khoa học thực sự. Tuy nhiên kỹ thuật này chỉ phù hợp số ít phụ nữ khi các phương pháp khác không hiệu quả.
Giáo sư Andy Greenfield (Đại học Oxford)
Tại Anh, mỗi ca đều được cơ quan quản lý sinh sản thẩm định kỹ lưỡng. Tính đến nay, 35 bệnh nhân đã được cấp phép.
Đây thực sự là phép màu cho những gia đình không còn nhiều hy vọng.