Khi bạn tìm đến bài viết này, có thể bạn (hoặc ai đó bạn yêu quý) vừa trải qua một thất bại trong thi cử. Đó có thể là một bài kiểm tra nhỏ, hoặc một kỳ thi quan trọng như thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, hay thậm chí là thi chứng chỉ nghề nghiệp.
Nhưng bạn ơi, chuyện trượt một kỳ thi, thật ra không hiếm. Không phải ai cũng gặp, nhưng phần lớn những người học hành nghiêm túc đều sẽ có lần vấp ngã như vậy. Và tin tôi đi, chuyện này không có gì là tận thế. Hãy bắt đầu từng bước sau.
Đón nhận cú sốc nhưng đừng đồng nhất bản thân với thất bại
Với nhiều người luôn đạt kết quả tốt từ bé, lần đầu thất bại sẽ như một cú tát vào lòng tự trọng. Bạn sẽ tự hỏi: “Có phải mình chưa đủ giỏi?”, “Làm sao mà mình vấp ở chỗ này được?”. Rồi bạn bắt đầu kể những câu chuyện trong đầu về việc mình không xứng đáng, không đủ thông minh, không đủ kiên trì.
Nhưng bạn biết không? Cuộc sống là những lần vấp ngã. Thất bại trong một kỳ thi chỉ là một ngã rẽ không ngờ chứ không phải con đường cụt.
Bạn không cần phải tỏ ra mạnh mẽ ngay lập tức. Nhưng cũng đừng để cú trượt đó đóng khung lại toàn bộ con người bạn. Trượt rồi đứng dậy vẫn hơn là trượt dài không có điểm dừng bạn nhỉ?
Nếu bạn cần một khoảng lặng, hãy cho phép mình buồn. Nhưng đừng mang nỗi buồn ấy đi theo mãi. Hãy chia sẻ với bạn bè, thầy cô, người thân để gỡ dần cảm giác tội lỗi và tự trách. Nhớ rằng: bạn không phải là thất bại, bạn chỉ vừa thất bại một lần.
Thành thật nhìn lại lý do mình thất bại
Một khi đã bớt cảm xúc, bạn cần đối diện với lý do thực sự khiến bạn rớt. Đó là vì thiếu kiến thức? Vì học lệch? Hay vì tinh thần không ổn định? Bạn có lập kế hoạch ôn thi không? Có bám sát lịch học không? Khi thi có bị mất bình tĩnh?
Đây không phải lúc để đổ lỗi hay phán xét. Mà là để hiểu điều gì đã khiến bạn trượt và từ đó tìm ra hướng đi tiếp theo.
Hãy viết ra tất cả, càng cụ thể càng tốt. Nếu có thể, hãy nhờ một người tin tưởng như giảng viên, cố vấn học tập hay bạn học giỏi giúp bạn phân tích. Đôi khi chỉ cần một người khác nghe mình và phản chiếu lại nhẹ nhàng, bạn đã có thể nhìn rõ hơn những điều chính mình không thấy.
Hãy tìm một người đồng hành để không lạc lối
Có một điều khá kỳ lạ nhưng hữu hiệu: nếu bạn nói với ai đó rằng bạn đang học để thi lại, rồi họ hỏi han, động viên sẽ giúp bạn giữ được kỷ luật trong quá trình bắt đầu lại.
Người đồng hành đó không cần giỏi hơn bạn, chỉ cần là người mà bạn không muốn làm họ thất vọng. Một người sẽ hỏi: “Tuần này học được mấy phần rồi?”, “Cần mình nhắc lịch học không?” Một người khiến bạn thấy mình không phải chiến đấu một mình.
Đừng đặt ra kế hoạch quá lý tưởng
Có những lúc bạn viết ra lịch học thật đẹp: mỗi ngày 5 tiếng, cuối tuần làm 3 đề, cuối tháng ôn lại toàn bộ. Nhưng thực tế thì sao? Việc đến dồn dập, sức khỏe sa sút, tinh thần đi xuống, và bạn thấy bản thân cứ mãi trễ hẹn với chính mình.
Thay vì cố nhồi nhét một kế hoạch “hoàn hảo”, hãy bắt đầu từ cái khả thi. Một buổi học 45 phút tập trung tốt hơn là một ngày 5 tiếng nhưng đầy phân tâm. Nếu bạn đi làm, có con nhỏ, hoặc đang ở trạng thái không ổn định, hãy trung thực với điều đó. Và lập lịch học phù hợp với đời sống thực của bạn.
Kế hoạch có thể thay đổi, miễn là bạn không bỏ cuộc.
Nếu cần thêm thời gian hãy dũng cảm
Có thể bạn đang học nội trú, đi làm toàn thời gian, hoặc đang gồng mình để cân bằng quá nhiều thứ. Nếu cảm thấy không đủ thời gian học, hãy cho bản thân quyền được xin nghỉ phép, xin đổi lịch, hoặc tạm hoãn một số việc khác.
Hãy biết ưu tiên điều quan trọng. Có thể bạn sẽ phải đánh đổi vài ngày nghỉ, nhưng đổi lại là một sự chuẩn bị kỹ càng và một kết quả xứng đáng.
Hãy tập luyện như thi thật
Cảm giác bước vào phòng thi rất khác với việc ôn bài ở nhà. Nhiều người học tốt nhưng lại trượt vì tâm lý, phân phối thời gian kém, hoặc quá phân vân giữa các đáp án.
Hãy tự tạo những buổi thi thử nghiêm túc: ngồi đúng thời gian, làm bài không gián đoạn, ở không gian xa lạ, thậm chí dùng tai nghe chống ồn nếu cần. Càng luyện nhiều, bạn sẽ càng bình tĩnh khi bước vào thi thật.
Sau mỗi lần thi thử, hãy xem mình làm sai ở đâu, kiến thức nào còn yếu, thời gian có bị thiếu hụt không. Đừng chỉ làm, mà hãy nhìn lại thật kỹ.
Điều cuối cùng: Bạn có thể làm lại, thậm chí là tốt hơn.
Tôi biết bạn có thể đang rất mệt. Nhưng tôi cũng tin rằng bạn hoàn toàn có thể vượt qua. Bởi vì một người đủ quan tâm đến kết quả của mình để buồn khi trượt, là người sẽ đủ kiên cường để đứng dậy.
Hãy nhớ rằng, một kỳ thi không bao giờ là tất cả. Nó không định nghĩa giá trị con người bạn, cũng không có quyền quyết định tương lai của bạn mãi mãi. Thất bại ở một kỳ thi không có nghĩa là cuộc sống của bạn dừng lại. Nó chỉ là một phần rất nhỏ trong hành trình dài mà bạn đang đi.
Ai cũng có những lần lỡ nhịp. Có người trượt kỳ thi đầu vào nhưng sau đó trở thành người truyền cảm hứng. Có người từng mất phương hướng vì điểm số, rồi lại tìm thấy bản thân ở một lối rẽ khác phù hợp hơn. Cuộc sống không chỉ đo bằng điểm thi, mà bằng cách bạn vượt qua những lần không như ý.
Nếu bạn vẫn còn ước mơ, vẫn còn lòng kiên nhẫn và can đảm để làm lại, thì bạn vẫn đang đi đúng hướng. Chỉ cần tiếp tục bước tiếp, dù chậm đến đâu, cũng đã là tiến về phía trước.
Hãy bắt đầu từ những bước nhỏ. Hôm nay học một mục tiêu. Ngày mai thêm một phần kiến thức. Cứ từng chút một. Không cần phải hoàn hảo. Chỉ cần tiếp tục.
Dù bạn chọn thi lại ngay hay chờ một thời điểm khác, dù bạn thay đổi cách học hay tìm một hướng đi mới, hãy luôn nhớ: bạn không đi lùi. Bạn đang đi vòng một chút để về đích theo cách của riêng mình.
“
Tác giả của bài viết là bác sĩ Amanda S. Xi hiện là chuyên gia Gây mê Hồi sức tích cực tại Hoa Kỳ. Cô từng hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về Gây mê Hồi sức tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Massachusetts General Hospital) - một trong những cơ sở y tế hàng đầu thế giới.