TIPS SỨC

Phàn nàn tích cực để mối quan hệ thêm bền chặt

An 11/07/2025 14:23

Thay vì im lặng chịu đựng hoặc chỉ trích gay gắt, việc biết cách “phàn nàn” đúng cách có thể không chỉ giải quyết mâu thuẫn mà còn giúp gắn kết mối quan hệ.

mối quan hệ

Cảm xúc sẽ tích tụ thành oán giận nếu không nói ra

Trong một nội dung được chú ý trên tờ The Washington Post, một người phụ nữ chia sẻ với nhà tâm lý học rằng cô cảm thấy tổn thương khi chồng vô tình nói những điều nhạy cảm. Cô không muốn trở thành người phụ nữ hay chỉ trích như mẹ mình - người từng làm cha cô rời bỏ gia đình - nhưng cũng không biết làm sao để nói mà không bị hiểu lầm là yếu đuối.

Chuyên gia cho biết: đây là tình huống rất phổ biến, nhiều người vì sợ làm tổn thương người mình yêu mà chọn cách im lặng. Nhưng chính sự im lặng đó lại là mầm mống cho sự xa cách.

mối quan hệ

Những bước “phàn nàn” khôn ngoan

Đầu tiên, hãy chọn đúng thời điểm. Đừng bắt đầu khi cả hai còn đang căng thẳng. Thay vào đó, hãy hỏi một cách nhẹ nhàng, chẳng hạn như “mình nói chuyện một chút được không?” Nếu đối phương nói không, hãy hỏi khi nào thì phù hợp. Đừng chấp nhận những câu trả lời dạng “chẳng bao giờ”.

Tiếp theo, bạn hãy cùng tự đánh giá mức độ nghiêm trọng. Việc này giúp bạn kiểm soát cảm xúc, tránh thổi phồng vấn đề. Hãy xếp hạng lời phàn nàn của bạn trên một thang điểm từ 1 đến 10, với 1 tương ứng với chuyện vặt vãnh, và 10 là "nếu không thay đổi thì anh sẽ rời đi."

Ví dụ: “Trên thang 1-10 thì anh cho đây là 3 điểm. Nhưng anh vẫn muốn mình cải thiện điều này.” Nếu là mức 8-9, bạn nên thành thật: “Anh lo rằng nếu chuyện này không cải thiện, chúng ta có thể chạm đến điểm không thể quay lại. Và anh không muốn điều đó xảy ra.”

Nghiên cứu của giáo sư E. Mavis Hetherington cho thấy: 25% nam giới hoàn toàn bất ngờ khi nhận đơn ly hôn từ vợ. Có thể bạn nghĩ mình đã ngầm thể hiện sự không hài lòng, nhưng chồng bạn thì không nhận ra điều đó. Vì vậy, hãy nói rõ – chứ đừng chờ đến khi mọi thứ vượt quá giới hạn.

Một chiến lược hiệu quả là dùng “bánh mì kẹp lời khen”: khen trước - góp ý - cảm ơn sau. Ví dụ: “Anh là người bố rất tuyệt vời, em rất biết ơn điều đó. Nhưng em cũng lo là khi anh la các con lớn tiếng, tụi nhỏ sẽ thấy sợ hãi mà không dám gần anh nữa.”

Đừng quên chia sẻ cả sự khó khăn của chính bạn khi bày tỏ như một cách mời gọi sự cảm thông. Và cuối cùng, hãy kết thúc bằng sự biết ơn: “Cảm ơn anh vì đã chịu nghe em nói ra điều này.”

Phàn nàn không phải là phá vỡ, mà là xây dựng

Có thể bạn lo rằng việc góp ý sẽ khiến đối phương tổn thương. Nhưng có một sự thật là: người yêu thương bạn sẽ muốn biết điều gì khiến bạn không vui để cải thiện.

Ngược lại, khi những cảm xúc bị kìm nén quá lâu, nó sẽ âm ỉ và biến thành sự xa cách, oán giận. Và đến một ngày, có thể bạn hoặc người kia sẽ ngỡ ngàng khi một trong hai nói muốn dừng lại, vì vốn dĩ cả hai chưa từng biết đối phương đã buồn đến như thế nào.

Một mối quan hệ bền vững không phải là mối quan hệ không bao giờ có mâu thuẫn. Đó là mối quan hệ mà ở đó, hai người có thể an toàn để nói thật và vẫn chọn ở lại với nhau sau cuộc đối thoại.

Học cách nói ra đúng lúc, đúng cách không chỉ là nghệ thuật giao tiếp, mà còn là hành động của sự trưởng thành và yêu thương.

An