ỦA VẬY HẢ?

Đang thi đấu thì tạm dừng đi vệ sinh - Gian lận hay tâm lý chiến?

Hải Bình 08/07/2025 18:45

Trong mọi bộ môn thi đấu luôn luôn tồn tại những vùng xám - nơi không phải luật bị phá vỡ, mà là bị tận dụng đến giới hạn.

Hãy cùng nhìn đến tâm điểm thời gian gần đây ở bộ môn quần vợt, khi Laura Siegemund đang khiến cả Wimbledon chú ý - cô bước vào tứ kết với đầy đủ “chiêu” trong túi, sẵn sàng đối đầu với hạt giống số 1 Aryna Sabalenka.

Laura Siegemund Wimbledon 2025

Siegemund - người chơi chậm, tâm lý mạnh và khó đoán

Nổi tiếng là một trong những tay vợt chơi chậm nhất giải, Siegemund thường xuyên kéo dài thời gian giữa các điểm, tạm dừng trong động tác giao bóng và thay vợt liên tục - kể cả trong game đang diễn ra. Những động thái tưởng như nhỏ ấy đủ để phá nhịp đối thủ. Cô còn tốt nghiệp ngành tâm lý học, giúp khả năng “đọc vị” và khuấy đảo tâm lý đối phương thêm phần tinh tế.

Trong trận vòng 4 gặp tay vợt trẻ Solana Sierra, Siegemund đến trễ 5 phút, khiến đối thủ đứng chờ trong lúng túng. Khi trận đấu bắt đầu, cô thi triển mọi thủ thuật quen thuộc: kéo dài thời gian, thay vợt giữa game, và tung những cú bỏ nhỏ khó đoán. Cách cô kiểm soát nhịp độ trận đấu khiến người xem không khỏi nghĩ đến những “nghệ sĩ bóng tối” trong thể thao.

“Tôi không cố tình gây rối,” Siegemund từng nói. “Tôi chỉ luôn là người chậm chạp như vậy. Tôi làm vì bản thân, không nhằm vào ai.”

Tâm lý là vũ khí và sự khó chịu là hệ quả

Nhiều tay vợt nữ thừa nhận cảm thấy “bị làm phiền” khi thi đấu với Siegemund. Naomi Osaka từng nói: “Một phần chiến thuật của cô ấy là tìm cách khiến đối thủ mất tập trung.”

Năm ngoái tại US Open, Siegemund bị khán giả Mỹ la ó vì chơi quá chậm trước Coco Gauff. Trọng tài đã phạt cô vì vi phạm thời gian. Sau trận, cô nghẹn ngào: “Tôi thật sự thất vọng vì cách mọi người đối xử với tôi. Họ chẳng có chút tôn trọng nào.”

Coco Gauff thì phản pháo: “Cô ấy đã vượt thời gian từ set đầu tiên, và tôi im lặng. Nhưng khi khán giả bắt đầu phản ứng, bạn sẽ thấy họ hô ‘Time!’ hay làm động tác xem đồng hồ.”

Mánh khóe hợp pháp: MTO và toilet break

Ngoài nhịp độ trận đấu, hai công cụ thường gây tranh cãi nhất là Medical Timeout (MTO) và toilet break. Dù hợp lệ, chúng dễ bị lạm dụng nhằm phá nhịp đối thủ - một cách chơi không đẹp nhưng khó bắt lỗi.

Maria Sharapova từng châm biếm Ana Ivanovic khi cô này xin MTO giữa set đấu năm 2014: “Kiểm tra huyết áp cô ấy đi!”

Andy Murray nổi giận khi Stefanos Tsitsipas mất 8 phút vào nhà vệ sinh tại US Open 2021, khiến anh phải thốt lên: “Tôi mất hết tôn trọng với cậu ta.” Tsitsipas không vi phạm luật, nhưng rõ ràng khiến trận đấu “rối loạn nhịp”.

Một nghiên cứu của Đại học Manchester gần đây cho thấy: những tay vợt sử dụng toilet break có tỷ lệ thắng set tiếp theo cao hơn đáng kể.

Siegemund cũng từng khiến Paula Badosa khó chịu tại Miami Open khi kết hợp một toilet break 11 phút và một MTO kéo dài 14 phút trong cùng trận. Dù vẫn trong giới hạn cho phép, hành vi này rõ ràng khiến đối thủ mất bình tĩnh và nhịp độ.

Tranh cãi quanh giới hạn chưa rõ ràng của luật

Tennis đã cố siết chặt quy định, như giới hạn toilet break tối đa 3 phút, chỉ được sử dụng khi kết thúc set. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Ví dụ như: giữa giao bóng 1 và giao bóng 2 không có đồng hồ bấm giờ. Điều này cho phép những trận đấu như giữa Cameron Norrie và Nicolás Jarry trở thành “cuộc chiến gián tiếp”, khi cả hai thay nhau… đếm nhịp bóng đến hàng chục lần để đối đầu về tâm lý.

Hay như việc “gào to” giữa điểm - một chiêu bị chỉ trích khi Sabalenka từng dùng tiếng gầm kéo dài gây mất tập trung cho đối phương.

Một số hành vi khó xử lý khác gồm: giả vờ đau, xin đổi giày giữa game, hoặc “vô tình” đánh bóng thẳng vào người đối thủ ở cự ly gần - như trường hợp Ben Shelton bị tố cáo tại Monte-Carlo.

Chiến thắng tâm lý có chấp nhận được không?

Không phải tay vợt nào cũng đồng tình với những “chiêu” này, nhưng có một thực tế: nhiều người từng gây bất ngờ trước các huyền thoại như Nadal hay Serena là nhờ... không e dè mà sẵn sàng chơi "rắn".

Như Robin Söderling, người đầu tiên đánh bại Nadal tại Roland Garros, từng nói: “Muốn thắng, bạn phải làm đối thủ mất bình tĩnh. Đó là một phần của cuộc chơi.”

Câu hỏi đặt ra: liệu những hành vi ấy là gian lận, hay chỉ là phần “tối” nhưng không phạm luật của thể thao đỉnh cao?

Dù gây tranh cãi, những chiêu trò này không hề biến mất khỏi tennis, hay thậm chí ở bất kì môn thể thao nào, vì đơn giản: luật vẫn còn kẽ hở, và chiến thắng vẫn là mục tiêu tối thượng.

Hải Bình