ỦA VẬY HẢ?

Nghiên cứu của MIT: ChatGPT có thể làm người dùng "mất não"

Phuong Anh 04/07/2025 15:30

Từ khi ChatGPT ra mắt gần ba năm trước, tác động của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đối với việc học tập đã gây nhiều tranh luận.

Liệu đây là công cụ hỗ trợ cá nhân hóa giáo dục hay “cánh cửa” dẫn đến gian lận học thuật?

Quan trọng hơn, nhiều người lo ngại rằng việc sử dụng AI sẽ dẫn đến tình trạng năng lực tư duy phản biện suy giảm. Lập luận cho rằng nếu học sinh dùng AI quá sớm, họ có thể không phát triển được kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề cơ bản.

Điều đó có thực sự đúng? Theo một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học MIT, dường như đúng vậy. Họ cho rằng việc dùng ChatGPT hỗ trợ viết bài luận có thể dẫn đến “khoản nợ nhận thức” (cognitive debt) và “giảm khả năng học tập”.

ChatGPT

Sự khác biệt giữa dùng AI và tự làm

Trong bốn tháng, nhóm nghiên cứu MIT yêu cầu 54 người lớn viết ba bài luận bằng AI (ChatGPT), công cụ tìm kiếm, hoặc tự viết (“nhóm chỉ dùng não”). Sau đó, họ đo mức độ tham gia nhận thức bằng cách phân tích hoạt động điện não và ngôn ngữ trong bài luận.

Nhóm dùng AI có mức tham gia nhận thức thấp hơn rõ rệt so với hai nhóm còn lại. Họ cũng khó nhớ trích dẫn từ bài viết của mình và ít cảm thấy sở hữu sản phẩm hơn.

Đáng chú ý, khi đổi vai ở bài luận thứ tư (nhóm tự viết chuyển sang dùng AI và ngược lại), nhóm từ AI sang tự viết thể hiện kém hơn, mức độ tham gia chỉ nhỉnh hơn một chút so với lúc họ dùng AI, thấp hơn nhiều so với nhóm tự viết ở buổi thứ ba.

Tác giả nghiên cứu cho rằng điều này chứng tỏ việc dùng AI lâu dài khiến người tham gia “nợ nhận thức”. Khi buộc phải tự viết, họ không thể đạt mức tập trung như nhóm kia.

Tuy vậy, chỉ có 18 người hoàn thành buổi thứ tư, nên kết quả chỉ mang tính sơ bộ và cần nghiên cứu thêm.

Có thực sự chứng minh AI làm chúng ta “mất não”?

Những kết quả này chưa chắc đã chứng minh việc dùng AI tạo ra “khoản nợ nhận thức”. Nhiều khả năng, đây là tác động của “hiệu ứng làm quen”. Khi lặp lại cùng một nhiệm vụ, người tham gia dần thành thạo hơn và chiến lược tư duy thích ứng.

Khi nhóm dùng AI cuối cùng mới tự viết, họ chỉ mới thực hiện một lần, không thể sánh với kinh nghiệm ba lần của nhóm kia. Họ chỉ đạt mức tham gia tương đương nhóm tự viết ở buổi đầu tiên.

Để khẳng định chắc chắn, cần cho nhóm này làm thêm ba bài không dùng AI.

ChatGPT

Ý nghĩa của AI trong giáo dục

Chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ lịch sử máy tính cầm tay. Thập niên 1970, khi máy tính được dùng phổ biến, kỳ thi trở nên khó hơn: học sinh không còn cộng trừ nhân chia đơn thuần, mà phải vận dụng máy tính giải bài toán phức tạp hơn.

Nghĩa là tiêu chuẩn được nâng cao, khiến người học phải nỗ lực tương đương hoặc hơn trước.

Với AI, vấn đề là nhiều giáo viên chưa nâng tiêu chuẩn tương ứng. Họ vẫn yêu cầu học sinh làm những việc y hệt 5 - 10 năm trước. Trong bối cảnh đó, AI dễ trở thành công cụ để “trốn tránh” tư duy, dẫn đến “lười siêu nhận thức”.

Tuy nhiên, giống máy tính, AI hoàn toàn có thể giúp con người làm những việc trước đây không thể và vẫn đòi hỏi sự tham gia tích cực. Ví dụ, sinh viên sư phạm có thể dùng AI soạn giáo án chi tiết, sau đó bảo vệ và giải thích trước hội đồng.

Học cách sử dụng AI hiệu quả

Thế hệ hiện tại và tương lai vẫn cần kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo và giải quyết vấn đề. Nhưng AI đang làm thay đổi ý nghĩa của những kỹ năng đó.

Việc viết luận bằng bút giấy không còn là minh chứng duy nhất cho năng lực tư duy phản biện, cũng như làm phép chia dài không còn là minh chứng duy nhất cho năng lực tính toán.

Biết lúc nào, ở đâu và cách dùng AI mới là chìa khóa thành công lâu dài. Việc ưu tiên nhiệm vụ nào nên để AI hỗ trợ, nhiệm vụ nào cần năng lực sáng tạo và phán đoán con người, là điều quan trọng không kém bản thân kỹ năng chuyên môn.

Phuong Anh