Ngủ trưa quá lâu có thể liên quan đến nguy cơ tử vong cao
Ngủ trưa từ lâu được coi là bí quyết tái tạo và duy trì hiệu suất. Nhưng một nghiên cứu đã phát hiện, nếu bạn ngủ quá lâu, đó có thể là dấu hiệu không tốt.
Nghiên cứu được thực hiện trên hơn 86.000 người tại Anh ở độ tuổi từ 43 đến 79. Dữ liệu thu thập bao gồm: nhật ký ngủ trưa tự báo cáo và thông tin khách quan từ thiết bị đeo tay. Các nhà khoa học không chỉ quan tâm độ dài giấc ngủ, mà còn để ý đến thời điểm và mức độ thay đổi so với thói quen trước đó.
Kết quả cho thấy: những người ngủ trưa dài hơn 60 phút, có thói quen ngủ trưa biến đổi thất thường (lúc ngắn lúc dài) và hay ngủ vào khoảng trưa – đầu giờ chiều, có nguy cơ tử vong cao hơn nhóm khác. Dù nghiên cứu vẫn chờ đánh giá bình duyệt, nó đã thu hút nhiều sự chú ý.

Tiến sĩ Ashley Curtis, giám đốc Phòng thí nghiệm CASH Lab tại Đại học Nam Florida, giải thích: “Ngủ trưa không xấu. Trong nhiều trường hợp, một giấc ngủ ngắn dưới 30 phút giúp người cao tuổi cải thiện nhận thức và giảm mệt mỏi. Nhưng ngủ quá lâu, hoặc liên tục thay đổi thói quen, lại là dấu hiệu tiềm ẩn vấn đề sức khỏe.”
Ngủ trưa quá lâu không phải nguyên nhân, mà là dấu hiệu cảnh báo
Ngủ trưa dài không phải nguyên nhân trực tiếp gây tử vong, nhưng có thể phản ánh chất lượng giấc ngủ đêm kém hoặc rối loạn như ngưng thở khi ngủ.
Những người gặp rối loạn này thường ngủ đêm không sâu, khiến ban ngày buồn ngủ, phải ngủ bù. Đây lại chính là các yếu tố nguy cơ đã được chứng minh liên quan đến các bệnh tim mạch và tỷ lệ tử vong cao hơn.
Thêm vào đó, ngủ trưa thất thường cũng được cho là liên quan đến tình trạng viêm mạn tính nhẹ trong cơ thể – yếu tố đóng vai trò trong hàng loạt bệnh mạn tính: béo phì, tiểu đường, đột quỵ, cao huyết áp và loãng xương.
Điều đáng chú ý là không chỉ thời lượng ngủ trưa, mà cả thay đổi thói quen so với trước đây cũng mang thông điệp cảnh báo. Nếu một người vốn ngủ trưa ngắn nay đột ngột chuyển sang giấc ngủ dài hơn, đó có thể là dấu hiệu bất thường.
Tin vui là những nguy cơ này có thể giảm xuống nhờ vào lối sống lành mạnh. Trích dẫn nghiên cứu cho thấy, nếu duy trì tối thiểu 150 phút hoạt động thể chất mức trung bình (như đi bộ nhanh, bơi, khiêu vũ) hoặc 75 phút vận động mạnh mỗi tuần giúp giảm tác động bất lợi của ngủ trưa dài.
Ngoài ra, duy trì chất lượng giấc ngủ đêm tốt, hạn chế caffeine, rượu, và quản lý stress cũng được khuyến khích.

Nam và nữ khác nhau thế nào?
Một điểm thú vị là nghiên cứu phát hiện sự khác biệt giữa giới tính. Ở nam giới lớn tuổi, ngủ đêm dưới 6 giờ kết hợp ngủ trưa trên 30 phút đi kèm nguy cơ tử vong cao hơn rõ rệt. Tuy nhiên, xu hướng này không thấy rõ ở phụ nữ.
Một phần bởi vì, nam giới có tỷ lệ ngưng thở khi ngủ và tiểu đêm cao hơn – cả hai đều làm giấc ngủ đêm kém chất lượng, dẫn đến ngủ bù ban ngày.
Tiến sĩ Ashley Curtis nhấn mạnh: “Mối quan hệ giữa ngủ trưa và tử vong phức tạp hơn nhiều so với chúng ta tưởng. Nó bị chi phối bởi tuổi tác, bệnh nền, chất lượng giấc ngủ ban đêm, hoạt động thể chất và cả yếu tố giới tính.”
Dù cần thêm nghiên cứu để hiểu rõ cơ chế, công trình này gợi ý rằng việc theo dõi thói quen ngủ trưa có thể giúp phát hiện sớm những nguy cơ tiềm ẩn và cải thiện sức khỏe về lâu dài.