ỦA VẬY HẢ?

Vì sao muỗi chỉ đốt một mình bạn?

Quỳnh Như 26/06/2025 15:00

Nếu bạn thường xuyên là “nạn nhân” trong các buổi dã ngoại hay đơn giản là ngồi trong sân vườn vào buổi tối, còn người bên cạnh thì không bị đốt phát nào, rất có thể cơ thể bạn đang thu hút muỗi hơn mức bình thường.

Có thể mùi cơ thể của bạn là gu của muỗi

Nghiên cứu mang tên Sự khác biệt trong việc muỗi bị thu hút bởi con người liên quan đến mức độ axit carboxylic trên da được công bố trên tạp chí Cell năm 2022 đã tiết lộ bí mật khiến một số người trở thành “nam châm hút muỗi”: chính là axit carboxylic – một nhóm hợp chất hóa học có trong chất tiết da người.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả gồm đến từ Viện nghiên cứu Rockefeller và các trung tâm khoa học tại Hoa Kỳ.

Một số quan niệm phổ biến như nhóm máu O “dễ bị cắn hơn”, ăn tỏi hay uống vitamin B giúp đuổi muỗi đều chưa có bằng chứng nhất quán trong khoa học. Trái lại, các hợp chất hóa học trên da, đặc biệt là nhóm axit carboxylic mới là yếu tố có ảnh hưởng mạnh mẽ và rõ ràng nhất đến quyết định của muỗi.

vet-muoi-can.jpg

Trong thử nghiệm, các nhà khoa học đã thu thập mùi da từ nhiều người khác nhau và quan sát phản ứng của muỗi. Kết quả cho thấy, một số người luôn luôn thu hút muỗi nhiều hơn những người còn lại, và mức độ này duy trì ổn định trong nhiều năm.

Khi phân tích hóa học, họ phát hiện da của những người bị muỗi "ưu ái" tiết ra lượng lớn axit carboxylic - một loại chất có trong bã nhờn và mồ hôi, tạo nên mùi đặc trưng của cơ thể.

Muỗi ngửi mùi da người như thế nào?

Muỗi không chỉ bay theo CO₂ mà con người thở ra, mà còn dùng hệ thống thụ thể hóa học trên râu để phân biệt mùi da. Đặc biệt, các thụ thể gọi là ionotropic receptors (IRs), gồm Ir8a, Ir25a và Ir76b, đóng vai trò quan trọng trong việc “ngửi” mùi axit carboxylic.

Khi các nhà khoa học tạo ra muỗi bị đột biến, thiếu các thụ thể này, khả năng phân biệt mùi da người của chúng suy giảm đáng kể dù chúng vẫn phân biệt được người nào “hấp dẫn” hơn.

Điều đó cho thấy: axit carboxylic chính là tín hiệu thu hút quan trọng mà muỗi sử dụng để chọn mục tiêu.

vi-sao-muoi-chi-can-mot-minh-ban-2-.jpg

Nghiên cứu mở đường cho cách phòng tránh mới

Việc phát hiện mối liên hệ giữa lượng axit carboxylic trên da và khả năng bị muỗi cắn giúp giải thích vì sao cùng một không gian, người này bị muỗi đốt liên tục còn người kia thì không sao.

Nghiên cứu cũng cho thấy mùi da người là “chữ ký sinh học” rất riêng, gần như không đổi trong nhiều tháng. Ngay cả sau một năm, những người từng được xếp vào nhóm “hấp dẫn” vẫn giữ nguyên mức độ thu hút muỗi so với nhóm còn lại. Điều này mở ra khả năng sử dụng mùi da như chỉ dấu để nghiên cứu y sinh, hoặc phát triển các phương pháp cá nhân hóa thuốc chống muỗi.

Thay vì chỉ dựa vào mùi hương lấn át như truyền thống, các sản phẩm tương lai có thể nhắm thẳng vào quá trình tạo hoặc cảm nhận axit carboxylic.

nhang-muoi.jpg

Quỳnh Như