i-HEALTH

Băng vệ sinh thông minh có thể phát hiện ung thư và các bệnh thông qua máu kinh nguyệt

Quỳnh Như 21/06/2025 19:39

Công nghệ có thể biến một thứ bị định kiến là nhạy cảm như băng vệ sinh trở nên hữu ích trong việc theo dõi sức khỏe phái nữ.

Một nhóm nghiên cứu tại ETH Zurich đã phát triển công nghệ MenstruAI có thể biến máu kinh nguyệt thành dữ liệu y khoa có thể “đọc” được, mở ra hướng tiếp cận hoàn toàn mới cho y học cá nhân hóa và sức khỏe phụ nữ.

bang-ve-sinh-thong-minh-co-the-phat-hien-ung-thu-va-benh-qua-mau-kinh-nguyet.jpg

Vì sao máu kinh nguyệt có thể trở thành nguồn dữ liệu y học?

Có hơn 1,8 tỷ người trên thế giới đang trải qua chu kỳ kinh nguyệt, nhưng trong suốt nhiều thập kỷ, máu kinh vẫn bị coi là chất thải không giá trị. Theo Lucas Dosnon - nghiên cứu sinh tại ETH Zurich và là tác giả chính của dự án cho biết điều này phản ánh “sự thiếu quan tâm có hệ thống đối với sức khỏe phụ nữ”.

Tuy nhiên, máu kinh nguyệt thực chất chứa hàng trăm loại protein, trong đó nhiều loại có liên hệ mật thiết với các chỉ dấu sinh học trong máu tĩnh mạch. Đây là cơ sở để các nhà khoa học tìm ra phương pháp xét nghiệm tiềm năng nhằm phát hiện sớm nhiều bệnh lý, từ viêm nhiễm cho đến ung thư.

Công nghệ MenstruAI: Đơn giản như một que test nhanh

Dựa trên nguyên lý xét nghiệm giấy, tương tự như que test COVID-19, MenstruAI tích hợp một dải cảm biến không dùng điện tử vào băng vệ sinh. Khi máu kinh tiếp xúc với dải thử, các phản ứng giữa kháng thể và protein tạo ra sự đổi màu và cường độ màu sắc sẽ tỷ lệ thuận với nồng độ protein tương ứng.

Cảm biến này được thiết kế nhỏ gọn, nằm trong khoang silicon linh hoạt, giúp giữ lượng máu vừa đủ để phân tích, tránh loang lổ hoặc sai lệch kết quả.

Người dùng chỉ cần chụp ảnh miếng băng đã sử dụng bằng điện thoại, sau đó ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ tự động phân tích màu sắc, đưa ra kết quả định lượng khách quan.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang tập trung vào ba chỉ dấu chính:

  • CRP - dấu hiệu viêm tổng quát
  • CEA - chỉ dấu ung thư thường gặp
  • CA-125 - có liên quan đến ung thư buồng trứng và lạc nội mạc tử cung

Nhiều protein khác đang được thử nghiệm để mở rộng phạm vi phân tích.

bang-ve-sinh-thong-minh.jpg

Đưa y học cá nhân hóa vào đời sống thường nhật

MenstruAI không yêu cầu thiết bị phòng thí nghiệm, chi phí thấp, dễ tiếp cận và có thể sử dụng tại những khu vực thiếu dịch vụ y tế.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng đây không phải là công cụ chẩn đoán thay thế y khoa, mà là hệ thống theo dõi sức khỏe cá nhân, giúp phát hiện bất thường và khuyến nghị người dùng nên đến bác sĩ khi cần thiết.

Một lợi thế khác của công nghệ này là khả năng theo dõi diễn tiến sức khỏe theo thời gian, giúp cá nhân hiểu rõ hơn về cơ thể mình, đồng thời cung cấp dữ liệu hữu ích cho bác sĩ trong quá trình chăm sóc lâu dài.

Phá vỡ định kiến, trao quyền cho phụ nữ

Vượt ra khỏi một dự án kỹ thuật, MenstruAI là tuyên ngôn về sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Theo giáo sư Inge Herrmann, trưởng nhóm nghiên cứu: khi nói về y tế cộng đồng, chúng ta không thể loại bỏ một nửa dân số chỉ vì họ là phụ nữ.

Ngay cả trong giới học thuật, nhóm nghiên cứu đã đối mặt với không ít sự hoài nghi, thậm chí chê bai là “ghê rợn” hay “bất khả thi”. Nhưng như Dosnon chia sẻ, những dự án dũng cảm mới có thể tạo ra sự thay đổi, phá vỡ khuôn mẫu hành vi và khơi thông những chủ đề còn nhiều e ngại như kinh nguyệt và sức khỏe sinh sản.

thau-hieu-suc-khoe-chi-em-phu-nu.jpg

Tạm kết

Công nghệ MenstruAI không đơn thuần là một thiết bị, mà là bước tiến thầm lặng của y học hướng tới sự thấu hiểu, cá nhân hóa và công bằng giới.

Khi một sản phẩm đơn giản như băng vệ sinh có thể trở thành công cụ theo dõi sức khỏe, chúng ta hiểu rằng: đổi mới không cần phải phức tạp, chỉ cần bắt đầu từ điều quen thuộc và từ lòng tin vào giá trị của từng cơ thể.

Quỳnh Như