TIN ĐÁNG TIN

Chúng ta cần biết gì về vi nhựa?

Hai Binh 23/05/2025 10:00

Làm thế nào để giảm tiếp xúc với vi nhựa? Có nên lo lắng về ảnh hưởng sức khỏe không? Dưới đây là những gì mà giới khoa học chia sẻ.

vi nhựa

Các tiêu đề báo gần đây đã dấy lên mối quan ngại về sự hiện diện của vi nhựa trong cơ thể con người và tác động tiêu cực tiềm tàng của chúng.

Giới chuyên gia cho rằng sẽ cần thêm nhiều năm nữa để hiểu rõ một cách toàn diện về việc vi nhựa ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào.

Nhưng, có một điều hiện nay có thể chắc chắn: chúng đã được tìm thấy ở khắp mọi nơi – từ đáy rãnh Mariana đến đỉnh Everest – và cũng đang tích tụ trong chính cơ thể của chúng ta.

Nhà sinh vật học biển Richard Thompson (ĐH Plymouth), người đặt ra thuật ngữ “microplastics” vào năm 2004, cho biết: “Không khí chúng ta hít thở, nước uống, thực phẩm – tất cả đều có vi nhựa."

Vi nhựa là gì?

Vi nhựa là các mảnh nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm. Nhỏ hơn nữa gọi là nano nhựa (nanoplastics), có kích thước dưới 1 micromet – chúng có khả năng xâm nhập vào máu và mô cơ thể cao nhất.

Theo tiến sĩ Jeffrey Farner, phần lớn vi nhựa bắt nguồn từ các sản phẩm nhựa lớn bị phân rã do sử dụng hoặc xử lý không đúng cách – như vật liệu xây dựng ngoài trời, hệ thống tưới tiêu trong nông nghiệp, hay bao bì thực phẩm.

Hơn 1/3 lượng nhựa toàn cầu sản xuất hiện nay là bao bì, đặc biệt là các sản phẩm dùng một lần như hộp đựng thực phẩm. Khi những vật dụng này ra môi trường, chúng bị tác động bởi ánh nắng, nhiệt và cọ xát, rồi phân rã thành vô số vi nhựa và nano nhựa.

vi nhựa trên bãi biển

Vi nhựa vào cơ thể như thế nào?

Các mảnh nhựa nhỏ này xâm nhập vào không khí, đất, nước và cả thực phẩm. Ví dụ, ma sát từ lốp xe tạo ra vi nhựa phát tán trong môi trường. Vi nhựa bị lọc khỏi nước thải sau xử lý lại trở thành phân bón nông nghiệp. Đầu lọc thuốc lá chứa nhựa cũng rơi xuống sông biển và phân hủy dần.

Con người hít vào hoặc nuốt phải các hạt này. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng cây trồng có thể hút vi nhựa từ đất qua rễ. Vi nhựa tích tụ theo chuỗi thức ăn – càng ở vị trí cao, lượng tích tụ càng lớn.

Ngoài ra, theo tiến sĩ Tracey Woodruff, chuyên gia về sức khỏe sinh sản tại ĐH California, San Francisco, vi nhựa còn có thể thẩm thấu qua da thông qua mỹ phẩm và quần áo tổng hợp,

Tuy cơ thể có thể thải ra một phần vi nhựa qua phân và nước tiểu, nhưng phần còn lại có thể xuyên qua ruột, vào máu, và di chuyển đến gan hoặc não.

Một nghiên cứu ở nòng nọc cho thấy khoảng 60–70% vi nhựa được thải ra, phần còn lại đi vào nội tạng.

Vi nhựa ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào?

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy vi nhựa có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, đặc biệt là chất lượng tinh trùng, làm tổn thương phổi, ruột và thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư phổi, đại tràng. Nhiều bằng chứng cũng cho thấy vi nhựa làm suy yếu hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, tiến sĩ Christy Tyler cho biết việc ngoại suy từ động vật sang người cần thận trọng, do liều lượng trong thí nghiệm thường cao hơn nhiều so với mức phơi nhiễm thực tế.

Dù vậy, các nghiên cứu ban đầu ở người cũng ghi nhận mối liên hệ giữa vi nhựa và sinh non, viêm nhiễm, bệnh tim mạch.

Ngoài ra, các hóa chất đi kèm vi nhựa như PFAS, bisphenol A và phthalates từ lâu đã bị cảnh báo gây rối loạn nội tiết, ung thư và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Làm sao để giảm tiếp xúc với vi nhựa?

  • Không uống nước trong chai nhựa đã phơi nắng vì đây là một nguồn gây rò rỉ hạt nhựa và hóa chất độc hại.
  • Không hâm nóng thức ăn trong hộp nhựa mà hãy chuyển sang dùng thủy tinh hoặc sứ.
  • Ăn nhiều rau củ tươi, hạn chế đồ ăn chế biến sẵn vì chúng chứa ít vi nhựa hơn.
  • Lau nhà bằng khăn ướt, hút bụi thường xuyên và dùng máy lọc không khí HEPA sẽ giúp giảm hít phải vi nhựa trong không khí.
  • Giặt quần áo sợi tổng hợp trước khi mặc để giảm lượng vi nhựa rơi ra từ quá trình may mặc. Tuy nhiên, cách tốt nhất là dùng vải tự nhiên như cotton hoặc len.

Dù vậy, các chuyên gia thừa nhận: những biện pháp cá nhân chỉ có tác dụng giới hạn. "Không nên để mọi gánh nặng dồn lên người tiêu dùng," tiến sĩ Tyler nói. "Việc cắt giảm nhựa không cần thiết cần đến chính sách cấp quốc gia."

Một số quốc gia đã bắt đầu hành động – Mỹ và châu Âu cấm vi hạt nhựa trong mỹ phẩm, một số bang của Mỹ loại bỏ xốp nhựa khỏi đóng gói thực phẩm. 175 quốc gia cũng đang hợp tác với Liên Hợp Quốc để đàm phán hiệp ước toàn cầu chấm dứt ô nhiễm nhựa.

“So với 20 năm trước, giờ đây công chúng đã sẵn sàng thay đổi,” tiến sĩ Thompson lạc quan kết luận.

Hai Binh