Bí ẩn hiện tượng "biển sữa" khiến đại dương phát sáng
Trong suốt hơn 400 năm qua, các thủy thủ đã ghi nhận một hiện tượng biển phát sáng kỳ lạ, được gọi là “biển sữa” (milky sea). Khi đó, mặt biển từ chân trời bên này đến bên kia sáng rực lên như phát quang, tạo nên cảnh tượng huyền bí khó quên.

Bước tiến mới trong nghiên cứu về biển sữa
Các ghi chép cho thấy sự kiện biển sữa này hiếm khi xảy ra, chủ yếu ở những vùng biển xa xôi như biển Ả Rập hoặc khu vực Đông Nam Á. Ví dụ, vào năm 1967, sĩ quan J. Brunskill từng mô tả biển phát sáng nhẹ sau khi mặt trăng lặn, còn vào năm 1976, thuyền trưởng P.W. Price kể rằng con tàu của ông như đang lướt trên một “mặt biển màu xanh lục sáng rực”.
Hiện tượng này khó nghiên cứu do xảy ra ở nơi hẻo lánh và không có nhiều người tận mắt chứng kiến. Nhưng mới đây, một bước tiến quan trọng đã xuất hiện: nhà nghiên cứu Justin Hudson từ Đại học Bang Colorado đã tập hợp hơn 400 trường hợp từng ghi nhận “biển sữa”, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc dự đoán và nghiên cứu sâu hơn.

Biển sữa khác gì với hiện tượng tảo biển phát quang?
Khác với hiện tượng phát sáng do tảo biển phát quang thường thấy gần bờ, biển sữa có ánh sáng trắng-xanh nhạt, lan rộng hàng trăm ngàn km², có thể nhìn thấy từ không gian. Ánh sáng này không chớp nháy mà phát ra đều đặn, đủ sáng để có thể đọc sách giữa đêm tối.Nguyên nhân được cho là do vi khuẩn phát quang Vibrio harveyi tạo ra. Năm 1985, một tàu nghiên cứu vô tình thu thập được mẫu nước giữa một sự kiện biển sữa và phát hiện loại vi khuẩn này với mật độ cao. Tuy nhiên, vẫn chưa ai biết chính xác điều kiện nào khiến hàng tỷ vi khuẩn này phát sáng đồng loạt và đồng nhất đến vậy.Giáo sư Steven Miller, đồng tác giả nghiên cứu và người đã theo dõi hiện tượng này nhiều năm, nhận định: “Chúng tôi mới chỉ biết phần nổi của tảng băng chìm. Những gì đang diễn ra trong lòng biển vẫn là một bí ẩn”.
Biển sữa có tác động như thế nào?
Một trong những câu hỏi lớn nhất là biển sữa ảnh hưởng như thế nào đến hệ sinh thái biển. Liệu đây là dấu hiệu của một hệ sinh thái khỏe mạnh, hay ngược lại là một tín hiệu cảnh báo? Cho đến nay, câu trả lời vẫn chưa rõ ràng.Một giả thuyết cho rằng vi khuẩn phát sáng để thu hút cá ăn chúng, từ đó cư trú trong hệ tiêu hóa của cá – nơi giúp vi khuẩn tiếp tục sinh tồn. Điều này hoàn toàn khác với cơ chế phòng vệ của các sinh vật phát quang thông thường như tảo dinoflagellate.Các nhà khoa học như tiến sĩ Edith Widder – người dành cả sự nghiệp nghiên cứu sinh vật phát quang – cũng chưa từng tận mắt chứng kiến biển sữa. Bà đặt ra câu hỏi: “Nếu ánh sáng phá vỡ bóng tối ban đêm, liệu những sinh vật vốn sống dựa vào bóng tối để săn mồi hoặc ẩn nấp sẽ bị ảnh hưởng ra sao?”
Theo: CNN Science