Dầu và quả ô liu đều tốt cho sức khỏe, vậy còn lá ô liu thì sao?
Dầu ô liu gắn liền với chế độ ăn Địa Trung Hải làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, tiểu đường và tử vong sớm. Quả ô-liu cũng chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Vậy còn lá ô liu có lợi ích gì không?

Có gì trong lá ô liu?
Từ xưa ở khu vực Địa Trung Hải, người ta thường pha lá ô liu để làm trà, dùng để hạ sốt và điều trị sốt rét. Lá ô liu chứa hàm lượng cao một loại chất chống ôxy hóa gọi là oleuropein. Quả ô liu và dầu ô liu cũng có chất này, nhưng với nồng độ thấp hơn.Thông thường, lá càng xanh (hay càng ít ngả vàng) thì càng chứa nhiều oleuropein. Lá ô liu hái vào mùa xuân cũng có hàm lượng oleuropein cao hơn so với mùa thu, cho thấy khi lá già đi, hàm lượng oleuropein giảm xuống. Ngoài ra, lá ô liu còn chứa các chất chống ôxy hóa khác như hydroxytyrosol, luteolin, apigenin và verbascoside.Chất chống ôxy hóa hoạt động bằng cách giảm căng thẳng ôxy hóa (oxidative stress) trong cơ thể. Căng thẳng ôxy hóa có thể gây tổn thương DNA, màng tế bào và mô, dẫn đến các bệnh mạn tính như ung thư và bệnh tim.Lá ô liu có tốt cho sức khỏe không?
Một tổng quan và phân tích (review and meta-analysis) đã gộp dữ liệu từ 12 nghiên cứu thực nghiệm với tổng cộng 819 người tham gia. Kết quả cho thấy, chiết xuất lá ô liu cải thiện các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tim, bao gồm cả việc giúp giữ mức mỡ máu (lipid) lành mạnh và hạ huyết áp.Hiệu quả này đặc biệt rõ rệt hơn ở những người vốn đã bị cao huyết áp. Phần lớn các nghiên cứu trong tổng quan này cung cấp chiết xuất lá ô liu dưới dạng viên nang, với liều dùng 500 miligam đến 5 gam mỗi ngày trong khoảng từ 6 đến 48 tuần.Một tổng quan khác, công bố vào cuối năm ngoái, cũng phân tích dữ liệu từ 12 nghiên cứu thực nghiệm với 703 người tham gia. Một số nghiên cứu tập trung vào người có mỡ máu cao, người bị cao huyết áp, người thừa cân hoặc béo phì, và một số khác nghiên cứu trên nhóm người khỏe mạnh. Liều dùng dao động từ 250 đến 1.000 mg/ngày, sử dụng dưới dạng viên nén hoặc được đưa vào bánh mì.
Có thể ăn lá ô liu không?
Người ta có thể dùng lá ô-liu để pha trà hoặc cho vào salad. Một số người còn xay lá ô liu để làm sinh tố.Tuy nhiên, lá ô liu có vị đắng do chứa nhiều chất chống ôxy hóa, khiến chúng khó ăn hoặc trà có vị khó uống.Chiết xuất lá ô liu cũng được thêm vào bánh mì và một số loại bánh nướng khác. Các nhà nghiên cứu nhận thấy cách này giúp tăng hàm lượng chất chống ôxy hóa trong sản phẩm, đồng thời món ăn cũng có vị ngon hơn.