Liệu A.I có thay thế giáo viên trong tương lai?
Trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (A.I), nhiều người lo ngại rằng công nghệ này sẽ thay thế vai trò của giáo viên trong giáo dục. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng A.I không thể thay thế được những giá trị cốt lõi mà giáo viên mang lại cho học sinh.

Sự bất bình đẳng trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo
Khi nói đến trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, nhiều người chỉ chú ý đến tác động hiện tại hoặc tương lai của công nghệ này. Nhưng chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng cách A.I ảnh hưởng đến những người đang dạy dỗ thế hệ trẻ để họ có thể sống hạnh phúc và thành công trong tương lai.Theo một khảo sát toàn cầu gần đây, 60% phụ huynh và giáo viên không hoàn toàn tin tưởng vào các hệ thống A.I, và 71% cảm thấy lo lắng về những rủi ro mà công nghệ này có thể mang lại. David Edwards, Tổng thư ký của tổ chức Education International, cho rằng giáo viên nên đóng vai trò trung tâm trong các cuộc thảo luận về A.I trong giáo dục.Ông nhấn mạnh rằng lợi ích của công nghệ mới này cần đến tay mọi học sinh tại mọi trường học. Ông nói, “Giáo dục là nơi chúng ta xây dựng xã hội và nền dân chủ. Ở đây, chúng ta dệt nên câu chuyện về bản thân và về tương lai mà chúng ta mong muốn.”A.I có khả năng mang lại sự tiến bộ cho hệ thống giáo dục toàn cầu, giúp cải thiện kết quả học tập và trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết cho công việc trong tương lai. Tuy nhiên, để đạt được điều này, nó cần được triển khai một cách công bằng và không làm gia tăng bất bình đẳng trong giáo dục.Hiện vẫn còn hơn 2,6 tỷ người trên thế giới không có truy cập internet cơ bản, và việc áp dụng A.I mà không tính đến sự bình đẳng có thể làm sâu sắc thêm khoảng cách này. Nếu không có sự tương tác con người, những học sinh không có điều kiện sẽ chỉ được học với các chatbot mà không nhận được sự hỗ trợ và định hướng từ giáo viên.
'Giáo dục không chỉ là truyền kiến thức, mà còn là nuôi dưỡng, định hướng, xoa dịu và hạn chế tối đa nhũng tiêu cực ở người học'
Giáo viên hiện nay vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và duy trì những giá trị xã hội và nhân văn trong giáo dục. Họ không chỉ là những người truyền đạt kiến thức mà còn là những người hướng dẫn, tạo ra sự kết nối và hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập. Học sinh cần sự tương tác, cảm thông và hướng dẫn từ giáo viên để phát triển không chỉ về mặt học thuật mà còn về mặt cảm xúc và xã hội.Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh, hiện công tác tại Khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, A.I sẽ không giờ thay thế được các nhà giáo. Cô cho rằng: "Không gì có thể thay thế được người thầy, người cô đứng trên bục giảng. Bởi vì công việc giáo dục không đơn giản chỉ truyền kiến thức. Nếu như chỉ là truyền kiến thức, thì xin thưa, các bạn có thể về đọc giáo trình, các bạn lên Google,... đến trường để làm gì."Tiến sĩ giải thích thêm: "Ở đây, công việc giáo dục, giảng dạy ngoài việc truyền kiến thức ra, người giáo viên còn có nhiệm vụ là nuôi dưỡng và làm phát triển cái tâm hồn của người học. Định hướng đúng đắn, những điều tích cực cho người học. Xoa dịu, vuốt ve, vỗ về những tổn thường và hạn chế đến mức tối đa những suy nghĩ, những điều tiêu cực, chưa tốt ở cái tuổi mà các bạn va vấp"."Có nghĩa là bên cạnh việc 'dạy', chúng ta còn 'dỗ' nữa. Cái nghề giáo là cái nghề rất đặc biệt, nó là một nghề vừa phải khoa học, vừa phải nghệ thuật. Khoa học chính là việc truyền thông tin, kiến thức cho đúng, cho đủ, phương pháp làm sao cho hay. Nhưng nó nghệ thuật ở chỗ là, chúng ta nói làm sao để cho học sinh của chúng ta không phải chỉ học để đầy đủ môn, mà học để còn làm người."