Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm dịp Tết bằng cách nào? - Doctor247

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm dịp Tết bằng cách nào?

So với ngày thường, những dịp lễ, Tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm của người dân tăng cao. Do đó, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết cần được chú trọng hơn.

Người dân cần lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm đúng cách mùa Tết nguyên đán – Ảnh minh hoạ

TS-BS Đặng Ngọc Quý Huệ, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất lưu ý, người dân cần biết lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm đúng cách để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Theo BS Quý Huệ, trong dịp Tết, nhiều gia đình trữ khá nhiều thức ăn trong tủ lạnh, bao gồm cả thức ăn chín và thức ăn sống. Người dân thường có tâm lý ăn nhanh, ăn vội để đi chơi hay sử dụng rượu, bia để chúc tụng nhau… Việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn hoặc uống quá nhiều bia, rượu trong dịp Tết là nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Những dấu hiệu nhận biết của ngộ độc thực phẩm là đau bụng từng cơn, đau âm ỉ, nôn ói, tiêu chảy, sốt, đau đầu, chóng mặt. Nếu ngộ độc do virus thì các triệu chứng sẽ tự hết trong 1 ngày, nhưng nếu ngộ độc do các tác nhân khác thì vài ngày sau mới hết. Những trường hợp ngộ độc đặc biệt như ngộ độc Botulinum (thường do sử dụng thức ăn đóng hộp bị nhiễm khuẩn) ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe, khiến người bệnh bị liệt cơ, sụp mí mắt, khó thở… phải thở máy và điều trị bằng thuốc giải độc, thời gian điều trị kéo dài có khi vài tháng.

Nếu người có bệnh nền nặng kèm ngộ độc thức ăn thì tình hình bệnh sẽ ngày càng nặng, nhiều trường hợp mất nước nhiều, không đo được huyết áp, mạch.

Nếu có triệu chứng của ngộ độc thực phẩm, cần kích thích dạ dày để người bệnh nôn ói chủ động như uống nước muối, uống oresol để bù nước, bù điện giải. Nếu bệnh nhân có sốt, mệt mỏi, đi đứng liêu xiêu, cần đưa đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, điều trị.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, BS Quý Huệ khuyến cáo người dân cần lưu ý khi mua và chế biến các loại thực phẩm có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn, gây ngộ độc như: các loại hải sản, thịt tươi sống, rau, hoa quả tươi. Cần mua những thực phẩm còn mới, tươi, rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, không nên mua những thực phẩm gần hoặc đã hết hạn sử dụng.

Sau khi mua thực phẩm về, cần phân loại thực phẩm, bảo quản riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín. Những loại thịt tươi sống nên bỏ vào ngăn đá để bảo quản sớm nếu chưa sử dụng đến. Không nên chế biến quá nhiều thực phẩm, chỉ chế biến vừa đủ để ăn trong ngày.

Thực phẩm ăn không hết, trước khi bỏ vào tủ lạnh cần bọc lại bằng màng bọc, để riêng để tránh bị nhiễm khuẩn. Không nên ăn những thức ăn dư và bảo quản quá lâu trong tủ lạnh.

Khi đi ăn ở bên ngoài, nên lựa chọn những quán ăn, nhà hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sạch sẽ, thoáng mát. Không ăn những thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.

Để phòng ngừa ngộ độc nấm, tuyệt đối không được ăn các loại nấm lạ, nấm hoang dại, kể cả nấm màu trắng. Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm độc; không ăn nấm đã bị giập nát, hư hỏng.

Khi đi du lịch, người dân cần phải hết sức cẩn thận để tránh ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là khi đi du lịch ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Một số cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch nên lưu ý như: chuẩn bị các loại đồ khô, thực phẩm đóng gói và tiệt trùng, nên ưu tiên lựa chọn các loại thức ăn nóng và nấu chín; nên tránh ăn các loại đồ tươi sống, hạn chế ăn thức ăn đường phố và các loại trái cây bóc vỏ được bày bán sẵn.

Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cần sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Theo Đồng Nai

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận