Ô tô đang tạo ra một loại bụi còn độc hại hơn cả khí thải diesel - Doctor247

Ô tô đang tạo ra một loại bụi còn độc hại hơn cả khí thải diesel

Khi nói đến ô nhiễm không khí do ô tô, chúng ta nghĩ ngay đến các loại khí thải phát ra từ ống xả, thế nhưng có một tác nhân khác thậm chí còn độc hơn, đó chính là bụi từ má phanh.

Ô tô đang tạo ra một loại bụi còn độc hại hơn cả khí thải diesel

Bụi độc sinh ra từ sự mài mòn lốp xe và má phanh

Bụi sinh ra từ sự mài mòn của đường, lốp xe và phanh được xem là nguồn ô nhiễm chính từ giao thông đường bộ, hiện đã vượt xa khí thải từ động cơ ở nhiều quốc gia châu Âu. Trong số này, bụi sinh ra từ quá trình ma sát của má phanh là tác nhân đáng kể nhất, nhưng những quy định hiện nay vốn chỉ đang tập trung vào khí thải là chính.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành nuôi cấy tế bào mô phổi và cho tiếp xúc với bụi phanh cũng như bụi khí thải diesel. Kết quả cho thấy, bụi phanh gây hại nghiêm trọng hơn đối với tế bào phổi ở nhiều chỉ số liên quan đến các bệnh như ung thư phổi và hen suyễn. Đáng chú ý, khi loại bỏ đồng ra khỏi bụi phanh, mức độ ảnh hưởng tiêu cực đã giảm đáng kể.

Trước đây, má phanh của xe ô tô có chứa các sợi amiăng để chống quá nhiệt. Tuy nhiên, chất amiăng này đã bị cấm tại Anh từ năm 1999 do có liên quan đến các bệnh phổi nghiêm trọng. Điều này buộc ngành công nghiệp ô tô phải thiết kế các loại má phanh mới, bao gồm má phanh hữu cơ không amiăng (NAO), và đây cũng là loại được sử dụng phổ biến trên xe hơi ngày nay.

Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng không mang lại thay đổi đáng kể là mấy. Nghiên cứu vẫn cho thấy, kim loại trong các hạt bụi ô nhiễm không khí có thể gây độc. Trong đó, đồng là thành phần đặc trưng của bụi phanh từ má phanh NAO và chúng hoàn toàn có thể xâm nhập vào tế bào phổi.

Một chỉ số đáng báo động đó là gần một nửa lượng đồng trong không khí mà chúng ta hít thở đến từ mài mòn phanh và lốp xe. Nhiều nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, tiếp xúc với nồng độ đồng cao có thể làm suy giảm chức năng phổi và tăng nguy cơ tử vong.

Xe điện chưa chắc đã là giải pháp hoàn hảo

Thế giới đang dần chuyển dịch sang các thể loại xe điện với lí do giảm thiểu khí thải từ nhiên liệu hóa thạch. Nhưng vẫn chưa có giải pháp gì đối với bụi sinh ra từ sự mài mòn lốp xe cũng như phanh.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, xe điện thường nặng hơn và có thể tạo ra nhiều bụi khác (không phải do quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch) hơn so với xe chạy bằng xăng hoặc diesel. Điều này cho thấy nhãn “không phát thải” (zero-emission) không hoàn toàn chính xác.

Một số xe điện được trang bị hệ thống phanh tái tạo, giúp động cơ hoạt động như một máy phát điện để làm chậm xe. Tuy nhiên, xe điện vẫn cần hệ thống phanh ma sát để dừng hoàn toàn, do đó vẫn sẽ tạo ra bụi phanh.

Các tiêu chuẩn khí thải Euro 7, dự kiến có hiệu lực vào tháng 11/2026, sẽ giới hạn lượng bụi phanh được thải ra. Điều này có thể thúc đẩy sự đổi mới trong phát triển vật liệu phanh mới hoặc các cơ chế thu giữ bụi. Ngoài ra, Euro 7 có thể tạo thêm động lực để cải thiện thiết kế đường phố và kiểm soát giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng dừng và khởi động liên tục – yếu tố làm tăng lượng bụi phanh.

Các công thức má phanh mới có thể giúp giảm tổng lượng bụi phát sinh hoặc loại bỏ các thành phần độc hại, tương tự như cách amiăng đã bị loại bỏ trước đây.

Đáng chú ý, tại Mỹ, bang California và Washington đã ban hành luật giảm hàm lượng đồng trong má phanh, chủ yếu để giảm ô nhiễm nguồn nước do bụi phanh cuốn trôi vào hệ thống sông suối và ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh.

Khi chúng ta dần chuyển sang xe điện, khoa học và quy định pháp lý cần coi trọng vấn đề bụi không từ khí thải tương tự như khí thải động cơ, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách toàn diện.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận