Chủ đề
Nữ sinh viên nhờ bác sĩ tư vấn để trữ đông trứng
Nữ sinh viên đến gặp bác sĩ để tư vấn để trữ đông trứng. Tuy nhiên, cô gái lại không gặp bất cứ vấn đề nào liên quan đến sức khỏe nào.
“Ở độ tuổi này, với thể trạng khỏe mạnh như thế này, em trữ đông trứng làm gì”, TS.BS Nguyễn Hữu Trung, giảng viên bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM, lặp đi lặp lại với cô gái trẻ.
K.T. (18 tuổi, sinh viên ở TP.HCM) đến gặp bác sĩ Trung với nguyện vọng được thực hiện kỹ thuật trữ đông trứng. Nguyên nhân xuất phát từ sự lo sợ không thể mang thai và sinh con tự nhiên nếu gặp bất trắc sức khỏe trong tương lai.
Trữ trứng làm “của để dành”
“Sau khi khai thác tiền sử bệnh của T. cùng với kế hoạch tương lai, tôi đã từ chối và khuyên cô nên suy nghĩ về chuyện này trong tương lai xa hơn. Muốn có ‘của để dành’ cho tương lai và lo lắng về sức khỏe sinh sản là tốt, nhưng không phải bất kỳ ai, tình huống nào cũng nên trữ trứng”, bác sĩ Trung kể lại.
K.T. có sức khỏe tốt, chức năng buồng trứng bình thường. Tuy nhiên, các thông tin trên mạng xã hội về nguy cơ vô sinh, hiếm muộn, nhiều người teo buồng trứng ở độ tuổi quá trẻ… khiến cô gái lo lắng.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Trung, vấn đề đáng cân nhắc nữa là chi phí trữ trứng đông là không nhỏ đối với một nữ sinh 18 tuổi.
“Tôi đã khuyên cô gái nên tập trung cho chuyện học tập, sinh hoạt bình thường, khi nào lớn tuổi hơn, tối thiểu sau 30-33 tuổi mà chưa nghĩ đến chuyện có con, lập gia đình thì hãy nghĩ đến việc này”, bác sĩ Trung kết luận.
Một trường hợp khác cũng đến gặp TS Nguyễn Hữu Trung là vợ chồng nữ bệnh nhân 25 tuổi. Cô được chẩn đoán ung thư vú, chuẩn bị bước vào giai đoạn điều trị ung thư với hóa trị và xạ trị nên quyết định trữ đông trứng.
“Quyết định này lại hợp lý, nên thực hiện bởi điều trị ung thư có thể ảnh hưởng phần nào đến chức năng buồng trứng”, ông nói thêm.
TS.BS Nguyễn Hữu Trung nhấn mạnh đối với việc trữ trứng, khi tư vấn cho mọi người, bác sĩ cần thấu hiểu được hoàn cảnh của từng người, tiền sử sản phụ khoa từ giai đoạn dậy thì, khai thác từng hoàn cảnh cá nhân của từng người và các dự định trong tương lai của họ để tư vấn phù hợp. Bởi việc trữ trứng càng lâu, chi phí càng cao.
Khi nào nên nghĩ đến chuyện đi trữ trứng?
Trữ đông trứng là phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản được nhiều phụ nữ quan tâm. Kỹ thuật này được nhiều người đánh giá là bảo hiểm sinh sản cho phụ nữ khi muốn trì hoãn thời điểm mang thai và sinh con.
Để thực hiện trữ trứng, phụ nữ cần được kích thích buồng trứng và chọc hút trứng. Trứng được chọc hút từ buồng trứng sẽ được bảo quản ở nhiệt độ âm sâu (-196 độ C) trong môi trường nito lỏng.
Thông thường, đứng trước một trường hợp trữ trứng, bác sĩ sẽ cân nhắc trên nhiều yếu tố về tuổi, bệnh lý đi kèm, dự định có con trong tương lai. Số lượng và chất lượng trứng của người phụ nữ sau tuổi 35 sẽ giảm dần. Vì vậy, trữ trứng nên được thực hiện trước 35 tuổi.