'Nụ hôn tử thần'

‘Nụ hôn tử thần’

Đầu mùa lạnh, khoa tôi lại đông nghẹt các mẹ bế con đến khám. Năm nay cũng vậy, mới giao mùa đã có nhiều cháu viêm phổi trở nặng phải chuyển sang khu hồi sức tích cực.

Nhiều cha mẹ hoang mang khi con mình mắc viêm phổi do virus hợp bào đường hô hấp (RSV) gây nên. Sau khi được thăm khám, các mẹ trẻ không chỉ lo lắng mà còn bối rối và áy náy khi biết căn bệnh này có thể xuất phát từ những “nụ hôn tử thần”, do họ đã dễ dãi cho phép bất cứ ai hôn môi, má con mình.

Có người mẹ phân bua với tôi, cháu nó trông như một cục kẹo, bà nội bà ngoại, láng giềng, thậm chí cả người lạ, nhìn thấy đều muốn hôn hít, can ngăn không kịp.

Đây không phải là bệnh mới, thường bùng phát mạnh thành các đợt dịch vào mùa đông xuân khi thời tiết lạnh. Trước đây, bệnh thường được gọi chung là cảm lạnh hoặc cảm cúm. Gần đây, các thầy thuốc có điều kiện xét nghiệm nhận biết riêng rẽ từng loại nguyên nhân, nhờ đó mới gọi tên chính xác từng bệnh như viêm phổi do phế cầu, do tụ cầu hay viêm phổi do virus hợp bào hô hấp.

Bệnh do RSV thường gặp ở trẻ em và người già. Virus có tên là hợp bào hô hấp – Respiratory syncytial virus (RSV) – do khi nhiễm vào đường hô hấp, các tế bào trên niêm mạc đường hô hấp dính lại với nhau thành từng đám.

Về nhiều mặt virus này khá giống với SARSCoV2 gây bệnh Covid-19. RVS được phân lập trên khỉ năm 1955 và phân lập trên người năm 1957. Đây là virus thuộc nhóm RNA virus, lây truyền qua các giọt bắn đường hô hấp, qua tiếp xúc với dịch mũi, dịch nước bọt hoặc từ tay người mang virus thông qua đường mắt hoặc mũi.

Sau khoảng vài ngày kể từ khi trẻ bị nhiễm virus RSV, các triệu chứng sẽ bắt đầu biểu hiện ra bên ngoài. Khoảng 1-2 ngày đầu, triệu chứng tương tự cảm cúm: trẻ ho, chảy mũi trong và có sốt. Khoảng 3-5 ngày sau bệnh có xu hướng nặng dần: tắc nghẹt mũi, khó thở, ho nhiều, nôn sau ho, bú kém hoặc không bú được, ngủ không yên giấc, quấy khóc nhiều. Bệnh thường nặng vào khoảng ngày thứ ba đến ngày thứ năm. Từ khoảng ngày thứ sáu trở đi, bệnh thuyên giảm và biến mất.

Trẻ thường khỏi hoàn toàn trong vòng hai tuần với chức năng phổi được bình phục tốt. Tuy nhiên, khò khè vẫn có thể tồn tại và kéo dài vài tuần đến vài tháng. Trong trường hợp rất nặng bệnh có thể kéo dài hơn thông thường, một số trường hợp phải thở máy hoặc tử vong. Sau khi khỏi bệnh, một số trẻ có thể diễn biến mạn tính thành bệnh lý viêm tiểu phế quản bít tắc kéo dài hàng năm với chức năng phổi suy giảm, không thể phục hồi hoàn toàn. Các xét nghiệm phát hiện RSV, giống như Covid-19, có test nhanh và PCR.

Cũng giống như với Covid-19 thời kỳ đầu, RSV chưa có thuốc đặc hiệu điều trị RSV, chủ yếu dựa hỗ trợ chống suy hô hấp bằng liệu pháp oxy kết hợp với bù dịch, dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao, rửa mũi, hút mũi, nhỏ mũi bằng thuốc giảm xung huyết niêm mạc, dùng kháng sinh nếu trẻ có dấu hiệu hoặc có bằng chứng bội nhiễm do vi khuẩn. Nếu tình trạng bệnh ở trẻ trở nên nghiêm trọng, trẻ khó thở nặng, bác sĩ có thể chỉ định hỗ trợ thở oxy bằng dòng chảy cao qua ống mũi, CPAP hoặc đặt nội khí quản, cho trẻ thở máy.

Trẻ em có sức đề kháng và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, do đó, trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp rất dễ trở nên tồi tệ và có nguy cơ đối mặt với biến chứng cao nếu không được chăm sóc và hỗ trợ điều trị đúng cách. Biến chứng nguy hiểm nhất là trẻ bị suy hô hấp, có thể dẫn tới tử vong nhanh chóng.

Các dấu hiệu của trẻ trở nặng, bị suy hô hấp là: Thở nhanh, nhịp thở 50-60 lần/phút. Lồng ngực trẻ bị rút lõm xuống, hằn các dẻ sườn lên. Tím môi và chân tay, sớm nhất là tím quanh môi, nặng nữa là tím đầu ngón tay ngón chân, nặng nhất là tím đen cả người, kích thích vật vã quấy khóc nhiều rồi đi vào li bì hôn mê. Lúc trẻ li bì là đã suy hô hấp rất nặng. Các dấu hiệu trên là biểu thị trẻ bị thiếu oxy nặng, cần đưa ngay tới bệnh viện để cấp cứu.

Bệnh viêm phổi do RSV để lại các di chứng hạn chế hô hấp, nên sau khi ra viện trẻ vẫn còn khò khè kéo dài và dễ bội nhiễm các bệnh hô hấp khác. Trẻ cũng dễ bị hen gấp 2- 12 lần so với trẻ bình thường.

Dù virus đã được tìm ra từ 1957, đến nay chế tạo vaccine phòng bệnh vẫn gặp nhiều khó khăn do virus tạo miễn dịch yếu. Tháng 5/2023, FDA thông báo đã chấp nhận vaccine RSV đầu tiên là Arexvy của GlaxoSmithKline dành cho người trên 60 tuổi. Tháng 8/2023 FDA chấp thuận tiếp vaccine Abrysvo của Pfizer cho phụ nữ mang thai những tuần cuối để bảo vệ trẻ sơ sinh. Từ khi FDA chấp thuận đến khi vaccine được đưa vào sử dụng tại Việt Nam sẽ còn phải có một khoảng thời gian cho các thủ tục kiểm định.

Trong khi chưa có vaccine, việc thực hiện lối sống lành mạnh sẽ giúp giảm nguy cơ bị lây nhiễm RSV. Chúng ta vừa trải qua đại dịch Covid 19 nên các biện pháp phòng tránh bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp đã quá quen thuộc. Dưới đây là một số biện pháp:

Vệ sinh tay sạch sẽ rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hắt hơi, xì mũi. Không hôn hít cưng nựng trẻ để tránh lây bệnh.

Hạn chế tiếp xúc với những người bị sốt hoặc cảm lạnh, đeo khẩu trang chống khuẩn khi đi đến những nơi công cộng.

Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn nhà ở, khu vui chơi và đồ chơi của trẻ.

Hạn chế dùng chung các vật dụng cá nhân.

Tránh khói bụi, nhất là khói thuốc lá.

Quan Thế Dân

Theo VnExpress

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận