Những sự thật thú vị về lời nói dối: Không phải ai cũng biết - Doctor247

Những sự thật thú vị về lời nói dối: Không phải ai cũng biết

Ngày Cá Tháng Tư, hãy cùng Doctor247 bàn về lời nói dối qua một nghiên cứu vô cùng thú vị. Bạn có bao giờ tò mò về tần suất nói dối của mọi người xung quanh? Người ta thường nói dối về điều gì? Nói dối với ai?

Thật ra con người chỉ nói dối một chút mỗi ngày

Theo Giáo sư Tony Docan-Morgan, giảng viên của Đại học Wisconsin La Crosse, đồng tác giả nghiên cứu được công bố trên Communication Monographs, tạp chí học thuật hàng đầu của Hiệp hội Truyền thông Quốc gia Mỹ – đa số các cuộc giao tiếp đều trung thực, và phần lớn lời nói dối xuất phát từ một nhóm nhỏ những người có xu hướng nói dối thường xuyên.

Nghiên cứu phân tích tổng cộng 116.366 lời nói dối từ 632 người tham gia trong suốt 91 ngày liên tiếp. Người tham gia tự ghi nhận số lần nói dối mỗi ngày qua khảo sát trực tuyến. Kết quả cho thấy khoảng 75% số người gần như không nói dối, chỉ từ 0 đến 2 lần mỗi ngày. Hầu hết những lời nói dối này là “lời nói dối trắng” – những câu nói vô hại như “Tôi rất thích món quà này” dù thực tế thì không.

su-that-thu-vi-ve-noi-doi

Tuy nhiên, vẫn có 6% người tham gia tuy bình thường nói dối rất ít, nhưng vào một số ngày lại nói dối với tần suất cao bất thường. Khác với các nghiên cứu trước chỉ khảo sát trong 1 ngày, nghiên cứu này cho thấy hành vi nói dối có sự biến động rõ rệt theo từng cá nhân theo thời gian.

Có người thường trung thực nhưng đôi lúc nói dối nhiều hơn bình thường, và ngược lại. Đáng chú ý, nhóm 1% nói dối nhiều nhất có mức dao động cao nhất, trung bình 17 lời nói dối mỗi ngày, trong khi 1% trung thực nhất gần như không bao giờ nói dối.

Kết quả nghiên cứu phần nào giúp xua tan nỗi lo rằng ai cũng thường xuyên nói dối trong giao tiếp.

Vì sao con người nói dối?

Không phải lúc nào lời nói dối cũng xuất phát từ ý đồ xấu. Theo nghiên cứu, con người nói dối vì nhiều lý do khác nhau. 21% lời nói dối nhằm tránh mặt người khác, chẳng hạn như né tránh một cuộc trò chuyện khó xử. 20% là để đùa giỡn, pha trò cho vui, thường thấy trong các mối quan hệ thân thiết.

Một phần 14% nói dối để bảo vệ bản thân, như giấu lỗi lầm nhỏ hay tránh bị chỉ trích. Bên cạnh đó, 13% lời nói dối được dùng để gây ấn tượng, khiến người nói trông hấp dẫn hoặc tài giỏi hơn trong mắt người khác.

vi-sao-con-nguoi-noi-doi

Ngoài ra, con người còn nói dối để bảo vệ người khác (11%), hoặc vì lợi ích cá nhân (9%) như đạt được điều mình muốn. Một số trường hợp nói dối vì lợi ích của người khác (5%), thường là để động viên hay trấn an tinh thần. Dù chiếm tỷ lệ thấp, 2% lời nói dối mang mục đích làm tổn thương người khác.

Đặc biệt, có tới 5% người nói dối mà không rõ lý do hoặc đơn giản là…chẳng vì lý do gì cả. Những con số này cho thấy, động cơ nói dối phức tạp hơn ta tưởng – đôi khi chỉ là phản xạ trong giao tiếp hằng ngày.

Mỗi ngày, chúng ta nói dối bao nhiêu lần?

Theo kết quả khảo sát, khoảng 75% người tham gia chỉ nói dối từ 0 đến 2 lần mỗi ngày – con số khá khiêm tốn so với suy nghĩ của nhiều người. Trên tổng thể, nói dối chiếm khoảng 7% trong toàn bộ giao tiếp hằng ngày. Đáng chú ý, gần 90% những lời nói dối này là “lời nói dối trắng” – những câu nói không hoàn toàn thật nhưng mang tính chất nhẹ nhàng, thường để giữ hòa khí hoặc tránh gây tổn thương.

moi-ngay-chung-ta-noi-doi-bao-nhieu-lan

Hình thức phổ biến nhất là gì?

Phần lớn lời nói dối vẫn được truyền đạt trực tiếp, đối mặt (79%), cho thấy con người thường chọn cách nói dối trong những tình huống giao tiếp gần gũi hoặc thân mật. Trong khi đó, 21% lời nói dối còn lại diễn ra qua các phương tiện trung gian như tin nhắn, email hay mạng xã hội.

Điều này phản ánh việc nói dối không chỉ xuất hiện trong cuộc trò chuyện thường ngày, mà còn len lỏi trong cả các hình thức giao tiếp số.

Mọi người thường nói dối với ai?

Khi nói dối, con người thường hướng đến những mối quan hệ gần gũi. Theo khảo sát, bạn bè là đối tượng bị nói dối nhiều nhất, chiếm 51%, tiếp theo là gia đình với 21%. Điều này có thể xuất phát từ mong muốn giữ hòa khí, tránh làm tổn thương cảm xúc người thân yêu hoặc đơn giản là muốn mọi chuyện “êm đẹp”.

moi-nguoi-noi-doi-voi-ai
Chúng ta thường nói dối với những người thân thuộc

Ngoài ra, 11% lời nói dối được dành cho đồng nghiệp hoặc bạn học, những mối quan hệ mang tính xã hội và có phần tế nhị trong giao tiếp. Tỷ lệ nói dối với người lạ (8.9%) và người quen sơ giao (8.5%) tuy thấp hơn nhưng vẫn tồn tại, cho thấy rằng dù thân hay sơ, lời nói dối vẫn có mặt trong mọi tầng lớp quan hệ – chỉ khác nhau ở mục đích và mức độ thân thiết.

Lời nói dối nào là phổ biến nhất?

Không phải mọi lời nói dối đều nghiêm trọng hay gây tổn thương. Theo nghiên cứu, tới 88.6% lời nói dối mà con người sử dụng hằng ngày là “lời nói dối trắng” – những câu nói nhẹ nhàng, vô hại, thường được dùng để tránh làm phật lòng người khác. Ví dụ quen thuộc nhất là nói rằng bạn thích một món quà dù trong lòng thì không.

Chỉ 11.4% lời nói dối được xếp vào dạng “lời nói dối lớn”, thường mang tính đánh lừa sâu sắc hoặc gây hiểu lầm nghiêm trọng. Một ví dụ điển hình là nói “Anh yêu em” trong khi không thực sự có cảm xúc – những lời nói có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và lòng tin của người khác trong mối quan hệ cá nhân.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận