Chủ đề
Những người tự kỷ thành công trên thế giới
Tự kỷ không phải là bệnh và càng không phải một rào cản thành công. Hôm nay là Ngày Thế giới Nhận thức về Tự kỷ 02/04/2025, hãy cùng Doctor247 khám phá 7 câu chuyện có thật về những người tự kỷ nổi tiếng trên thế giới, từ thiên tài vật lý đến ngôi sao điện ảnh, để hiểu hơn về họ nhé!
Temple Grandin – Người phụ nữ thay đổi cả ngành chăn nuôi thế giới
Lúc nhỏ, Temple Grandin không thể nói và thường xuyên bị cô lập vì những hành vi khác thường. Vì những năm 1950, tự kỷ còn là khái niệm xa lạ với hầu hết mọi người, và không ai nghĩ một cô bé như Temple có thể sống độc lập – chưa nói đến việc thành công. Nhưng bà đã làm được hơn thế: trở thành một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực hành vi động vật.
Temple là người tiên phong trong việc thiết kế hệ thống chăn nuôi nhân đạo – những cải tiến của bà được áp dụng tại hàng ngàn trang trại khắp nước Mỹ. Song song đó, bà cũng là tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi cho người tự kỷ, cho thấy rằng sự khác biệt có thể là điều đáng tự hào.
Anthony Hopkins – Thiên tài diễn xuất sau vẻ ngoài trầm lặng
Với ánh mắt lạnh lùng và khả năng hóa thân xuất thần, Anthony Hopkins khiến cả thế giới rùng mình trong vai Hannibal Lecter. Thế nhưng, đằng sau màn ảnh là một con người khá kín tiếng, có phần xa cách và dễ bị lo âu. Ở tuổi trưởng thành, nam diễn viên dành giải Oscar mới biết mình thuộc phổ tự kỷ.
Hopkins từng chia sẻ rằng việc hiểu được bản thân giúp ông nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Những gì từng là trở ngại trong giao tiếp xã hội lại giúp ông tập trung cao độ vào diễn xuất – thứ đã đưa ông đến đỉnh cao điện ảnh.
Daryl Hannah – Không chọn đám đông, vẫn tỏa sáng
Daryl Hannah là một biểu tượng sắc đẹp của Hollywood những năm 80. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau sự nghiệp thành công là một tuổi thơ nhiều tổn thương vì chứng tự kỷ. Cô thường tránh né các sự kiện đông người và hiếm khi xuất hiện trên truyền thông.
Thay vì theo đuổi hào quang, Daryl chọn một lối sống yên tĩnh, tập trung vào môi trường và sức khỏe tinh thần. Cô trở thành một nhà hoạt động tích cực, lên tiếng vì thiên nhiên và lối sống bền vững – đúng với bản chất thầm lặng nhưng bền bỉ của mình.
Jacob Barnett – Từ chẩn đoán sai đến thần đồng vật lý
Khi mới 2 tuổi, Jacob Barnett được cho là mắc tự kỷ nặng và sẽ không bao giờ học được như những đứa trẻ bình thường. Vậy mà chỉ vài năm sau, cậu đã giải được các bài toán phức tạp mà sinh viên đại học còn chật vật. Cậu bé “không thể học nổi” đó đã bước vào giảng đường đại học khi mới 10 tuổi.
Không chỉ thông minh, Jacob còn biết cách truyền cảm hứng. Cậu thường nói: “Đừng cố để hòa nhập, hãy tạo nên sự khác biệt.” Và chính sự khác biệt đó đã biến cậu thành một trong những thiên tài vật lý trẻ được thế giới công nhận.
Michelangelo – Khi tài năng nảy nở từ cô độc
Michelangelo là một thiên tài không cần phải bàn cãi. Nhưng ít ai biết rằng ông là người sống thu mình, khó gần và gần như chỉ quan tâm tới công việc. Những hành vi lặp đi lặp lại, ám ảnh với chi tiết – ngày nay được cho là biểu hiện của hội chứng Asperger, một dạng tự kỷ chức năng cao, người mắc có thể có trí thông minh và kỹ năng tốt hơn mức bình thường.
Dù không có chẩn đoán chính thức (vì thời đó chưa có khái niệm), các nhà sử học tin rằng Michelangelo là một trường hợp điển hình về thiên tài tự kỷ. Chính sự khác biệt ấy đã cho ra đời những tác phẩm bất tử như tượng David hay trần Sistine.
Isaac Newton – Người cô đơn tìm ra luật hấp dẫn
Newton là người ít bạn, ít nói, thậm chí có phần lập dị. Ông thường tự nhốt mình trong phòng để làm việc hàng giờ liền, bỏ quên cả ăn uống. Những đặc điểm này khiến các nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng ông có nhiều biểu hiện của hội chứng Asperger.
Dẫu vậy, chính sự tập trung cao độ, khả năng suy nghĩ logic và đam mê khám phá đã giúp Newton đặt nền móng cho vật lý hiện đại. Ông là minh chứng rõ ràng rằng: không phải tất cả thiên tài đều hòa đồng, nhưng họ đều để lại dấu ấn.
Albert Einstein – Thiên tài trầm lặng của nhân loại
Einstein nói chậm, học không giỏi những năm đầu đời, và thường bị đánh giá là “lập dị”. Ông có xu hướng lặp đi lặp lại từ ngữ, tránh giao tiếp xã hội, và thích ở một mình. Những điều này khiến nhiều người tin rằng Einstein có biểu hiện của hội chứng Asperger.
Thay vì cố gắng “bình thường”, ông sống đúng với mình – tập trung vào khoa học, đặt ra những câu hỏi không ai từng hỏi. Và cuối cùng, chính sự khác biệt trong cách nhìn thế giới đã tạo nên một trong những lý thuyết vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Vậy chúng ta cần biết gì về tự kỷ?
Mặc dù nhận thức về tự kỷ đang dần cải thiện, vẫn còn nhiều quan niệm sai lệch khiến người tự kỷ và gia đình họ gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Một trong những hiểu lầm phổ biến nhất là nghĩ rằng tự kỷ là bệnh – thứ có thể “chữa khỏi”.
Thực tế, tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh, không thể điều trị dứt điểm, nhưng có thể hỗ trợ để người tự kỷ phát triển kỹ năng, hòa nhập xã hội và sống có ý nghĩa.
Một số người cũng tin rằng người tự kỷ không thể học giỏi, không thể làm việc hoặc không có cảm xúc – điều này hoàn toàn sai. Như những tấm gương bạn vừa đọc ở trên, người tự kỷ có thể có những năng lực vượt trội và sống trọn vẹn nếu được trao cơ hội, thay vì bị dán nhãn hay cô lập.
Họ không vượt qua tự kỷ, họ sống cùng nó, và tỏa sáng theo cách rất riêng.
Nguồn: Tổng hợp
Có thể bạn sẽ quan tâm: Vì sao người trẻ thường thích sự mạo hiểm?