Chủ đề
Nhựa đen trong đồ dùng chứa chất chống cháy độc hại
Một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng, nhựa màu đen được sử dụng trong đồ chơi trẻ em, hộp đựng thức ăn, dụng cụ nhà bếp hoặc khay thịt tại siêu thị có thể chứa các chất chống cháy độc hại do ngấm vào từ các sản phẩm điện tử trong quá trình tái chế. Những chất này có mức độ độc hại cao và đã bị cấm trong nhiều quốc gia.
Nghiên cứu cho thấy, những hạt nhựa màu đen được tìm thấy trong các trang sức hóa trang của trẻ em có hàm lượng chất chống cháy lên đến 22.800 phần triệu (so với tổng thể). Những chất này vốn xuất hiện trong các vỏ bọc điện tử như trên tivi và các thiết bị điện tử khác. Một sản phẩm khác, khay đựng sushi bằng nhựa đen, chứa 11.900 phần triệu chất decaBDE, một hợp chất đã bị Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cấm hoàn toàn từ năm 2021 vì có liên quan đến ung thư, vấn đề nội tiết và các bệnh về thần kinh. Mặc dù đã bị cấm, decaBDE vẫn được tìm thấy trong 70% mẫu thử của nghiên cứu, với mức độ vượt quá giới hạn của Liên minh châu Âu từ 5 đến 1.200 lần.
Theo nghiên cứu, những người tiếp xúc với nhựa đen qua các dụng cụ nhà bếp như thìa, muỗng có thể hít phải trung bình 34,7 phần triệu decaBDE mỗi ngày. Điều này gây lo ngại về mức độ nguy hiểm mà người tiêu dùng phải đối mặt khi sử dụng các sản phẩm chứa nhựa đen. Chất chống cháy được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện tử để ngăn ngừa hỏa hoạn. Tuy nhiên, khi nhựa từ rác thải điện tử được tái chế, chất chống cháy từ các sản phẩm này có thể lẫn vào đồ dùng nhà bếp và đồ chơi. Việc tái chế nhựa có chứa chất độc hại này là một vấn đề nghiêm trọng, vì nó gây ra nguy cơ ô nhiễm hóa học cho các sản phẩm tiếp theo.
Nghiên cứu cũng tiến hành kiểm tra 203 sản phẩm tiêu dùng để tìm kiếm bromine, một chỉ báo quan trọng cho việc sử dụng các chất chống cháy. Bromine là một thành phần trong các chất chống cháy brom hóa, loại chất đặc biệt gây lo ngại vì tính độc hại và khả năng tích lũy sinh học, tức là chúng có thể tồn tại trong cơ thể người nhiều năm. Những chất này có thể ngấm vào thực phẩm khi tiếp xúc hoặc thông qua không khí và bụi.
Để giảm rủi ro, người tiêu dùng được khuyến khích thay thế các dụng cụ nhà bếp bằng thép không gỉ hoặc các sản phẩm không chứa nhựa. Việc lau chùi, hút bụi thường xuyên và rửa tay đúng cách cũng giúp giảm thiểu sự tiếp xúc với các hóa chất nguy hại. Tuy nhiên, bản thân người tiêu dùng không thể tự bảo vệ hoàn toàn khỏi các chất độc hại này. Do đó, cần có các chính sách của chính phủ và doanh nghiệp để kiểm soát việc sử dụng các chất độc hại trong sản phẩm và đảm bảo quá trình tái chế an toàn hơn.
Đọc thêm tại: https://edition.cnn.com/2024/10/01/health/flame-retardant-black-plastic-wellness/index.html