Chủ đề
Vì sao nhiều người Singapore chọn cách ‘chạy trốn’ khỏi bố mẹ?
Tuổi thơ đầy tổn thương khiến nhiều người trưởng thành ở Singapore quyết định cắt đứt quan hệ với những đấng sinh thành.
Những giọt nước tràn ly
Vào ngày mùng 3 Tết Nguyên đán năm 2017, dịp mà các gia đình sum vầy bên nhau, Joey Liaw (34 tuổi) đã chờ suốt 3 tiếng trong một nhà hàng với hy vọng được ăn tối cùng bố.
Bố cô hứa sẽ đến sau khi tan ca lúc 5 giờ chiều. Thế nhưng cuối cùng, Liaw ra về trong thất vọng khi bố cô quên mất buổi hẹn. Thậm chí khi về đến nhà, cô vẫn không nhận được một lời xin lỗi nào từ ông.
Đây không phải là lần đầu bố Liaw tỏ ra lạnh nhạt. Nhưng lần thất hẹn đó chính là “giọt nước tràn ly”, thôi thúc cô quyết định ngừng liên lạc với ông, nhất là khi mẹ cô đã qua đời từ lâu.
Nhưng, Liaw không hề đơn độc. Cô là một trong số không ít người trẻ Singapore chọn cách xa lánh bố mẹ – những người mà họ cho rằng đã từng gây tổn thương nghiêm trọng cho con cái trong quá khứ.
Việc cắt đứt liên lạc với cha mẹ, theo những người trong cuộc, không phải hành động nhất thời mà xuất phát từ khao khát được sống bình yên.
Liaw bật khóc khi nhớ lại những kỷ niệm cay đắng: bố cô không bao giờ nhớ sinh nhật của con, chưa từng thổ lộ tình cảm, và ngay sau khi mẹ mất, ông đã nhanh chóng tìm người mới.
Với nhiều người khác, điểm đứt gãy cuối cùng của mối quan hệ chính là sự bạo hành thể xác. Carla, 27 tuổi, kể lại rằng cô từng bị bố đánh chảy máu nhiều lần chỉ vì những lỗi nhỏ nhặt như để quên tắt đèn hay để chó sủa ồn.
Oh, 32 tuổi, hiện là chuyên viên nhân sự, cũng đã quyết định ra ở riêng từ năm 2015 cũng vì lý do tương tự. Cô lớn lên trong gia đình có bạo lực. Năm 16 tuổi, khi nhập viện vì bệnh, cô chứng kiến bố mẹ cãi nhau về chuyện ai sẽ trả viện phí – ngay trước mặt mình.

Khi gia đình trở nên ‘độc hại’
Xu hướng “từ bỏ cha mẹ” đang ngày càng được thảo luận rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội tại Singapore. Nhiều người trẻ bắt đầu cởi mở hơn khi nói về áp lực gia đình, về việc thiết lập ranh giới cá nhân và coi việc tránh xa những mối quan hệ độc hại là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe tinh thần.
Trên TikTok, các hashtag như #nocontactwithparent (ngừng liên lạc với cha mẹ), #raisedbynarcissists (lớn lên bởi cha mẹ ái kỷ) thu hút lượng lớn người theo dõi. Trên Reddit, diễn đàn “Estranged Adult Kids” cũng có hàng chục nghìn thành viên chia sẻ câu chuyện tương tự.
Tình trạng này nghiêm trọng đến mức vào tháng 7/2023, chính phủ Singapore đã điều chỉnh Đạo luật Phụng dưỡng Cha mẹ, bổ sung điều khoản nhằm bảo vệ con cái từng bị cha mẹ bạo hành khỏi nghĩa vụ chu cấp.
Theo thống kê tại Singapore, cứ 3 vụ kiện liên quan đến nghĩa vụ phụng dưỡng tại tòa thì có một vụ con cái từng bị bố mẹ bỏ rơi, ngược đãi hoặc thờ ơ lúc nhỏ.
Liệu có thể hàn gắn vết thương?
Các chuyên gia cho rằng những trải nghiệm tiêu cực với bố mẹ có thể để lại vết thương tâm lý kéo dài đến khi trưởng thành. Không chỉ ảnh hưởng đến cách họ nhìn nhận về gia đình, những tổn thương này còn bóp méo nhận thức về các mối quan hệ thân thiết.
Chuyên gia tâm lý Nur Adam cho rằng, việc sống xa gia đình không có nghĩa là thù hận, mà là để bảo vệ sức khỏe tinh thần.
“Sự tôn trọng phải được xây dựng từ hai phía. Cha mẹ cần suy ngẫm về hành động của mình và hiểu rằng con cái không thể bị ép buộc yêu thương,” cô nói. Tuy vậy, cô cũng nhấn mạnh việc cảm thông không đồng nghĩa với bao biện cho hành vi sai trái.
Chuyên gia Tan Yi Shan cũng bổ sung rằng nhiều bậc cha mẹ – đặc biệt là thế hệ nhập cư đầu tiên tại Singapore – từng sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, nên không được dạy cách chăm sóc cảm xúc cho bản thân, chứ đừng nói là cho con cái.
Dù vậy, hàn gắn vẫn có thể xảy ra nếu cả hai bên cùng nỗ lực. Chuyên gia Zanthe Ng cho rằng hòa giải cần thời gian, sự thành thật, và cam kết thay đổi.
Nhưng trong một số trường hợp – như bạo hành kéo dài hoặc thiếu trách nhiệm – việc duy trì khoảng cách lại là lựa chọn lành mạnh nhất.
Trường hợp của cô Oh là một ví dụ tích cực. Năm 2019, khi chuẩn bị kết hôn, cô chủ động liên hệ lại với bố mẹ sau 4 năm ngắt liên lạc.
Cùng nhau dọn dẹp nhà cửa để đón khách cưới là cơ hội để cô và gia đình gắn kết trở lại. Dù mối quan hệ vẫn chưa hoàn hảo, nhưng giờ họ vẫn giữ liên lạc và mới đây cô đã mời bố mẹ đến nhà ăn Giáng sinh lần đầu tiên sau nhiều năm.
Cô chia sẻ: “Mọi thứ có thể chưa hoàn hảo, nhưng ít nhất chúng tôi đang cố gắng. Đó cũng là một dạng của hạnh phúc.”
Theo CNA