Chủ đề
Nhận diện dấu hiệu ung thư máu: Loại ung thư đang gia tăng
Những dấu hiệu hằng ngày như chảy máu cam, mệt mỏi và nhiễm trùng đường tiểu (UTI) có thể cho thấy điều gì đó nghiêm trọng đang xảy ra.
Khi nói đến ung thư, một số triệu chứng tiềm tàng chẳng hạn như khối u ở ngực hay nốt ruồi có hình dạng kỳ lạ thường khiến chúng ta cảnh giác hơn. Nhưng nếu bạn gặp mệt mỏi, chảy máu cam hoặc UTI tái phát thì sao? Những vấn đề sức khỏe thường gặp này thường không liên quan đến nhau hoặc không quá đáng lo. Tuy nhiên, khi chúng kết hợp lại, chúng đôi khi có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư máu – nhóm bệnh đang trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây.
Mỗi loại ung thư máu ảnh hưởng đến cơ thể theo cách khác nhau, nhưng nhìn chung, chúng thường tác động đến máu, tủy xương hoặc hệ bạch huyết. Ví dụ, polycythemia vera khiến cơ thể sản xuất quá nhiều tế bào hồng cầu; ngược lại, bệnh bạch cầu (leukemia) hình thành khi có quá nhiều bạch cầu, còn u lympho (lymphoma) ảnh hưởng đến hệ bạch huyết (một mạng lưới ống phức tạp, có chức năng loại bỏ chất lỏng dư thừa khỏi cơ thể và tạo ra tế bào miễn dịch chống nhiễm trùng)
Mặc dù tỷ lệ gia tăng của các bệnh này chỉ ở mức khiêm tốn, xu hướng đi lên vẫn đáng được lưu tâm. Dưới đây là một số thông tin về lý do tại sao số ca mắc có thể đang tăng và các triệu chứng bạn nên chú ý.
Xu hướng gia tăng của ung thư máu
Từ năm 1990, tỷ lệ ung thư máu đã tăng đều đặn trên toàn cầu. Thực tế, năm ngoái ở Hoa Kỳ, số ca mới mắc leukemia, lymphoma và myeloma chiếm khoảng 9,4% tổng số ca ung thư mới. Mặt tích cực là dù có nhiều người mắc hơn, tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể nhờ phát hiện sớm và điều trị tốt hơn. Ví dụ, tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư bạch cầu mạn tính dòng tủy (CML) đã tăng hơn gấp ba lần kể từ giữa thập niên 1970.
Từ năm 2006, tỷ lệ mắc leukemia đã tăng trung bình 0,6% mỗi năm, trong khi tỷ lệ tử vong giảm trung bình 1,5% mỗi năm. Nghiên cứu cũng cho thấy xu hướng sống lâu hơn ở những người mắc ung thư máu hiếm gặp như polycythemia vera và myelofibrosis. Mặc dù kết quả khả quan mang lại hy vọng, nhưng điều này vẫn đặt ra câu hỏi: điều gì đang thúc đẩy sự gia tăng này?
“Không có một nguyên nhân duy nhất,” bác sĩ Shane Dormady, giám đốc khoa ung thư nội khoa tại Trung tâm Ung thư El Camino Health ở California, chia sẻ với SELF. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng có thể là do số người trên 55 tuổi lớn hơn bao giờ hết, và tỉ lệ ung thư máu thường tăng vọt ở giai đoạn cuối tuổi trưởng thành. Điều này nghĩa là thế hệ baby boomer có nguy cơ mắc ung thư máu cao hơn đơn giản vì họ đang già đi. Hơn nữa, việc chẩn đoán tốt hơn cũng có thể là một phần lý do khiến số ca phát hiện bệnh tăng.
Các dấu hiệu ung thư máu thường gặp
Dù việc người bệnh sống lâu hơn là một tin tốt, nhận biết các dấu hiệu sớm vẫn rất quan trọng. Nhờ đó, bạn có thể phát hiện sớm và báo cho bác sĩ.
Một số triệu chứng ban đầu của ung thư máu bao gồm:
- Sốt và ớn lạnh dai dẳng
- Yếu cơ
- Mệt mỏi, uể oải ban ngày
- Hay bị nhiễm trùng
- Chán ăn và sụt cân không rõ lý do
- Sưng hạch bạch huyết
- Dễ bầm tím
- Lợi sưng hoặc dễ chảy máu
- Thường xuyên chảy máu cam
- Đau xương hoặc khớp
- Đổ mồ hôi, đặc biệt về đêm
Danh sách này có thể không khiến bạn nghĩ đến “nguy cơ ung thư,” ngay cả khi bạn gặp vài triệu chứng trong đó. Thật ra, một số dấu hiệu như đau khớp, đổ mồ hôi đêm, yếu sức, mệt mỏi còn dễ khiến ta liên tưởng đến stress hoặc giai đoạn tiền mãn kinh hơn là căn bệnh có thể đe dọa tính mạng.
Chẩn đoán ung thư máu
Nếu thi thoảng bạn chỉ gặp vài triệu chứng trên, có lẽ không cần quá lo lắng. Nhưng nếu bạn đang đối mặt với nhiều triệu chứng và chúng càng lúc càng nặng, hãy đến gặp bác sĩ.
Tin vui là không cần quá nhiều xét nghiệm phức tạp để xác định liệu lymphoma hoặc một bệnh tăng sinh tủy (MPN) có phải là nguyên nhân hay không. Xét nghiệm máu thường quy mang tên tổng phân tích tế bào máu (CBC) là đủ.
Xét nghiệm này đo lường số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và các thành phần khác trong máu. Nếu lượng tế bào quá cao hoặc quá thấp, đó có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề, bao gồm nhiễm trùng, rối loạn hệ miễn dịch hoặc bệnh máu như thiếu máu, và cả ung thư máu. Bác sĩ sẽ giải thích kết quả và cho bạn biết chính xác tình trạng.
Bạn cũng có thể làm thêm xét nghiệm đánh giá chuyển hóa (metabolic profile) để đo các chất béo, protein, glucose, chất điện giải và enzyme – các chỉ số cho thấy các cơ quan hoạt động tốt đến đâu. Nếu kết quả cho thấy bất thường nghiêm trọng trong máu, bạn sẽ được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa huyết học/ung thư để đánh giá liệu ung thư có phải là nguyên nhân gây ra triệu chứng.
“Phát hiện sớm giúp bạn có phương pháp điều trị hiệu quả nhất,” bác sĩ Dormady nói. Nhưng ngay cả khi bạn đã có các triệu chứng từ lâu, điều trị vẫn có thể kéo dài tuổi thọ. Điều đó có nghĩa là vẫn có hy vọng, kể cả khi bệnh đã tồn tại một thời gian.
Theo SELF