Nhận biết dấu hiệu của trẻ bị dị ứng theo mùa - Doctor247

Nhận biết dấu hiệu của trẻ bị dị ứng theo mùa

Nhiều trẻ bị dị ứng theo mùa, gây khó chịu. Cha mẹ cần nhận biết triệu chứng để có cách xử trí phù hợp.

Dị ứng theo mùa khá phổ biến ở trẻ em. Theo Bệnh viện Nhi Philadelphia, tại Mỹ, khoảng 7,1 triệu trẻ em bị dị ứng với môi trường theo mùa.

Dị ứng theo mùa là gì?

Dị ứng theo mùa tấn công vào những thời điểm khác nhau trong năm. Nó còn được gọi là viêm mũi dị ứng hoặc dị ứng phấn hoa. Các triệu chứng dị ứng theo mùa xảy ra khi chất kích thích hoặc chất gây dị ứng trong không khí xâm nhập vào mắt, mũi và cổ họng, gây ra phản ứng dị ứng.

Vì trẻ em cần tiếp xúc với chất gây dị ứng trước khi có thể bị dị ứng với chất đó, trẻ dưới hai tuổi ít có nguy cơ bị dị ứng với môi trường.

Dấu hiệu con bạn có thể bị dị ứng theo mùa

Các triệu chứng dị ứng theo mùa bao gồm nghẹt mũi hoặc sổ mũi, hắt hơi, ngứa mắt, mũi, đau họng, ho và quầng thâm dưới mắt.

Dị ứng theo mùa có thể không chỉ là một sự khó chịu nhẹ. Một số hậu quả của dị ứng ở trẻ em bao gồm:

  • Mệt mỏi và kém tập trung trong học tập do thiếu ngủ
  • Sự gia tăng nhiễm trùng tai và xoang
  • Cơn hen kịch phát
  • Các vấn đề về hành vi do khó chịu và thiếu ngủ
di-ung
Dị ứng theo mùa là tình trạng phổ biến và gây khó chịu cho trẻ. Ảnh: Shutterstock.

Giảm nguy cơ trẻ bị dị ứng theo mùa

Ngay cả khi môi trường xung quanh chứa nhiều phấn hoa, cha mẹ vẫn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ con bị dị ứng:

  • Cho con bạn rửa tay và mặt ngay sau khi chơi ngoài trời về để chúng không dụi phấn hoa vào mắt, mũi.
  • Sấy khô quần áo trong máy sấy. Vì phấn hoa có thể bao phủ quần áo, cha mẹ nên tránh phơi quần áo ngoài trời.
  • Cho con đi tắm trước khi đi ngủ. Điều này sẽ giúp giải quyết các vấn đề dị ứng vào ban đêm.
  • Đóng cửa sổ trong nhà và xe hơi, sử dụng điều hòa không khí để lọc không khí. Cha mẹ cần đảm bảo điều hòa đang ở chế độ tái lưu thông.

Xử trí khi trẻ bị dị ứng theo mùa

Cùng với việc thực hiện các bước để hạn chế con tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, cha mẹ có nhiều loại thuốc dị ứng an toàn, hiệu quả nhằm vào các triệu chứng cụ thể khiến con khó chịu.

Hầu hết loại thuốc dị ứng hiện nay đều không kê đơn và thường thuộc nhóm thuốc kháng histamine đường uống, thuốc xịt mũi và thuốc nhỏ mắt.

Dưới đây là một số điều quan trọng cần biết về từng loại. Cha mẹ cần nói chuyện với bác sĩ nhi khoa hoặc y tá về những lựa chọn tốt nhất cho con.

Lưu ý quan trọng, cha mẹ cần đọc nhãn cẩn thận để biết thành phần hoạt chất. Phụ huynh không cho con uống nhiều hơn một loại thuốc kháng histamine cùng một lúc, trừ khi có sự chỉ dẫn của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, hầu hết loại thuốc nhỏ mắt và xịt mũi có thể được dùng cùng với thuốc kháng histamine đường uống.

Nước muối xịt mũi

Một loại nước muối xịt mũi đơn giản sẽ loại bỏ các chất gây dị ứng và giảm nghẹt mũi do dị ứng. Bác sĩ nhi khoa của con bạn có thể đề nghị dùng thuốc xịt mũi. Thông thường, thuốc xịt mũi steroid được khuyên dùng vì tính hiệu quả và độ an toàn đã được chứng minh.

Thuốc kháng histamine đường uống

Thuốc kháng histamine đường uống thay đổi tùy theo thời gian sử dụng, mức độ giảm ngứa và tác dụng phụ của chúng. Trong phản ứng dị ứng, thuốc kháng histamine ngăn chặn một trong những chất gây sưng tấy, tăng bài tiết nước mắt, nước mũi, được gọi là histamine.

Thuốc giúp giảm bớt các triệu chứng dị ứng – được coi là cách tốt nhất trong điều trị bệnh này cho trẻ. Ngoài ra, nếu các thành viên khác trong gia đình đã dùng một loại thuốc kháng histamine và hiệu quả, di truyền học cho thấy con bạn cũng có thể đáp ứng với loại thuốc tương tự.

Một vài điều cần theo dõi:

  • Các thuốc kháng histamine “thế hệ thứ nhất” cũ hơn, có mặt trên thị trường trong thời gian dài có thể khiến trẻ buồn ngủ và hiệu quả không kéo dài được lâu. Đôi khi, trẻ trở nên “quá khích”, không ngủ được sau khi dùng các loại thuốc này.
  • Các thuốc kháng histamine “thế hệ thứ hai” mới hơn ít gây buồn ngủ, hiệu quả kéo dài hơn và được dùng một lần mỗi ngày.

Còn thuốc thông mũi hoặc miệng thì sao?

Nói chung, cha mẹ nên tránh cho con dùng thuốc thông mũi và thuốc thông mũi vì tác dụng phụ. Thuốc xịt mũi có chứa chất thông mũi có thể gây chảy nước mũi tái phát gọi là viêm mũi do thuốc và thuốc thông mũi dạng uống có thể gây ra tác dụng phụ bao gồm huyết áp cao, mất ngủ và khó chịu.

Điều trị tại chỗ cho ngứa, sưng, chảy nước mắt

Đối với mắt bị ngứa, sưng tấy, thuốc uống không có tác dụng hiệu quả như thuốc nhỏ mắt. Thuốc nhỏ mắt chống dị ứng thường chứa thuốc kháng histamine tại chỗ.

Cha mẹ tránh cho trẻ sử dụng bất kỳ sản phẩm nào có chứa chất co mạch (xem trên nhãn hoặc hỏi dược sĩ) trong hơn 2-3 ngày để tránh mẩn đỏ tái phát. Đây là tình trạng tái phát các triệu chứng và có thể dẫn đến việc mắt trở nên “phụ thuộc” vào thuốc nhỏ mắt.

Nước mắt nhân tạo cũng giúp làm dịu đôi mắt bị kích ứng. Ngoài ra, cha mẹ có thể tham khảo thêm ý kiến bác sĩ nhi khoa hoặc y tá nếu muốn cho con dùng các thuốc khác hoặc phương pháp điều trị lâu dài như liệu pháp miễn dịch (tiêm phòng dị ứng hoặc liệu pháp miễn dịch ngậm dưới lưỡi/uống).

Nguyên Lê

Theo ZingNews

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận