Ngày 1/6, nhà chức trách quận Hoàng Mai, Hà Nội đang làm việc với bảo mẫu 21 tuổi, quê Nam Định, làm rõ dấu hiệu hành vi bạo hành trẻ em. Cô gái này được gia đình anh Bằng, ở tòa chung cư HH2C Linh Đàm, thuê làm giúp việc, chuyên chăm sóc con mới sinh được khoảng một tháng. Khi xem camera, anh phát hiện khoảng 2h ngày 31/5, bảo mẫu một mình chăm bé đã “bế xốc, lắc mạnh nhiều lần” khiến con anh khóc thét, rồi ném mạnh xuống giường. Hiện sức khỏe trẻ ổn định, đã được về nhà sau cuộc kiểm tra tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa, hội chứng rung lắc là dạng chấn thương đầu và não nghiêm trọng thường xảy ra ở trẻ dưới hai tuổi. Nguyên nhân là do bị rung lắc mạnh từ việc đưa võng, lắc nôi ru ngủ, hoặc những động tác làm thay đổi tư thế đột ngột như trẻ đang nằm được bế thốc dậy, tung lên cao. Mức độ rung lắc này tương tự người lớn bị chấn thương sọ não do tai nạn xe.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị hội chứng rung lắc như rối loạn tri giác ở nhiều mức độ, lừ đừ, hôn mê, co giật, nôn, bú kém hoặc bỏ bú, nhịp thở chậm và bất thường. Các tổn thương não có thể để lại nhiều di chứng thần kinh lâu dài cho trẻ như chậm phát triển tinh thần, mất khả năng nói năng lưu loát, giảm khả năng học tập. Nặng hơn thì có thể gây xuất huyết võng mạc mắt, giảm thị lực hoặc mù, liệt thần kinh, thậm chí tử vong.
Tương tự, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết khi rung lắc mạnh, khoảng cách giữa sọ và não gây nên dao động như lắc ca nước, thường làm cho trẻ bị xuất huyết não. Hội chứng rung lắc thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, trẻ càng nhỏ càng dễ mắc.
Bác sĩ Khanh cho biết khi trẻ quấy khóc hoặc nôn ói quá mức, mà trước đó bị rung lắc thì nên nghĩ ngay đến hội chứng này. Khi đó, phụ huynh không nên tự xử trí mà nên để trẻ nằm yên và đưa ngay đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám.
Để điều trị hội chứng rung lắc, bác sĩ sẽ cho trẻ thở oxy, an thần, dinh dưỡng. Trẻ bị nặng có thể đặt nội khí quản, thở máy.
Các bác sĩ khuyên cha mẹ và người thân cần tránh những động tác xoay chuyển đầu trẻ đột ngột như rung lắc nôi đối với trẻ nhỏ, không xốc vác trẻ gấp gáp, không tung hứng.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên tham gia lớp giáo dục làm cha mẹ trước khi quyết định có con. Mục tiêu là hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh, được cung cấp kỹ năng cần thiết để dỗ em bé đang khóc, kiểm soát căng thẳng.
Hội chứng này thường xảy ra khi cha mẹ và người chăm sóc lắc mạnh em bé do thất vọng hoặc tức giận. Nhiều trẻ em mắc hội chứng rung lắc có biểu hiện bị lạm dụng, bạo hành trước đó. Thông thường, một số cha mẹ lắc mạnh đứa trẻ khi lạm dụng rượu, chất gây nghiện; hoàn cảnh gia đình bất ổn; có kỳ vọng không thực tế vào trẻ sơ sinh; trầm cảm sau sinh; có tiền sử ngược đãi con nhỏ.
Mỹ Ý – Thục Linh
Theo VnExpess