Nguồn gốc và ý nghĩa văn hóa của Đại Lễ Vesak - Doctor247

Nguồn gốc và ý nghĩa văn hóa của Đại Lễ Vesak

Sáng nay, ngày 6.5, Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 đã chính thức khai mạc tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM, đánh dấu sự kiện tâm linh quốc tế quan trọng với sự tham dự của 2.700 đại biểu, trong đó có 1.300 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, lễ hội còn có sự hiện diện của Hòa thượng Phra Brahmapundit – Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV).

Nguồn gốc của Vesak

Mỗi năm, khi ánh trăng tròn tháng Tư âm lịch rọi sáng bầu trời, hàng triệu người con Phật khắp thế giới lại cùng nhau hướng về một dịp lễ thiêng liêng – Lễ Vesak, hay còn gọi là Phật Đản. Nhưng Vesak không chỉ là một ngày lễ tôn giáo. Với nhiều người, đó là một khoảnh khắc để sống chậm, để lắng nghe và để trở về với những giá trị sâu thẳm nhất trong tâm hồn.

Vesak (còn gọi là Vesākha theo tiếng Pali, hay Buddha Day trong tiếng Anh) là ngày lễ lớn nhất và thiêng liêng nhất của Phật giáo, nhằm tưởng niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni:

  • Đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni (nay thuộc Nepal)
  • Thành đạo dưới cội bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ)
  • Nhập Niết bàn tại Kusinara

Điều đặc biệt là cả ba sự kiện này được tin rằng đều diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng Vesak – tương ứng với khoảng giữa tháng 5 dương lịch, hoặc rằm tháng Tư âm lịch theo lịch Việt Nam.

Năm 1999, Liên Hợp Quốc chính thức công nhận Vesak là “Ngày lễ văn hóa và tâm linh thế giới”, thể hiện sự ghi nhận tầm ảnh hưởng toàn cầu của đạo Phật với hòa bình, lòng từ bi và trí tuệ.

nguon-goc-vesak

Ý nghĩa sâu xa hơn của Vesak

Không giống như những dịp lễ hội náo nhiệt khác, Vesak không cần ồn ào để trở nên đáng nhớ. Với người Phật tử, đó là lúc trở về chùa, thắp một nén hương, tụng một bài kinh, thả một chiếc đèn hoa đăng và để lòng mình lắng lại sau những ngày tất bật.

Nhưng với người trẻ hiện đại, dù có theo đạo hay không, Vesak vẫn mang đến những giá trị đáng suy ngẫm:

  • Sống từ bi hơn với người khác
  • Biết ơn sự sống và những người đang hiện diện bên mình
  • Tập sống chánh niệm – tỉnh thức trong từng hành động

Trong nhịp sống hiện đại, Vesak trở thành một lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng: bình yên thật ra không nằm ở nơi ta đến, mà ở cách ta bước đi.

y-nghia-cua-vesak

Vesak trong văn hóa người Việt

Tại Việt Nam, Vesak còn được gọi là Lễ Phật Đản, và là một trong những ngày lễ trọng đại của Phật giáo. Khắp các chùa lớn nhỏ đều tổ chức lễ rước Phật, tắm Phật, cúng dường và phát cơm chay miễn phí.

Nhiều gia đình cũng chọn dịp này để ăn chay, làm việc thiện, hoặc đơn giản là dẫn con cháu đến chùa để hiểu thêm về lòng hiếu kính và đạo nghĩa.

Với cộng đồng mạng, Vesak còn là dịp để chia sẻ những câu chuyện chữa lành, những lời dạy sâu sắc của Đức Phật, hay đơn giản là một thông điệp nhẹ nhàng: “Chúc bạn một mùa Vesak an yên, sống chậm và sống sâu.”

vesak-van-hoa-viet-nam

Các hoạt động nổi bật của Vesak năm 2025

Năm nay, Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 lần thứ 4 với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”, Vesak 2025 gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về lòng từ bi, sự thấu hiểu và hành động thiết thực vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Tại TP.HCM, nhiều hoạt động phong phú đã diễn ra: từ triển lãm văn hóa Phật giáo Việt Nam giới thiệu ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, đến lễ thượng đại Phật kỳ với lá cờ Phật giáo lớn nhất thế giới, biểu tượng của khát vọng hòa bình và gắn kết năm châu.

la-co-phat-giao-khong-lo
Thượng kỳ lá cờ Phật giáo lớn nhất thế giới tại Đại lễ Vesak 2025

Đặc biệt, sự kiện rước Xá lợi Đức Phật từ Ấn Độ về chiêm bái tại đại lễ đã mang đến không khí trang nghiêm, thiêng liêng và xúc động cho cộng đồng Phật tử. Các buổi gặp gỡ, tiếp đón lãnh đạo Phật giáo quốc tế cũng góp phần củng cố tình đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm tu tập và lan tỏa giá trị Phật pháp đến toàn thế giới.

Đây cũng là dịp quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế cũng như kích cầu du lịch mạnh mẽ ở TP.HCM trong mùa lễ hội rộn ràng.

 

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận