Chủ đề
Người Việt Mới: Liệu “A.I” sẽ nuôi dạy con cái? NCS Tiến sĩ Tâm lý Tú-Anh Nguyễn
Nhân Ngày Quốc tế Gia đình 15/5, Doctor247 đã có buổi trò chuyện cùng NCS. TS. ThS. Tâm lý Tú-Anh Nguyễn – nhà sáng lập Happy Parenting, chuyên gia trong lĩnh vực tham vấn, can thiệp sớm và phát triển trẻ em – để lắng nghe những chia sẻ rất thực tế về cách nuôi dạy con cái trong kỷ nguyên số.
Doctor247: Mến chào chị Tú-Anh Nguyễn, chị có thể chia sẻ về hành trình làm mẹ của mình? Điều gì đã khiến chị lựa chọn đồng hành cùng cha mẹ và trẻ em, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và nuôi dạy con cái?
Hành trình làm mẹ đã khiến tôi nhận ra một khoảng trống rất lớn. Khi tôi cần tìm hiểu các kiến thức nuôi dạy con, những gì tôi tìm thấy hoặc là rất chung chung, hoặc chỉ phù hợp với nền văn hóa phương Tây, vốn có những khác biệt lớn so với thực tế nuôi dạy con cái ở Việt Nam. Những chia sẻ sâu sắc, phù hợp với bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam gần như không có.
Tôi nghĩ, nếu chính mình không tìm được nguồn thông tin phù hợp, tại sao mình không trở thành người tạo ra nó? Và từ đó, tôi bắt đầu theo đuổi chuyên sâu con đường này – đầu tiên là bằng thạc sĩ về tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên, sau đó là nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý nhi, chuyên ngành can thiệp sớm và phát triển trẻ em.
Doctor247: Theo chị, thế hệ Alpha và đặc biệt là Beta – những đứa trẻ lớn lên cùng công nghệ – khác biệt ra sao với thế hệ của chúng ta?
Thế hệ Alpha và Beta thực sự lớn lên trong một thế giới hoàn toàn khác so với chúng ta. Các em được sinh ra giữa một thế giới on-demand – nơi mọi nhu cầu từ giải trí, học tập cho đến giao tiếp đều có thể thỏa mãn chỉ bằng một cú chạm. Alpha là thế hệ iPad, còn Beta chính là thế hệ bản địa AI – khi các em lớn lên cùng chatbot, trợ lý ảo và các thiết bị thông minh trở thành một phần hiển nhiên trong cuộc sống hằng ngày.
Tuy nhiên, song song với cơ hội là những thách thức lớn về khả năng tương tác xã hội, kỹ năng kiên nhẫn, cân bằng cảm xúc và khả năng tự nhận thức. Điều này đòi hỏi cha mẹ cần hiểu đúng thế giới mà con đang sống, nhận diện tác động của công nghệ lên hành vi, tâm lý của trẻ và điều chỉnh cách nuôi dạy con phù hợp hơn, không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát thiết bị.
Doctor247: Trong hành trình nuôi con, chị có áp dụng công nghệ hoặc AI vào việc giáo dục, chăm sóc con như thế nào không ạ?
Gia đình tôi luôn cố gắng giúp con làm quen và nhận thức đúng đắn với công nghệ. Một tuần sẽ có một vài ngày, con được sử dụng iPad để chơi và trải nghiệm các ứng dụng giải trí có chọn lọc. Chúng tôi thiết lập các thói quen lành mạnh từ đầu: bao nhiêu giờ một tuần, những ứng dụng nào được phép sử dụng, những chương trình nào thực sự có ích cho con. Quan trọng hơn cả là thường xuyên trao đổi với con: con thích gì, con có thắc mắc ra sao khi sử dụng các ứng dụng ấy.
Doctor247: Theo chị, cha mẹ cần trang bị gì để có thể đồng hành cùng con trong thế giới số đang phát triển nhanh chóng?
Trước hết, chính cha mẹ cần làm gương. Có một câu nói tôi rất tâm đắc: ‘Lời dạy hay không bằng một lần cha mẹ làm theo’. Con trẻ học nhanh nhất từ việc quan sát hành vi của người lớn, đặc biệt là cha mẹ. Chúng ta không thể yêu cầu con không sử dụng điện thoại trong bữa ăn nếu chính mình lại vừa ăn vừa lướt Facebook. Cũng không thể mong con tập trung học nếu cha mẹ cứ vài phút lại kiểm tra điện thoại.
Cha mẹ hãy tự hỏi mình:
- Mình có thường xuyên vừa ăn vừa xem điện thoại?
- Mình có ‘cắm mặt’ vào điện thoại khi chơi cùng con?
- Mình có chia sẻ hình ảnh, thông tin gia đình quá thoải mái lên mạng xã hội mà thiếu cân nhắc về sự riêng tư?
- Nếu muốn con sử dụng công nghệ một cách có ý thức, cân bằng và tích cực, chính cha mẹ phải là tấm gương đầu tiên.
Ngoài ra, sự đồng hành của cha mẹ không nên là giám sát, mà là cùng con khám phá. Cha mẹ có thể cùng con học tiếng Anh qua ứng dụng AI, cùng đặt câu hỏi cho ChatGPT về những chủ đề trẻ yêu thích, cùng nhau thiết lập những quy tắc sử dụng thiết bị, để con được tham gia quyết định, chứ không cảm thấy bị áp đặt.
Một nghiên cứu của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ cũng đã nhấn mạnh rằng sự tham gia tích cực của cha mẹ vào các hoạt động truyền thông của con là yếu tố bảo vệ mạnh mẽ nhất giúp trẻ thu được lợi ích và giảm thiểu rủi ro từ phương tiện kỹ thuật số.
Doctor247: Trong thời đại AI, việc nuôi dạy con rõ ràng mang đến rất nhiều áp lực cho cha mẹ. Chị làm thế nào để cân bằng giữa việc theo kịp công nghệ và gìn giữ những giá trị cốt lõi?
Trong thời đại này, công nghệ và AI là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Vì vậy, điều quan trọng là đặt ra những ranh giới rõ ràng cho cả cha mẹ và con cái. Phải có những khoảng thời gian ‘online có ý thức’, và có những khoảng thời gian tuyệt đối dành cho gia đình, không có sự can thiệp của thiết bị, của máy móc.
Doctor247: Có người cho rằng việc trẻ tiếp cận sớm với công nghệ sẽ khiến các em mất đi tuổi thơ. Chị nghĩ sao về điều này?
Tôi tin rằng sự hiếu kỳ, mong muốn khám phá luôn tồn tại trong mọi đứa trẻ, bất kể sống trong thời đại nào. Việc đánh mất tuổi thơ không nằm ở việc trẻ tiếp cận sớm với công nghệ hay không, mà nằm ở cách cha mẹ định hướng nội dung và môi trường cho con tiếp xúc.
Doctor247: Trong việc sử dụng mạng xã hội, cha mẹ nên định hướng con thế nào để vừa an toàn, vừa mở rộng hiểu biết ạ?
Có một kỹ năng vô cùng cần thiết trong thế giới kết nối ngày nay, đó là Kỹ năng Đạo đức số. Thay vì chỉ cấm đoán, cha mẹ cần trang bị cho con những hiểu biết và nguyên tắc ứng xử trên không gian mạng. Giúp con nhận diện đâu là thông tin thật, đâu là thông tin giả, hiểu về tôn trọng bản quyền, cách giao tiếp văn minh khi online và biết dừng lại khi quá tải.
Cha mẹ cần tạo môi trường để con dám chia sẻ những gì con thấy, con gặp trên mạng. Khi con chia sẻ, cha mẹ nên cùng con đặt câu hỏi: ‘Ai tạo ra thông tin này?’, ‘Họ muốn mình nghĩ gì khi xem nội dung đó?’ – đây là bước đầu cho tư duy phản biện. Và cũng đừng quên dạy con về ‘dấu chân số’ – mọi hành vi trên mạng đều để lại dấu vết.
Doctor247: Cuối cùng, chị có thông điệp nào muốn nhắn nhủ đến các bậc cha mẹ đang nuôi dạy con trong thời đại mới không ạ?
Khi công nghệ càng hiện đại, chúng ta lại càng cần quay về với những điều cốt lõi nhất của con người và xã hội: sự gắn bó, đồng cảm chân thành và kết nối cảm xúc hai chiều. Đó là điều không trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế.
Doctor247 trân trọng cảm ơn những chia sẻ chân thành và đầy giá trị từ chị Tú-Anh Nguyễn. Hy vọng qua cuộc trò chuyện này, các bậc phụ huynh sẽ có thêm những góc nhìn mới mẻ, thực tế để đồng hành cùng con một cách vững vàng, tỉnh thức và đầy yêu thương trong hành trình làm cha mẹ thời đại số.
Có thể bạn sẽ quan tâm: Những giá trị gia đình đang bị quên lãng trong thời đại số
NCS. TS. ThS. Tâm lý Tú-Anh Nguyễn là nhà sáng lập Happy Parenting – phòng tham vấn và huấn luyện cha mẹ đồng hành cùng trẻ em và thanh thiếu niên. Chị là nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý nhi, chuyên sâu về can thiệp sớm và phát triển trẻ em. Với nhiều năm làm việc trực tiếp cùng gia đình, chị Tú-Anh Nguyễn tập trung vào các giải pháp ứng dụng tâm lý học thực hành vào nuôi dạy con trong thời đại số, giúp cha mẹ xây dựng kết nối bền chặt, an toàn và hạnh phúc cùng con.