Người cao tuổi Việt Nam trung bình mắc 3-4 bệnh | Doctor247

Người Việt trên 60 tuổi trung bình mắc 3-4 bệnh

Người cao tuổi ở nhiều nước châu Âu và Mỹ từ 80 tuổi vẫn khỏe, thậm chí có người gần 90 tuổi hằng ngày vẫn đạp xe 15km, đi bộ 3km, bơi 3km. Ở nước ta, trung bình một người trên 60 tuổi mắc 3-4 bệnh.

Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Phó chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam chia sẻ bên lề hội nghị lão khoa quốc gia lần thứ 4 diễn ra tại Hà Nội vào các ngày 10-11/11.

cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là chiến lược Dân số Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2011 và là một trong số 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Năm 2021, nước ta có 12,5 triệu người cao tuổi (chiếm 12,8% tổng dân số) và ngày càng tăng nhanh.

Ước tính vào năm 2038, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già với tỷ lệ người cao tuổi chiếm trên 20% tổng dân số.

Theo PGS Trung Anh, già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Người cao tuổi Việt Nam mắc rất nhiều bệnh.

Mỗi người cao tuổi trung bình chịu đựng 14 năm sau của cuộc đời với nhiều bệnh tật phối hợp.

Cụ thể, trung bình một người trên 60 tuổi mắc 3-4 bệnh, đặc biệt, những người trên 80 tuổi có thể mắc trên 6 bệnh. Đây là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như gia đình, đặc biệt là vấn đề chăm sóc.

Ngoài bệnh tật, người cao tuổi Việt Nam còn có sức khỏe yếu kém phải phụ thuộc nhiều vào sự trợ giúp của người chăm sóc, dụng cụ hỗ trợ trong cuộc sống.

PGS Trung Anh cho biết, người cao tuổi Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thứ nhất, bản thân tố chất của người cao tuổi Việt Nam không phải là người khỏe mạnh. Đây là yếu tố cần được cải thiện theo thời gian, qua nhiều thế hệ.

Thứ 2 là khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn nhiều hạn chế, như thiếu các cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế…) và nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi (bác sĩ, điều dưỡng lão khoa, người chăm sóc…). Bên cạnh đó, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

Nước ngoài đã đi trước chúng ta về vấn đề chăm sóc người cao tuổi. Họ chăm sóc người cao tuổi tốt hơn, họ có điều kiện giáo dục cho người cao tuổi biết cách tự chăm sóc sức khỏe cho mình.

“Ở nhiều nước châu Âu và Mỹ, những người 80 tuổi vẫn còn khỏe vì họ có thói quen tập luyện thể thao ngay từ thời trẻ, đến trung tuổi vẫn tập luyện tích cực. Tôi có nói chuyện với một giáo sư người Pháp gần 90 tuổi và được biết mỗi ngày vị giáo sư này vẫn đạp xe 15km, đi bộ 3km, bơi 3km…”, PGS Trung Anh nói.

Chuyên gia cũng thừa nhận, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh quá, nhanh đến mức môi trường chính sách chưa theo kịp.

“Tuổi già cứ sầm sập đến nhưng nhận thức về tuổi già, kiến thức về đối phó với nó trong cộng đồng còn thấp, nhận thức của gia đình, sự chăm sóc của gia đình, cộng đồng cũng chưa cao. Tuổi già đi trước tất cả các dịch vụ, thậm chí môi trường chính sách, chăm sóc người cao tuổi”, PGS Trung Anh nhấn mạnh.

Chính vì vậy, việc tăng cường chuyên môn cũng như cơ sở vật chất và nhân lực trong điều trị và chăm sóc người cao tuổi là một nhu cầu bức thiết và cần được quan tâm đến. Chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần người trẻ. Người cao tuổi cũng sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc.

Theo Dân trí

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận