Chủ đề
Ghép tạng ở Việt Nam: Mua tạng vì không thể chờ đợi
Dù phạm luật và rủi ro bị lừa đảo cao nhưng nhiều người cần ghép tạng ở Việt Nam vẫn bất chất tìm đến “cò” chợ đen vì không thể chờ đến lượt.
Anh Thành (đã đổi tên theo yêu cầu) phát hiện mắc suy thận giai đoạn cuối chỉ vài tháng sau khi con trai út chào đời, hai đứa lớn đang tuổi đến trường cần phải lo toan. Cơ nghiệp kinh doanh suốt 20 năm thì điêu đứng vì Covid-19. Khoản nợ xây nhà hơn 3 tỷ treo trước mắt.
Khi đó, anh chỉ có một con đường: chạy thận nhân tạo suốt đời, hoặc đến khi được ghép thận thông qua hai nguồn – hiến sống hoặc hiến chết. Kể từ khi Việt Nam ghép tạng thành công lần đầu năm 1992, đây trở thành cơ hội sống tốt nhất cho bệnh nhân suy chức năng giai đoạn cuối.
“Cháu phải ghép thận chứ không chấp nhận nằm đây như thế này”, anh tha thiết nói với bác sĩ, không muốn “trói” phần đời còn lại vào ba ca lọc máu mỗi tuần.
Để nhận tạng từ người hiến chết, anh ghi tên vào Danh sách chờ ghép tạng quốc gia, nhưng tắt hy vọng khi biết cả nước có gần 5.000 người đang đợi. Hiện mỗi năm, trung bình chỉ có khoảng 10 ca ghép tạng thành công từ người hiến chết não, theo Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia.
“Chờ bao giờ mới tới lượt?”, anh kể về câu hỏi thường trực mỗi lần nhìn hàng dài bệnh nhân khi đi chạy thận ở Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM).
Không nuôi hy vọng vào hệ thống điều phối, anh Thành nghĩ đến con đường: tìm tạng từ người cho sống. Trong lịch sử hơn 30 năm của ngành ghép thận Việt Nam, 96% trong hơn 7.600 ca thành công đều từ nhóm này. Nguồn hiến từ người cho chết não hoặc tim chỉ chiếm 4%.
Ham muốn sống tiếp buộc anh Thành không thể đứng yên xếp hàng, chờ được gọi tên. Anh quyết định lao vào hành trình tìm thận đầy rủi ro, mất mát.
Thương vụ “mua” thận cho ca ghép tạng
Theo gợi ý của bác sĩ, vòng tròn tìm kiếm nên bắt đầu từ người cùng huyết thống, bởi tỷ lệ tương thích cao hơn.
Mong cứu con, từ Nam Định, bố anh lật đật gói ghém hành lý, vượt hơn 1.600 km ngược vào Nam. Thế nhưng, họ thất bại ngay từ bước đầu tiên. Kết quả xét nghiệm không tương thích, người bố không đủ điều kiện hiến.
Anh Thành tiếp tục những ngày tháng chạy thận, nhưng luôn thôi thúc ý nghĩ phải tìm thận mới “vì còn nhiều hoài bão dang dở”.
Qua bệnh nhân cùng khoa, anh biết đến một con đường khác: mua thận từ “chợ đen”.
Theo Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác, người trên 18 tuổi đã đăng ký hiến tạng và đáp ứng các điều kiện về sức khỏe, y tế đều có thể trở thành người cho hợp pháp – không nhất thiết phải cùng huyết thống. Thế nhưng, mọi hành vi mua – bán hay môi giới đều bị nghiêm cấm. Bộ Luật Hình sự quy định Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người có khung hình phạt thấp nhất 3 năm, cao nhất là chung thân, tuỳ mức độ vi phạm.
Biết là trái luật, anh Thành vẫn quyết mua thận bằng mọi giá, bất chấp mọi rủi ro. Anh không muốn nằm trong số bệnh nhân sống mòn rồi chết sau hàng năm trời chờ nhận tạng hiến.
Qua người quen, anh được móc nối đến một cô gái tự xưng là Vân, ở Huế, làm môi giới. Thương vụ “mua” thận thông qua sự dẫn dắt của “cò” Vân bắt đầu.
Nguồn tạng chết não khan hiếm, còn thị trường “chợ đen”, nơi anh Thành tìm đến, lại được quảng bá “dồi dào nguồn cung”.
Vài tháng sau lần liên hệ đầu tiên, giữa năm 2022, anh đáp vội chuyến bay vào Huế, gặp Vân tại một quán cà phê ngay trung tâm thành phố. Tại đây, Vân dẫn mối cho anh với một người đàn ông ít hơn anh vài tuổi, sẵn sàng hiến thận. Vụ làm ăn được chốt giá 400 triệu đồng, chưa tính các phụ phí bên ngoài. Ngay lần gặp đầu tiên, anh xuống tay 100 triệu. Đó là cuộc mua bán không được ngã giá, và người mua biết chắc ở “kèo dưới”.
Sau hai trường hợp hiến thất bại do xét nghiệm không hòa hợp, “cò” đổi cho anh một người chừng 35 tuổi. Lần này, kết quả cả hai tương thích, anh nuôi hy vọng.
Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu. Quy trình ghép tạng từ người cho sống không cùng huyết thống thường trải qua 9 bước. Trong đó, khâu khó khăn nhất là tư vấn pháp lý giữa cặp hiến – nhận, nhằm “sàng lọc” những ca mua – bán thận phi pháp.
Khi Vân thông báo bước khó nhất là thủ tục pháp lý đã hoàn tất, cần ra Huế ký hồ sơ, anh Thành tưởng như mọi chuyện sắp xong xuôi. “Cò” dẫn anh vào quán cà phê cạnh bệnh viện, lên sân thượng, viết giấy, lăn tay, và yêu cầu chuyển nốt 300 trăm triệu ngay hôm đó.
Tờ giấy A4, với vài hàng chữ viết tay không được căn dòng, là bằng chứng duy nhất cho vụ mua bán ngầm. Anh Thành về nhà, yên trí chờ ngày ra Hội đồng ghép thận.
Thế nhưng, “cò” biến mất. Thông tin mù mờ anh nhận được là Vân bị bắt trong một vụ án ma túy.
“Nếu không bị bắt, anh nghĩ nó cũng đàng hoàng”, anh nói, giọng tiếc nuối. Hai bàn tay đen sạm siết chặt tờ giấy biên nhận với dấu vân tay đỏ chót.
Cú lừa của “cò” ghép tạng
Mất “cò” này liền có “cò” khác. Huệ, vốn biết anh từ trước, chủ động tiếp cận, rủ rỉ “em giúp vì thấy anh tội nghiệp”.
Quy trình với người hiến cũ tiếp tục, dưới sự dẫn dắt của “cò” mới. Cứ ít ngày, Huệ lại báo anh chuyển khoản. Số tiền nhỏ giọt, nhưng tần suất cuộc gọi, tin nhắn đòi tiền ngày càng dày đặc. Những tờ biên nhận, tới cùng một tài khoản và một nội dung, được gửi đi liên tục, từ 500 nghìn cho tới 5 triệu, 10 triệu, rồi 22 triệu đồng. Vợ nhiều lần khuyên anh cẩn thận, không để bị lừa. Là dân kinh doanh, anh hiểu rõ các rủi ro, nhưng chấp nhận.
“Đã đi được hơn nửa đường, bay bao nhiêu chuyến, chi bao nhiêu tiền, không thể bỏ giữa chừng”, anh giải thích cho quyết định khi ấy.
Lần này, anh đã đi qua 6/9 bước. “Cò” báo sau Tết năm 2024, hồ sơ của anh sẽ được ra Hội đồng ghép thận. Nếu được thông qua, cơ hội lên bàn mổ rất gần.
“Thế mà tụi nó dở chứng”, anh nói, bàn tay lướt trên màn hình, chỉ vào những cuộc gọi tần suất dày đặc với “cò” trên Zalo. Càng sát thời khắc quyết định, yêu sách của “cò” và người hiến càng tăng.
Giáp Tết, người hiến ra điều kiện phải chuyển tiền thì qua Tết mới đến Huế, lên Hội đồng. Gom góp 20 triệu, anh gửi vào số tài khoản của Huệ. Nhưng “cò” im lặng, còn người hiến liên tục giục đòi tiền. Đâm lao phải theo lao, anh đi vay nóng 30 triệu, lãi suất 1%/ngày, gửi cho “đứa hiến ăn Tết”.
Cỡ tháng 2, những cuộc gọi trao đổi qua lại không đi đến kết quả. Vẫn như mọi khi, “cò” và người hiến lại gợi ý anh chuyển tiền. Cùng lúc, thông báo nợ quá hạn từ ngân hàng được gửi đến, nếu không sẽ siết nhà. Tin nhắn từ nhân viên Bệnh viện Thống Nhất đồng thời báo sang: 12 triệu tiền viện phí chạy thận tháng này chưa trả.
Khi đó, anh mới nhận ra, bản thân không thể cố theo một cuộc chơi mà người khác “nắm đằng chuôi”.
Thị trường ghép tạng “đen”
Anh Thành là điển hình cho những nạn nhân của thị trường buôn bán tạng phi pháp – vấn nạn chung của cả Việt Nam và thế giới.
Nhu cầu ghép tạng hiện đã lên đến hàng nghìn, nhưng mỗi năm Việt Nam chỉ có 10 người hiến chết não. Sự chênh lệch cung – cầu này trở thành thị trường “béo bở” cho những người mua – bán tạng.
Việt Nam chưa có thống kê về nguồn ghép tạng bất hợp pháp, còn trên thế giới, ước tính khoảng 12.000 ca mỗi năm, theo báo cáo của Quan sát viên Toàn cầu về Hiến và ghép tạng (Global Observatory on Donation and Transplantation – GODT). Nguồn này chiếm chưa đến 10% các ca ghép, nhưng mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ, từ 840 triệu đến 1,7 tỷ USD hàng năm, cho những người buôn bán phi pháp.
Trong số các bộ phận cơ thể được giao dịch, thận là “món hàng” được săn tìm nhiều nhất – gần 8.000 quả mỗi năm. Lý do đơn giản, nó từ người sống, dễ kiếm, và dễ mua chuộc bằng tiền. Nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Tạng (Organ Watch) thậm chí còn đưa ra ước tính lớn hơn – khoảng 10.000 quả thận phi pháp được bán ra mỗi năm.
Việt Nam cùng Costa Rica, Ai Cập, được điểm danh là trung tâm của thị trường “cấy ghép đen”, theo nghiên cứu Buôn bán Nội tạng người của Liên minh Châu Âu năm 2015.
Tại Việt Nam, Bộ Công an cho biết trong 5 năm (2018 – 2022), cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 người vi phạm pháp luật về mua bán người, bao gồm mua bán nội tạng.
Người bán tạng thường là những nạn nhân khó khăn về kinh tế. Người mua nhiều nhất là bệnh nhân suy thận nặng, sẵn sàng trả 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Môi giới thường tìm khách hàng trên mạng xã hội hoặc tập trung trước các bệnh viện lớn. Để chắc ăn, chúng còn thuê nhà trọ nuôi người bán, chờ ngày lên bàn mổ. Mỗi ca thành công, môi giới có thể hưởng lợi từ 150 đến 250 triệu đồng.
Những kẻ “ký sinh” trên cơ thể người khác có thể thu lợi hàng nghìn USD mỗi giao dịch. Lợi nhuận thuộc về “cò”, còn rủi ro chia đều sang người bán và người mua.
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá hơn 70% trường hợp bán tạng qua “chợ đen” bị mất sức lao động. Khoản tiền kiếm được bằng cách trao đổi một phần cơ thể hầu hết cạn sạch trong vòng 5 tháng. Họ quay lại với nghèo đói và nợ nần. Bộ Công an Việt Nam từng công bố kết quả giám định cho thấy nguy cơ “tổn hại sức khỏe ít nhất 45 – 70%” cho người bán, có trường hợp tử vong do biến chứng sau phẫu thuật.
Kẽ hở trong quy định về ghép tạng ở Việt Nam
Gần 50 năm kinh nghiệm trong ngành, GS.TS.BS Trần Ngọc Sinh, Phó Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam, cho rằng kẽ hở dẫn đến mua – bán tạng có thể nằm ngay tại các cơ sở y tế.
“Có những trung tâm, lãnh đạo giương cao ngọn cờ nhân đạo trong ghép tạng, nhưng nhân viên thì tìm cách lách luật, ngấm ngầm, đôi khi công khai đồng thuận với việc buôn bán tạng”, ông nói.
Bác sĩ Sinh dẫn chứng, có những trường hợp người hiến được “băng nhóm” môi giới quốc tế đưa tới cơ sở y tế giáp biên giới Việt Nam để bán thận chui. Nhưng khi xảy ra biến chứng, bệnh nhân bị bỏ rơi, phải chạy về bệnh viện trong thành phố cầu cứu. Ông cho rằng để vận hành các “phòng ghép thận lậu” này phải có cả người trong y giới đồng lõa.
Mua bán tạng là hành vi phi pháp nên thường không có hợp đồng, rủi ro cả về sức khoẻ và kinh tế. Phần lớn tiền bán tạng đều thuộc về môi giới. Khi những người này liên kết thành hệ thống, mức bóc lột càng thêm tồi tệ. Còn người cho – nhận tạng thì rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
Dù vậy, nhiều bệnh nhân vẫn tìm đường lách luật để mua – bán tạng bằng cách làm giả giấy tờ, chữ ký, con dấu của cơ quan thẩm quyền…, theo chia sẻ của bác sĩ Trần Thị Cẩm Tú, Phó giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Trung ương Huế, tại một hội thảo năm 2021. 10 năm qua, bệnh viện này luôn nằm trong nhóm có số ca ghép thận cao nhất.
Cuối năm 2016, các bác sĩ phát hiện nhiều bất thường trong hồ sơ của người hiến thận. Bệnh viện phải lập Phòng điều phối ghép tạng để tự xác minh, nhưng nhiều trường hợp tiêu cực vẫn phát sinh từ người cho tạng dưới 30 tuổi – chiếm hơn một nửa nguồn hiến. Từ năm 2018, bệnh viện phải nhờ công an cùng kiểm tra hồ sơ pháp lý. Nhưng khi bị từ chối, bệnh nhân đến nơi khác lại thực hiện “trót lọt”.
PGS.TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội Thận – Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất, cho rằng nếu thật sự làm kỹ, đầy đủ khâu xét nghiệm, tỷ lệ loại khá cao bởi nhiều bệnh lý tiềm tàng ở cả người hiến khỏe mạnh và người nhận.
Về mặt chuyên môn, bệnh nhân hiến ghép thận phải trải qua xét nghiệm 71 tiêu chí, khoảng 50% các cặp tại bệnh viện bị loại, chủ yếu do không phù hợp. Nhiều trường hợp, thận tương thích, có thể ghép được, nhưng bác sĩ từ chối do có những dấu hiệu lo ngại người hiến bị ảnh hưởng sức khỏe sau này.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy – trung tâm ghép tạng lớn nhất phía Nam, mỗi năm chỉ thực hiện khoảng 100 cặp ghép thận trên tổng số hơn 300 trường hợp đến tư vấn. PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu, cho biết hơn 2/3 cặp ghép bị loại do người hiến và người nhận không phù hợp, hoặc không chứng minh được quan hệ.
Song song hội đồng chuyên môn, các bệnh viện đều lập hội đồng pháp lý, với sự tham gia của luật sư và tổ pháp lý độc lập. Người hiến và ghép phải cung cấp các giấy tờ theo yêu cầu như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận quan hệ… Bệnh viện sau đó sẽ gửi công văn cho địa phương đề nghị xác nhận nhân thân.
Thông thường, bệnh nhân ghép thận là người đã chạy thận thời gian dài tại bệnh viện, nhân viên y tế có thể hiểu rõ hoàn cảnh từng người. “Nếu có một bệnh nhân chạy thận từ nơi khác, xin đến bệnh viện để ghép sẽ gây nghi ngờ liền. Khi đó, bệnh viện càng cảnh giác làm kỹ khâu pháp lý”, bác sĩ Bách nói.
Khoa ông phụ trách cũng vừa có 2 bệnh nhân ghép “chui”, bị thải ghép sau thời gian ngắn, phải quay lại lọc máu. Nếu biết anh Thành – cũng là bệnh nhân của ông – từng tìm đến nguồn tạng “chợ đen”, bác sĩ Bách đã ngăn cản.
Sau gần 2 năm vay mượn để duy trì thương vụ mua thận, hàng chục chuyến đi lại giữa TP HCM và Huế, thứ anh Thành còn lại là một cơ thể kiệt quệ.
“Tốn bao nhiêu tiền của mà không được, lại đi tới đi lui, hay anh đi hỏi bác sĩ xem em có hiến được không?”, chị Khỏe (34 tuổi) – vợ anh – đề nghị.
Anh ậm ừ, nhìn sang 3 đứa con – đứa lớn lớp 9, đứa nhỏ nhất 3 tuổi – bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về lời khuyên của vợ.
Qua hai vòng xét nghiệm, chị được xác định đủ tiêu chuẩn để hiến thận. Lần đầu nghe bác sĩ thông báo có thể cho thận chồng, chị Khỏe bật khóc, ôm chặt tập hồ sơ.
Chị nhớ rõ mồn một hôm mưa tầm tã đưa chồng nhập viện hơn 3 năm trước. Lúc đó, thể trạng anh yếu, không đi lại được, gõ cửa mấy bệnh viện đều nhận cái lắc đầu do quá tải, thiếu máy lọc thận, có nơi phong tỏa vì Covid-19. Khi mọi thứ tưởng chừng đến đường cùng, chị mới cảm nhận rõ nỗi sợ mất anh. Từ dạo ấy, chị nuôi ý định cho chồng một quả thận, nhưng ngặt vừa sinh con, sức khỏe yếu.
“Sau khi quyết định cho, tự nhiên mình thấy nhẹ người, cảm giác nặng nề biến mất”, chị nói, một tay vòng ôm lấy thằng con út.
Với chị, việc hiến thận cho anh như điều hiển nhiên, cần làm. Cưới nhau, chị ở nhà nội trợ, chăm con, còn anh tập trung lo kinh tế. Nếu anh có mệnh hệ gì, chị sợ không cáng đáng được cả hai vai trò.
“Em thương ổng, ổng dù sao cũng là chồng em”, chị nói bằng chất giọng miền Tây đặc sệt.
Từ hôm nhận tin có thể hiến thận cho chồng, ngày nào chị cũng đi bộ gần 3 tiếng. Để cuộc phẫu thuật đạt kết quả cao nhất, bác sĩ khuyến cáo chị cần giảm hơn 10 kg. Khi chị đạt mốc cân nặng yêu cầu, hai vợ chồng sẽ quay lại gặp bác sĩ, thúc đẩy quá trình hiến – ghép.
Suốt 3 năm từ ngày đổ bệnh, anh Thành chưa bao giờ nghĩ sẽ nhận thận của vợ. Ba đứa con thơ, ngộ nhỡ nhà vắng ba, vẫn còn có mẹ. Nhưng công cuộc tìm tạng kéo dài trong vô vọng đã bào mòn ý chí. Giờ đây, vợ là lựa chọn sống tốt nhất của anh.
Nội dung: Mây Trinh – Lê Phương – Lê Nga
Ảnh: Phùng Tiên
Đồ họa: Đăng Hiếu
Theo VnExpress
Ghép tạng ở Việt Nam: Nguồn sống bị bỏ lỡ (doctor247.vn)
Ghép tạng ở Việt Nam: Tái sinh từ nguồn hiến tạng (doctor247.vn)