Người bệnh tim mạch Việt Nam không còn cần ra nước ngoài điều trị - Doctor247

Người bệnh tim mạch Việt Nam không còn cần ra nước ngoài điều trị

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh thông tin này khi phát biểu tại lễ khai Đại hội Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 năm 2023 diễn ra hôm nay (3/11) tại Hà Nội.

nguoi-benh-tim-mach-da-duoc-dieu-tri-trong-nuoc
Nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm đã được điều trị có hiệu quả. Ảnh minh hoạ

Nhiều bác sĩ tim mạch của Việt Nam được bạn bè, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao nhờ làm chủ các kỹ thuật khó, điều trị rối loạn nhịp tim phức tạp, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tham gia hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch cho một số nước trong khu vực và trên thế giới…

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ngành tim mạch trên thế giới là một trong những ngành phát triển năng động nhất trong y học. Các thầy thuốc tim mạch khu vực Đông Nam Á cũng rất năng động, có sự gắn kết chặt chẽ và có trình độ tay nghề tiệm cận với các nước phát triển.

Chuyên ngành tim mạch Việt Nam cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ trong những năm qua. Công tác khám và chữa các bệnh lý tim mạch có nhiều kết quả đáng tự hào.

Nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm đã được điều trị có hiệu quả. Nhiều phương thức tiên tiến đã được áp dụng không chỉ ở tuyến bệnh viện trung ương mà còn được phổ biến đến các bệnh viện tuyến dưới. Các kỹ thuật cao luôn được triển khai, cập nhật rất nhanh ở Việt Nam như can thiệp bệnh lý động mạch vành phức tạp.

Người bệnh tim mạch Việt Nam đã được hưởng lợi ích của các tiến bộ khoa học và không còn cần phải ra nước ngoài chữa bệnh. Bộ Y tế đánh giá cao sự phát triển của chuyên ngành tim mạch và coi đây là một trong những điểm sáng của y tế nước nhà.

Bệnh tim mạch trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số các bệnh không lây nhiễm

Như Báo Sức khoẻ & Đời sống đã đưa tin, Đại hội Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 diễn ra tại Hà Nội từ 2-5/11. Đại hội là diễn đàn khoa học uy tín của các thầy thuốc tim mạch trong khu vực và trên thế giới diễn ra hàng năm, được luân phiên qua các nước khu vực Đông Nam Á và đây là lần thứ Hai Việt Nam được vinh dự là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Đại hội.

Đại hội lần này có sự tham dự của hơn 2000 đại biểu đến từ các nước trong khu vực và trong nước cùng với các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch trên toàn thế giới.

nguoi-benh-tim-mach-bo-truong-bo-y -te-dao-hong-lan
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Đại hội.

“Tôi đánh giá đây thực sự là một sự kiện khoa học rất quan trọng không chỉ riêng cho chuyên ngành tim mạch mà còn có ý nghĩa cho sự phát triển của cộng đồng y khoa trong khu vực, trên thế giới, đặc biệt cho Việt Nam”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tại Việt Nam mô hình bệnh tật đã có nhiều thay đổi trong những thập kỷ qua, trong đó “các bệnh không lây nhiễm” đang tồn tại và tiếp tục phát triển mạnh, bao gồm các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh ung thư, tâm thần… và đặc biệt nhất là các bệnh lý tim mạch.

Các bệnh không lây nhiễm chiếm tới hơn 75% tổng số các loại tử vong trong đó bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong với 19,5 triệu người chết mỗi năm. Bên cạnh đó, có một thực tế đáng lo ngại nữa là, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch lại gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình – thấp (chiếm tới 75%) giống như mô hình ở hầu hết các nước ASEAN.

Trước đây tử vong chủ yếu liên quan đến các bệnh nhiễm trùng, chấn thương, tử vong sơ sinh thì nay chủ yếu là do các bệnh không lây nhiễm (chiếm tới 81%) mà hàng đầu là bệnh tim mạch.

Theo báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam năm 2020, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 39,5 % tổng số ca tử vong.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, nhận thấy vấn đề từ rất sớm, Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó chú trọng đối với phòng chống các bệnh không lây nhiễm…

Theo Bộ Y tế

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận