ỦA VẬY HẢ?

Nghe tai nghe âm lượng bao nhiêu thì không gây hại cho thính lực?

Ha Linh 10/07/2025 15:45

Từ gọi điện thoại, họp Zoom, đến nghe nhạc khi ngủ hay tập luyện thể thao, tai nghe đã trở thành người bạn đồng hành quen thuộc của nhiều người.

Không hẳn là tai nghe nguy hiểm, mà là âm lượng

Một lầm tưởng phổ biến là các loại tai nghe nhét tai sẽ gây hại hơn so với tai nghe trùm tai hay đặt ngoài do nằm gần ống tai hơn. Nhưng theo chuyên gia thính học Cory Portnuff (Bệnh viện Đại học Colorado), điều này không đúng.

“Vị trí tai nghe không quan trọng bằng mức âm thanh đến được màng nhĩ của bạn,” ông nhấn mạnh. Dù là âm thanh từ tai nghe nhét tai hay tai nghe trùm đầu, nếu mức âm lượng tại màng nhĩ giống nhau, mức độ tổn thương cũng tương đương.

Quy tắc "80 cho 90": Nghe thông minh để giữ tai khỏe

Để bảo vệ đôi tai, Dr. Portnuff khuyến cáo quy tắc đơn giản: nghe ở mức 80% âm lượng tối đa trong tối đa 90 phút mỗi ngày. Nếu nghe nhỏ hơn, bạn có thể kéo dài thời gian nghe. Nếu nghe lớn hơn, thời gian nghe nên rút ngắn.

Ở mức 85 decibel (tương đương với 80% âm lượng tối đa của nhiều thiết bị), bạn đang tiếp xúc với âm thanh tương đương tiếng xe chạy trong thành phố hoặc máy cắt cỏ chạy xăng. Trong khi đó, CDC khuyến nghị tránh tiếp xúc lâu với âm thanh trên 70 decibel - tương đương tiếng máy giặt hay máy rửa chén.

Mức an toàn nhất? Âm thanh dưới 60 decibel như tiếng trò chuyện nhẹ nhàng hầu như không gây hại cho tai, kể cả khi nghe lâu.

Không có tai nghe nào “an toàn tuyệt đối” nếu bạn vặn quá to

Không có loại tai nghe nào thực sự an toàn, đặc biệt là khi bạn phải tăng âm lượng để át tiếng ồn xung quanh.

Nếu bạn đang ở trong môi trường ồn ào mà vẫn nghe rõ lời bài hát, thì âm lượng bạn đang dùng có thể vượt quá 80 decibel, đủ để gây tổn thương tai nếu kéo dài.

Đó là lý do tại sao nhiều chuyên gia đều khuyên nên sử dụng tai nghe có khả năng cách âm tốt như các loại tai nghe nhét khít, tai nghe chụp kín tai, hoặc thiết bị có công nghệ chống ồn chủ động (noise canceling).

Mất thính lực thường đến chậm và không thể hồi phục

Nguy hiểm ở chỗ, tổn thương thính giác thường đến từ từ. Và một khi thính giác đã bị tổn thương, nó sẽ rất khó có thể hồi phục.

Nhiều người thậm chí không nhận ra mình bị mất thính lực cho đến khi đã quá muộn, thường là do chính thói quen nghe nhạc quá lớn trong thời gian dài.

Theo cả hai chuyên gia, điều quan trọng nhất khi sử dụng tai nghe không phải là loại tai nghe, mà là âm lượng và thời lượng. Một số smartphone và tai nghe hiện đại còn có tính năng cảnh báo khi âm lượng vượt ngưỡng an toàn.

Và nếu bạn bắt đầu phải tăng âm lượng vì không nghe rõ, đó có thể là dấu hiệu đầu tiên của tổn thương thính giác, hoặc là do môi trường quá ồn và bạn cần tai nghe cách âm tốt hơn.

Theo CDC
https://www.cdc.gov/nceh/hearing_loss/what_noises_cause_hearing_loss.html
Copy Link
https://www.cdc.gov/nceh/hearing_loss/what_noises_cause_hearing_loss.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghe tai nghe âm lượng bao nhiêu thì không gây hại cho thính lực?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO