Chủ đề
Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết 15-6: chung tay kiểm soát căn bệnh nguy hiểm
Trước nguy cơ lan rộng của dịch sốt xuất huyết, 10 nước thành viên ASEAN và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống nhất lấy ngày 15/6 hàng năm là “Ngày ASEAN phòng, chống Sốt xuất huyết” nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng và vận động các nguồn lực để kiểm soát căn bệnh này.
Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm do vi-rút Dengue gây ra. Bệnh truyền sang người qua vết đốt của muỗi bị nhiễm vi rút Dengue. Mặc dù nhiều trường hợp mắc bệnh nhẹ nhưng đôi khi bệnh diễn tiến nghiêm trọng thậm chí gây tử vong. Việc phòng chống SXH phụ thuộc vào kiểm soát véc-tơ (vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn).
SXH chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Việc phát hiện sớm và điều trị phù hợp sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do SXH.
Sốt xuất huyết tác động đến nhiều quốc gia trên thế giới
Khoảng một nửa dân số thế giới hiện đang có nguy cơ mắc bệnh với ước tính khoảng 100–400 triệu ca nhiễm xảy ra mỗi năm. Số ca mắc bệnh đã gia tăng đáng kể trên khắp thế giới trong những thập kỷ gần đây, với các trường hợp được báo cáo cho WHO đã tăng từ 505.430 trường hợp vào năm 2000 lên 5,2 triệu vào năm 2019.
Phần lớn các trường hợp không có triệu chứng hoặc nhẹ và tự kiểm soát. Do đó số ca mắc SXH được báo cáo có thể thấp hơn số ca mắc trên thực tế.
Sốt xuất huyết hiện đang lưu hành ở hơn 100 quốc gia trong các khu vực ở Châu Phi, Châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Các khu vực Châu Mỹ, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, trong đó Châu Á chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
Sự ra đời Ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết
Tình hình SXH gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, tác động lớn đến con người đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á. Tiến sĩ Shin Young-soo – Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO nhận định: “SXH có tác động đáng kể đến sức khỏe, nền kinh tế và toàn xã hội, đây là trách nhiệm chung của chúng ta. Cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ cần phải hợp sức để phòng chống SXH”.
Năm 2010, Hội nghị của Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN lần thứ 10 đã thống nhất chọn ngày 15 tháng 6 hàng năm được là Ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, huy động các nguồn lực để phòng ngừa và kiểm soát bệnh. Đồng thời thể hiện cam kết của khu vực trong việc giải quyết căn bệnh này.
Phòng chống SXH là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác. Được biết kể từ năm 2011, các nước thành viên ASEAN (Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) đều tổ chức các sự kiện thiết thực để hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống Sốt xuất huyết vào tháng 6 hàng năm.
Tại Việt Nam, hàng năm, Bộ Y tế đều tổ chức hưởng ứng sự kiện Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết trên quy mô toàn quốc. Các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn như tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý triệt để ổ dịch SXH vàtăng cường truyền thông để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.