Đừng cố tỏ ra 'ngầu lòi', khoa học đã chứng minh la hét lên sẽ giúp giảm đau tốt hơn đấy! - Doctor247

Đừng cố tỏ ra ‘ngầu lòi’, khoa học đã chứng minh la hét lên sẽ giúp giảm đau tốt hơn đấy!

La hét lên khi bị đau có thể không ‘ngầu’ như quan điểm của nhiều người, nhưng khoa học chứng minh rằng, ngầu không giúp chúng ta giảm đau.

Đừng cố tỏ ra 'ngầu lòi', khoa học đã chứng minh la hét lên sẽ giúp giảm đau tốt hơn đấy!

La hét có giúp bạn chịu đau tốt hơn không? Câu trả lời là có

Văn hóa phương Đông lẫn phương Tây đều đề cao khả năng chịu đau trong im lặng, kiểu cắn răng chịu đựng “như một người đàn ông thực thụ”. Khóc lóc hay la hét thường bị xem là dấu hiệu của sự yếu đuối. Nhưng khoa học cho thấy, việc kìm nén cảm xúc có thể khiến bạn đau đớn hơn mức cần thiết.

Một nghiên cứu gần đây được đăng trên Journal of Pain, có thể gọi là tạp chí học thuật “ngầu” nhất chỉ xét riêng cái tên – đã đi sâu vào hiện tượng này. Và phát hiện của họ thật sự đáng kinh ngạc.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học yêu cầu người tham gia nhúng tay vào trong chậu nước có nhiệt độ lạnh buốt. Người tham gia sẽ lần lượt được phép:

  • Thốt lên “ow” (tiếng kêu đau);
  • Được nghe bản ghi âm người khác la lên “ow”;
  • Chỉ được phép nhấn một nút (không có tác dụng gì);
  • Bị cấm hoàn toàn không được nói.

Kết quả: những người được phép phát ra tiếng khi đau có khả năng chịu đựng lâu hơn rõ rệt.

Một nghiên cứu khác cũng sử dụng phương pháp nhúng tay vào nước lạnh, nhưng lần này cho phép người tham gia chửi thề hoặc nói một từ để mô tả chiếc bàn (ví dụ: “gỗ” hoặc “tiện dụng”).

Kết quả không bất ngờ: người chửi thề chịu đựng tốt hơn. (Dễ hiểu thôi – ai mà kêu “gỗ!” giữa cơn đau mà thấy dễ chịu chứ?)

Chửi thề hay la hét đều là những hành vi bị xã hội lịch sự né tránh. Vậy vì sao những âm thanh “vô lễ” này lại có tác dụng giảm đau?

La hét sẽ khiến tín hiệu đau “giảm đi”

Không giống như phần lớn ngôn ngữ nói thông thường, tiếng la hét được xử lý qua amygdala, hay vùng não hình hạt hạnh nhân chịu trách nhiệm về cảm xúc. Và amygdala cũng có vai trò quan trọng trong việc điều tiết cảm giác đau.

Bác sĩ Nat Strand, giám đốc bệnh viện Scottsdale Liberty tại Arizona, cho biết căng thẳng và lo lắng có thể làm tăng cảm giác đau. “Một số bệnh nhân cảm thấy tốt hơn khi được nói chuyện trong lúc làm thủ thuật – như một cách phân tán sự chú ý. Ngay cả khi bạn không thể hét lên, bạn vẫn cần một cách nào đó để ‘xả’ năng lượng của cơn đau.”

Bộ não con người là một cơ quan mạnh mẽ, nhưng nó không thể xử lý quá nhiều thứ cùng lúc. Một trong những lý thuyết phổ biến hiện nay cho rằng khu vực não xử lý đau và khu vực điều khiển miệng – khi phát ra âm thanh – có sự chồng chéo. Điều đó có nghĩa: khi bạn đang hét, bạn sẽ cảm nhận ít đau hơn.

Đây được gọi là “lý thuyết kiểm soát cổng” (gate control theory), một khái niệm mới về cách kiểm soát đau.

Quan điểm cũ về đau khá đơn giản – kiểu như bạn thấy trong sách giáo khoa tiểu học: bạn đập búa vào tay, tín hiệu chạy từ ngón tay lên não và bạn cảm thấy đau.

Lý thuyết “kiểm soát cổng” phức tạp hơn: tín hiệu đau vẫn truyền đến tủy sống, nhưng tại đây, chúng gặp phải các “cổng” – có thể chặn hoặc làm yếu tín hiệu trước khi lên đến não. Những kích thích vật lý khác như xoa bóp, châm cứu, nhiệt độ lạnh/nóng… đều có thể “đóng” các cánh cổng này lại, giảm cảm giác đau.

Một số bác sĩ tin rằng ngay cả tín hiệu từ não cũng có thể tự động “đóng cổng”, như trong các phương pháp kiểm soát đau bằng thôi miên. Và khi bạn la hét hoặc chửi thề, đó có thể là một cách mà não phát tín hiệu cho cơ thể để giảm truyền tín hiệu đau.

Đau không phải là điều bạn chỉ có thể chịu đựng trong im lặng. Lần tới nếu bạn bị đụng ngón chân vào bàn hay bỏng tay khi nấu ăn, cứ thoải mái hét lên — có thể đó là cách tốt nhất để giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận