Chủ đề
Nên uống mấy viên Omega-3 mỗi ngày?
Omega-3 là một trong những dưỡng chất cần thiết mà bạn cần bổ sung thường xuyên.
Omega-3 có vai trò vô cùng đặc biệt đối với sức khỏe. Vì vậy ngoài việc sử dụng các thực phẩm giàu Omega-3 thì người ta thường chọn bổ sung chúng bằng cách uống các dòng thực phẩm chức năng. Vậy, nên bổ sung Omega-3 thế nào cho phù hợp?
Nên uống mấy viên Omega-3 mỗi ngày?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS. Lê Bách, Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền (Hà Nội) cho biết, uống Omega-3 mỗi ngày hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu cũng như tình trạng sức khỏe của mỗi người. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều được khuyến cáo bổ sung thành từng đợt kéo dài ít nhất 3 tháng.
Liều lượng bổ sung Omega-3 ở mỗi người cũng có thể khác nhau. Đối với người trưởng thành khỏe mạnh, hầu hết được khuyến nghị tối thiểu 250-500 mg EPA và DHA kết hợp mỗi ngày. Với phụ nữ mang thai, nên cung cấp khoảng 500 mg mỗi ngày trong suốt chu kỳ và hàm lượng này có thể tăng vào cuối chu kỳ vì đây là giai đoạn thai nhi hình thành não bộ và thần kinh.
Ngoài ra, một số trường hợp với tình trạng sức khỏe nhất định có thể cần bổ sung Omega-3 nhiều hơn những người bình thường. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng phù hợp đối với bạn. Mỗi sản phẩm thực phẩm bổ sung Omega-3 có thể chứa lượng EPA và DHA khác nhau. Điều quan trọng là chúng ta phải đọc nhãn thực phẩm bổ sung Omega-3 để biết nó chứa bao nhiêu EPA và DHA. Từ đó, có thể xác định được cần uống bao nhiêu viên để đạt được lượng khuyến nghị.
Lưu ý khi sử dụng Omega-3
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Vũ Thanh Tuấn cho biết, ngoài uống trực tiếp thì có thể bổ sung Omega-3 qua một số loại thực phẩm như: cá hồi, cá mòi, cá trích, dầu hạt cải, quả óc chó, rau có màu xanh đậm… hoặc thực phẩm chức năng chứa Omega-3.
Thời điểm bổ sung Omega-3 đường uống tốt nhất là buổi sáng vì đó là lúc cơ thể có thể hấp thu nó một cách tốt nhất, những người bị mất ngủ nên uống Omega-3 sau bữa tối.
Một số tác dụng phụ có thể gặp khi uống Omega-3 gồm: đầy hơi, ợ nóng, buồn nôn, tiêu chảy, đỏ da, nổi mẩn ngứa, mất ngủ, chảy máu nướu, tăng đường huyết, tụt huyết áp.
Một số trường hợp sau không nên bổ sung dầu cá Omega-3:
+ Người mắc bệnh đường tiêu hóa: có thể bị đầy hơi, chướng bụng.
+ Trẻ dưới 15 tháng tuổi: có thể gây hại cho một số cơ quan trong cơ thể.
+ Thai phụ: không nên bổ sung dầu cá thô vì nó có thể chứa nhiều chất ô nhiễm và kim loại nặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Thay vào đó, chỉ nên bổ sung Omega-3 từ thực phẩm.
– Nếu trong quá trình bổ sung Omega-3 mà xuất hiện các tác dụng phụ như đã nói đến ở trên thì cần dừng ngay và tham vấn ý kiến bác sĩ để có hình thức bổ sung khác phù hợp.
Nhìn chung Omega-3 là một loại dưỡng chất rất tốt cho sức khỏe và hầu hết là không gây hại khi nó được sử dụng đúng liều lượng. Tuy nhiên, đây chỉ là loại thực phẩm hỗ trợ chứ không phải là thuốc. Bên cạnh đó, thị trường hiện nay lại có bán rất nhiều loại Omega-3 khác nhau.
Do đó, trước khi quyết định bổ sung loại axit này chúng ta nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết được nên dùng loại nào, cách thức sử dụng và liều dùng sao cho phù hợp để đạt được tác dụng cao nhất. Việc tham vấn ý kiến bác sĩ cũng sẽ giúp bạn có được một chế độ ăn giúp bổ sung Omega-3 hiệu quả hơn.
Theo Afamily
4 loại thực phẩm giúp giảm huyết áp: tỏi, gừng, trà xanh, dầu cá