Mùa mưa bão cần chú ý những bệnh thường gặp nào?
Mùa mưa bão kéo theo nguy cơ ngập lụt, ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh bùng phát.
Trong và sau khi mưa lũ xảy ra, nước ngập mang theo rác thải, vi sinh vật, chất bẩn…gây ô nhiễm diện rộng và tiềm ẩn nhiều mầm bệnh. Những căn bệnh thường gặp trong mùa mưa bão gồm tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da và sốt xuất huyết.
Trước diễn biến phức tạp này, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều khuyến cáo nhằm giúp người dân chủ động phòng ngừa dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe.

Bệnh tiêu chảy cấp và các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn hay viêm gan A thường bùng phát mạnh sau mưa bão
Nguyên nhân chủ yếu là do nước ngập gây vỡ hệ thống thoát nước, cuốn theo rác thải, phân, xác động vật và chất thải sinh hoạt làm ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, điều kiện bảo quản thực phẩm không đảm bảo trong môi trường ẩm thấp cũng khiến thực phẩm nhanh hư hỏng.
Để phòng bệnh, người dân cần sử dụng nước sạch đã đun sôi hoặc được khử trùng bằng hóa chất như Cloramin B hay Javen. Tuyệt đối đảm bảo ăn chín, uống chín, không dùng rau sống hoặc thức ăn tươi chưa rửa sạch kỹ. Không sử dụng thực phẩm đã có dấu hiệu ôi thiu, mốc hỏng. Rác thải và xác động vật phải được xử lý đúng cách, không để gần nguồn nước sinh hoạt.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là thói quen quan trọng. Ngoài ra, ở các vùng có nguy cơ cao, người dân nên tiêm vắc xin phòng bệnh nếu có chỉ định của cơ sở y tế địa phương.
Các bệnh lý hô hấp như cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm phế quản hay viêm phổi
Thời tiết ẩm lạnh kéo dài làm suy giảm sức đề kháng, nhất là ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Việc sống trong nhà kín, ẩm thấp, thiếu thông thoáng là điều kiện thuận lợi cho virus và vi khuẩn phát triển. Do đó, giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng bàn chân, cổ và ngực là điều cần thiết.

Trẻ nhỏ nên tránh dầm mưa hoặc ngâm nước lâu. Nhà cửa nên được dọn dẹp khô ráo, tránh ẩm mốc. Việc bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường vitamin A và C giúp cải thiện đề kháng.
Trong giai đoạn có dịch lưu hành, cần hạn chế tiếp xúc gần với người đang có biểu hiện sốt, ho hoặc cúm, và nên đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.
Đau mắt đỏ
Hay còn gọi là viêm kết mạc cấp, thường lây lan nhanh trong mùa mưa bão do tiếp xúc với nước bẩn và vệ sinh cá nhân kém
Vi khuẩn, virus từ nguồn nước ô nhiễm, cộng với việc dùng chung khăn mặt, chậu rửa hay thuốc nhỏ mắt khiến bệnh lây từ người này sang người khác. Thậm chí, ruồi có thể trở thành tác nhân trung gian truyền bệnh nếu không giữ vệ sinh môi trường.
Để phòng ngừa, cần tuyệt đối không sử dụng nước bẩn để tắm, rửa mặt hoặc cho trẻ em chơi đùa. Giữ vệ sinh tay sạch sẽ, tránh tiếp xúc với người đang bị đau mắt. Có thể sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) để nhỏ mắt mỗi ngày. Không dùng chung đồ dùng cá nhân và cần giữ nhà cửa sạch, thoáng, hạn chế ruồi xuất hiện.
Các bệnh ngoài da như nấm, viêm da, viêm kẽ hoặc nhiễm trùng da vì phải tiếp xúc lâu với nước bẩn
Mưa ngập khiến da bị ngâm nước, mất đi lớp bảo vệ tự nhiên, trong khi quần áo và giày dép ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho nấm và vi khuẩn phát triển. Những vết trầy xước nhỏ trong quá trình lội nước cũng dễ trở thành cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. Vì vậy, nên hạn chế tiếp xúc với nước ngập nếu không cần thiết.

Nếu buộc phải lội nước, nên mặc đồ bảo hộ, đi giày kín chống nước. Sau đó cần rửa sạch da bằng xà phòng, lau khô kỹ, đặc biệt là các kẽ tay chân. Không nên mặc lại quần áo hoặc giày dép ẩm. Trong trường hợp da bị ngứa hoặc tổn thương, tránh gãi và có thể sử dụng thuốc sát trùng nhẹ theo chỉ định.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường tăng mạnh trong mùa mưa
Nguồn lây là muỗi vằn, loại muỗi sinh sản mạnh trong các vũng nước đọng, chai lọ, lốp xe cũ hoặc dụng cụ chứa nước không đậy kín. Để phòng bệnh, cần ngủ màn cả ban ngày lẫn ban đêm, mặc quần áo dài tay để hạn chế bị muỗi đốt.
Các vật dụng có thể chứa nước nên được đậy kín hoặc loại bỏ hoàn toàn. Nên thay nước bình hoa, bể cảnh thường xuyên, có thể nuôi cá ăn bọ gậy nếu điều kiện cho phép. Nếu ở vùng có nguy cơ cao, nên phối hợp với chính quyền để phun thuốc diệt muỗi theo khuyến cáo.
Khi có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, nổi ban, cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc tại nhà.
Cuối cùng, người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết và y tế từ các cơ quan chức năng, chủ động bảo vệ bản thân và gia đình. Mưa lũ là yếu tố không thể kiểm soát, nhưng nếu thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.